Ngày 21-11, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 23.915 đồng/USD, giảm 39 đồng/USD so với hôm trước. Giá USD ở các NH thương mại được giao dịch quanh 23.930 đồng/USD mua vào, 24.270 đồng/USD bán ra, giảm mạnh 140 đồng/USD so với hôm trước. Nếu so với mức đỉnh trên vùng 25.000 đồng, giá USD ngân hàng đã đi xuống tới 3%.
Giảm áp lực cho lạm phát và lãi suất
TS Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE, phân tích tỉ giá USD/VNĐ giảm nhanh từ mốc 24.590 đồng xuống 24.180 đồng (tương đương -1,7%), ngay sau khi Mỹ công bố kết quả lạm phát tháng 10 so với tháng trước. Kết quả này cộng hưởng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11, đồng nghĩa với việc thị trường đang kỳ vọng FED có thể sẽ hạ lãi suất trong năm 2024.
"Trước những thông tin tích cực về thị trường quốc tế, chỉ số đồng USD (DXY) giảm từ mốc 107 điểm xuống 103 điểm (tương đương -3,7%), cộng thêm nguồn ngoại tệ trong nước dồi dào, thặng dư cán cân thương mại 10 tháng đạt mức kỷ lục 24,6 tỉ USD, góp phần giúp tỉ giá hạ nhiệt nhanh chóng về mức 24.180 đồng" - TS Hồ Sỹ Hòa nói.
Giá USD ngân hàng đã giảm tới 3% trong vòng 1 tháng trở lại đây .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo các chuyên gia, ổn định giá trị tiền đồng và lạm phát là một trong mục tiêu quan trọng xuyên suốt của NHNN bên cạnh mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tính đến thời điểm ngày 20-11, VNĐ chỉ còn mất giá 2,8% so với đầu năm, nằm trong biên độ ổn định mà NHNN kỳ vọng. Chênh lệch lãi suất USD - VNĐ không còn âm như giai đoạn trước đó, cũng góp phần giảm áp lực lên tỉ giá.
Do vậy, theo TS Hồ Sỹ Hòa, tỉ giá hạ nhiệt góp phần giúp NHNN có thêm nhiều dư địa điều hành chính sách tiền tệ, không cần phải sử dụng công cụ hút tiền qua kênh tín phiếu (hay mua ngoại tệ).
Bà Trần Ngọc Thúy Vy, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, phân tích tỉ giá hạ nhiệt vào cuối năm, các DN nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD sẽ được hưởng lợi giảm gánh nặng nhờ chi phí giảm, đồng thời giá cả của các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam trong tương lai cũng xuống thấp, kích thích nhu cầu của người tiêu dùng từ đó tác động tích cực đến lợi nhuận của DN nhập khẩu. Một số nhóm ngành thường có tỉ trọng nhập khẩu nguyên liệu cao như giấy, nhựa, thực phẩm, sắt thép, xăng dầu… cũng có thể được hưởng lợi.
Ngoài ra, một số DN vay nợ bằng đồng USD cũng bớt áp lực như ngành điện và các DN phát hành trái phiếu quốc tế. "Các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ giảm áp lực từ chêch lệch tỉ giá hối đoái khi USD giảm giá. Điều này tác động tích cực đến lợi nhuận của DN vay USD. Một số nhóm ngành hiện có vay nợ ngoại tệ USD lớn có thể kể đến như dầu khí, điện, hàng không, bất động sản" - bà Thúy Vy nói thêm.
Nhập khẩu đỡ lo
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông David Tran, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ Homefarm, nhận xét việc tỉ giá hạ nhiệt rất kịp thời, giúp giảm giá vốn của các DN nhập khẩu và phân phối hàng ngoại như Homefarm. Chưa kể, tỉ giá giảm cũng tác động rất tốt đến tâm lý người tiêu dùng, nhất là mùa mua sắm cuối năm đang đến gần.
Tuy nhiên, do phần lớn hàng hóa chuẩn bị Tết được nhập hàng ở thời điểm giá USD khoảng 24.300 - 24.500 đồng và đã tập kết về kho nên giá các mặt hàng này khó mà thấp được. Riêng những lô hàng nhập khẩu phát sinh thêm thì sẽ nhẹ giá vốn hơn, hỗ trợ cho khâu bán hàng.
Tương tự, ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc chuỗi hải sản Hoàng Gia, cho hay tỉ giá hạ nhiệt cuối năm giúp DN "dễ thở" hơn. Do vậy, kỳ vọng bước vào cao điểm cuối năm từ Noel, Tết dương lịch… sức mua sẽ tăng lên.
Ở góc độ DN bán lẻ quy mô lớn, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing Công ty MM Mega Market Việt Nam, cho biết nhóm hàng nhập khẩu chiếm tỉ lệ rất nhỏ, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu hàng hóa tại các siêu thị nên tỉ giá giảm trong giai đoạn cuối năm chỉ giúp DN đỡ áp lực hơn chứ chưa đủ tác động đến giá cả thị trường. "Từ trước đến nay, chưa có DN nào chủ động đề xuất giảm giá bán hàng vì tỉ giá giảm cả" - ông Khôi nói.
Với các DN sản xuất, ông Trần Vũ Khanh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang (chuyên nhập khẩu nông sản: lúa mì, bắp, đậu nành), lại cho biết tỉ giá giảm không tác động nhiều do sức mua đang yếu. Theo ông, các DN chủ yếu tiêu thụ hàng tồn kho, đợi chờ thị trường ấm lên. Sản phẩm chăn nuôi thịt, trứng tiêu thụ rất chậm nên nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng yếu theo. Mọi năm, DN còn xuất khẩu tiểu ngạch, năm nay giá các nước còn thấp hơn Việt Nam nên không xuất khẩu được.
DN xuất khẩu bị tăng chi phí
Ở chiều ngược lại, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ (TP HCM) chuyên xuất khẩu trái cây, cho hay tỉ giá những ngày gần đây có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức tốt cho xuất khẩu. "Thị trường chính của chúng tôi là Mỹ, EU, Úc, Trung Quốc... với các mặt hàng như: thanh long, nhãn, chuối, dừa, sầu riêng, chanh dây... và đơn hàng đều tăng do nhu cầu mua sắm cuối năm nên chưa ảnh hưởng nhiều từ việc tỉ giá giảm" - ông Thìn nói.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn (chuyên sản xuất hạt điều), cho biết khi tỉ giá giảm, DN bị tăng chi phí sản xuất do DN vay tiền USD nhưng chi phí sản xuất, trả lương nhân công thì bằng VNĐ.
Bình luận (0)