Thời gian gần đây, nhiều thương hiệu thực phẩm chuyên xuất khẩu phát triển thêm mảng kinh doanh nội địa khi khả năng chi trả của người tiêu dùng Việt tốt hơn.
Đưa hàng ngon quay về nước
Trăn trở với câu hỏi vì sao doanh nghiệp (DN) xuất khẩu một lượng lớn cà phê ngon, nguyên chất ra nước ngoài, được thị trường ưa chuộng trong khi người tiêu dùng trong nước lại biết rất ít về cà phê Phúc Sinh? Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, đã không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để chạy quảng cáo cà phê thương hiệu Blue Sơn La của DN vào giờ vàng trên các kênh truyền hình lớn.
"Việt Nam là thị trường rất lớn và chúng tôi muốn mọi người phải được uống cà phê 3 không: không phụ gia; không phẩm màu; không pha trộn bột bắp, đậu nành… Với hạt tiêu cũng vậy, mỗi năm Phúc Sinh Group xuất khẩu 30.000 tấn sang Mỹ và nhiều nước khác, giờ chúng tôi muốn kết nối bán hàng cho các DN trong nước với giá cạnh tranh. Các DN xuất khẩu quen với những đơn hàng lớn, nay phải vất vả đi chào hàng, bán từng gói cà phê và vẫn phải lấy doanh thu từ xuất khẩu bù đắp cho trong nước nhưng chúng tôi quyết tâm làm" - ông Thông bày tỏ.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của một doanh nghiệp xuất khẩu mới chuyển sang phân phối nội địa. Ảnh: AN NA
Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cũng thừa nhận công ty "toàn lỗ" trong mấy năm đầu quay về "sân nhà".
"Vài năm trước, khi nước mắm Thanh Hà có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới, chúng tôi tự hỏi vì sao đồ tốt nhất, ngon nhất mình toàn đem xuất khẩu mà không bán nội địa để người tiêu dùng trong nước thưởng thức. Từ đó, chúng tôi quyết tâm đưa thương hiệu nước mắm Thanh Hà quay về thị trường nội địa. Có điều khi đó, người tiêu dùng đã quen ăn nước mắm có điều vị nên họ chê mắm Thanh Hà không ngon mà bán đắt" - bà Kim Ngân kể.
Đại diện thương hiệu nước mắm này nói thêm Thái Lan xuất khẩu nước mắm trước Việt Nam hàng chục năm và công khai sử dụng thương hiệu nước mắm Phú Quốc, ghi nhãn bằng tiếng Việt để xuất khẩu sang nhiều nước. Sau này, nước mắm Phú Quốc được châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mới bớt bị làm giả.
"Bài toán đặt ra là làm sao cho thế giới biết nước mắm là của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và câu trả lời là DN phải xây dựng thương hiệu và tạo được chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước. Hiện tại, tiêu thụ nước mắm Thanh Hà ở nội địa còn kém khả quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù vậy, công ty vẫn đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa để người tiêu dùng biết và sử dụng nước mắm truyền thống nhiều hơn" - bà Kim Ngân nói.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt, cũng đồng tình và cho rằng việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa chính là bảo chứng để DN tiếp cận khách hàng quốc tế dễ dàng hơn.
"Đối tác nước ngoài thường quan tâm sản phẩm có bán ở nội địa không, được ưa chuộng không… và đặt câu hỏi nếu sản phẩm tốt thật, ngon thật vì sao không bán cho người dân trong nước" - bà Thương lý giải.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dh Foods, cũng cho rằng để xuất khẩu thành công, DN cần đẩy mạnh mảng kinh doanh nội địa, nhất là các kênh thương mại điện tử và vào siêu thị tốt vì khách hàng quốc tế không muốn là "chuột bạch", họ thích sản phẩm đã được kiểm chứng bởi người tiêu dùng nội địa.
Chờ ngày thu trái ngọt
Công ty CP Pacific Foods (chủ thương hiệu nước mắm Mami) sau 10 năm chinh phục thành công thị trường Mỹ, giành được vị trí số 1 về nước mắm trên sàn thương mại điện tử Amazon, mới lên kế hoạch bán hàng nội địa chính thức từ giữa năm 2021.
Sau khi "phủ" hết các sàn thương mại điện tử lớn trong nước, nước mắm Mami đã "tấn công" vào các hội chợ và một số siêu thị với chất lượng và mẫu mã tương đồng hàng xuất khẩu. Ông Lê Bá Linh, giám đốc công ty, cho biết hiện tình hình kinh doanh nội địa khá tốt, đơn đặt hàng nhiều nhưng DN thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.
Theo ông Đặng Bá Long, Giám đốc điều hành Công ty CP Ong mật TP HCM (Behonex), cùng với xuất khẩu, vài năm gần đây, mảng nội địa của công ty tăng trưởng khá tốt, bình quân 15%/năm. "Behonex trước đây chủ yếu là xuất khẩu, ít bán trong nước do thị trường nhu cầu thấp. Người dân trước đây quan niệm mật ong chỉ có ở trên rừng và là một loại thuốc, chỉ sử dụng khi ốm đau.
Gần đây, mật ong bắt đầu được sử dụng như một loại thực phẩm dùng trong nấu ăn, làm thức uống theo công thức nước ngoài. Một lý do quan trọng là thu nhập của người Việt Nam tăng lên, có khả năng chi trả cho các loại thực phẩm cao cấp. Tuy vậy, ngay trên sân nhà, mật ong nội phải cạnh tranh quyết liệt với mật ong nhập khẩu do niềm tin của người tiêu dùng với mật ong nhập khẩu thương hiệu mạnh tốt hơn" - ông Long bày tỏ.
Sự phát triển của các chuỗi thực phẩm cao cấp gần đây cũng hỗ trợ các DN xuất khẩu quay về. Ông Nguyễn Tấn Hòa, phụ trách marketing hệ thống Organic Food, cho biết các DN thực phẩm chuyên xuất khẩu có hệ thống quản lý chất lượng bài bản nên khi phân phối rất yên tâm.
"Nhiều sản phẩm đã thay thế được hàng nhập ngoại, như các loại gia vị tiêu, nghệ, quế… hữu cơ tại Organic Food hiện được cung cấp bởi một DN nội chuyên xuất khẩu có đầy đủ chứng nhận hữu cơ quốc tế nhưng giá rẻ hơn 20% hàng nhập" - ông Hòa dẫn chứng.
Đi đường vòng
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (nhãn hàng tương ớt lên men Chilica), cho biết ban đầu ông dự định bán hàng nội địa rồi mới xuất khẩu nhưng sau đó phải chuyển hướng.
"Chilica ra mắt thị trường vào năm 2020, gặp ngay lúc dịch Covid-19 xuất hiện, việc chào hàng đến cửa hàng, siêu thị hay tham gia hội chợ đều rất khó khăn. Thế nhưng, khi gửi mẫu và email đến các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài lại kết nối được nhiều khách hàng tại Úc, EU, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á và xuất khẩu khá thành công. Trong tương lai gần, tỉ trọng xuất khẩu của chúng tôi chiếm khoảng 80% và mảng nội địa khoảng 20% qua các kênh như siêu thị, sàn thương mại điện tử" - ông Hiền giải thích.
Bình luận (0)