Dưới tiết trời se lạnh của những ngày đầu năm, chúng tôi tìm đến gia đình anh Trần Văn Lạc (SN 1988; ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) – người tiên phong với mô hình nuôi cá nước ngọt kết hợp trồng bồn bồn khép kính giữa bốn bề nước mặn.
Chia sẻ với chúng tôi, cha ruột anh Lạc là ông Trần Văn Thế cho biết con trai từ nhỏ là một người năng động và có tính "ham chơi". Vợ chồng ông quyết định lập gia đình sớm cho con với mong muốn Lạc sẽ chí thú làm ăn.
"Tôi cho vợ chồng nó 5 công đất làm kế sinh nhai khi mới lập gia đình. Cưới vợ xong, tính tình thằng Lạc thay đổi hẳn, trở nên biết lo cho gia đình, chịu khó làm ăn. Từ đó, tôi quyết định giao lại toàn bộ phần đất hương quả để con làm kinh tế" – ông Thế cười nói.
Anh Lạc và các thành viên trong gia đình đang tất bật tách vỏ bồn bồn để lấy lõi non giao cho khách
Hàng ngày, anh Lạc phải di chuyển hơn 100km để giao bồn bồn cho tiểu thương
Thời gian đầu, do đây là vùng đất mặn nên anh Lạc cũng như nhiều hộ dân khác chọn phát triển kinh tế từ con tôm nhưng hiệu quả đem lại không được khả quan. Năm 2016, sau khi bàn bạc cùng gia đình, đôi vợ chồng trẻ quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng thuê cơ giới gia cố bờ bao giữ ngọt để trồng bồn bồn kết hợp nuôi một số cá nước ngọt như: cá rô, cá lóc, cá thát lát…
Lúc đầu, do kinh nghiệm hạn chế nên bồn bồn phát triển chậm, năng suất không cao... đã khiến 2 vợ chồng anh Lạc gặp nhiều khó khăn. Để cải thiện hiệu quả mô hình, anh Lạc đã tìm đến nhiều địa phương chuyên canh bồn bồn "tầm sư học nghề".
Đất không phụ người, hiện 2ha bồn bồn của vợ chồng anh Lạc đã phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. "Trung bình mỗi ngày, tôi bán ra thị trường trên, dưới 100 kg lõi bồn bồn với giá 22.000 đồng/kg (tùy thời điểm) và nhiều loại cá đồng. Trừ hết chi phí, tôi thu về hơn 60 triệu đồng/tháng" – anh Lạc chia sẻ.
Anh Lạc thu về hơn 500 triệu đồng/năm nhờ trồng bồn bồn giữa bốn bề nước mặn
Tiếp lời anh Lạc, chị Phạm Thoại Khương cho hay khi biết vợ chồng chị có ý tưởng trồng bồn bồn, nuôi cá nước ngọt giữa bốn bề nước mặn thì nhiều người cho rằng làm chuyện chẳng giống ai, sớm muộn cũng thất bại. Tuy buồn, nhưng đôi vợ chồng trẻ đã bỏ ngoài tai những lời dị nghị để thực hiện ý tưởng của mình và hiệu quả đem lại đã khiến không ít người phải thán phục.
Theo đó, để bồn bồn phát triển tốt, cho lõi non to thì mực nước trong ruộng phải đảm bảo ở mức 0,6 m. Trồng loài cây đặc sản này không tốn nhiều công chăm sóc nhưng đổi lại người dân phải trầm mình nhiều giờ trong nước để thu hoạch cũng như ngồi trong thời gian dài để tách vỏ lấy phần lõi non giao cho khách hàng.
Người dân Cà Mau phải trầm mình dưới nước trong thời gian dài để thu hoạch bồn bồn
"Khoảng 2 giờ sáng, tôi đi nhổ bồn bồn rồi dùng xuồng vận chuyển vào nhà cho người thân tách lấy lõi non như vậy mới kịp giao cho khách. Tôi sẽ mở rộng diện tích, quy mô sản xuất khi nghiên cứu kỹ thị trường và tìm thêm đầu ra mới"– anh Lạc tâm sự. Thời điểm đắt hàng, ngoài những thành viên trong gia đình, anh Lạc còn thuê thêm gần chục nhân công với giá trên, dưới 200.000 đồng/ngày để phụ nhổ, tách vỏ bồn bồn.
Trước đây, bồn bồn là cây mọc hoang dại, có thời gian người dân ra sức tận diệt. Song, khi vươn mình trở thành đặc sản, loài cây này đã được người dân trồng rộng rãi để cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn. Các món ăn chế biến từ lõi bồn bồn đã chinh phục nhiều thực khách khó tính bởi vị ngọt thanh khó quên.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng Đông, cho biết trên địa bàn có khoảng 60ha trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, hiệu quả nhất vẫn là mô hình trồng bồn bồn khép kính của gia đình anh Trần Văn Lạc.
"Địa phương đang đề xuất ngành chức năng huyện Cái Nước khen thưởng đối với gia đình anh Lạc do làm kinh tế đạt hiệu quả cao trong nhiều năm liền. Thời gian tới, hội sẽ giới thiệu và nhân rộng mô hình trên" - ông Liêm thông tin.
Bình luận (0)