Trên tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành đã tổ chức mô hình “Cà phê doanh nhân” để lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) và đã ghi nhận những thành công bước đầu. Đây có thể là kinh nghiệm để TP HCM tổ chức có hiệu quả các chương trình lắng nghe và trao đổi giữa lãnh đạo TP với các DN.
Sáng 4-3, chương trình “Cà phê doanh nhân sáng thứ bảy” do Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) tổ chức với chủ đề một số lưu ý khi quyết toán thuế 2016 và các nội dung về thuế năm 2017. Các doanh nhân, thành viên của hiệp hội đã có buổi chia sẻ thân tình, đặc biệt có sự góp mặt của lãnh đạo Cục Thuế TP HCM.
Đây là chương trình được HUBA tổ chức định kỳ 2 tuần một lần vào sáng thứ bảy. Đến nay, chương trình đã đến kỳ thứ 11 nhưng lãnh đạo HUBA cho biết những kỳ gặp trước đây thường chỉ là thành viên hiệp hội gặp nhau, trao đổi thông tin, chia sẻ những khó khăn và thông qua HUBA gửi những kiến nghị của họ đến lãnh đạo TP. Tuy nhiên, gần đây trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP, HUBA đã tổ chức cho DN trao đổi trực tiếp với lãnh đạo TP cũng như các sở - ngành liên quan.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, cho biết trong thời gian tới, hiệp hội sẽ tổ chức nhiều chương trình kết nối hữu ích hơn để giải tỏa vướng mắc, khó khăn cho các DN. Không giống như các tỉnh, đặc thù của TP HCM có số lượng DN rất lớn, chỉ 1 quận có thể bằng cả tỉnh, vì vậy mối quan hệ giữa lãnh đạo và DN cũng khác nhau. Nhưng TP cũng có lợi thế là có nhiều phương thức làm, có không gian mở, có chương trình bổ ích cho DN tại các buổi gặp ví dụ như về thuế, còn lần trước thì về APEC…
Trong buổi “Cà phê doanh nhân sáng thứ bảy” diễn ra vào sau Tết âm lịch 2017, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, đã tham gia và cho biết sắp tới, lãnh đạo TP, các sở - ban - ngành sẽ thường xuyên tham dự chương trình để lắng nghe các chia sẻ từ DN; từ đó cùng phối hợp để giải quyết những vướng mắc. Không chỉ qua kênh gặp gỡ trực tiếp mà DN cũng có thể gửi email trực tiếp đến lãnh đạo TP và các sở - ban - ngành để cùng nhau nhanh chóng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Tham gia chương trình “Cà phê doanh nhân sáng thứ bảy”, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP, cho biết thông qua cuộc gặp này, Cục Thuế TP sẵn sàng lắng nghe những khó khăn của DN một cách chân tình, thẳng thắn, từ đó tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt hơn. Qua đây, DN cũng hiểu hơn về hoạt động của cơ quan thuế, hiểu được chính sách tốt để thực hiện nghĩa vụ tốt hơn.
“Mỗi cuộc gặp gỡ thường có chủ đề riêng, nếu có vấn đề có liên quan đến thuế thì cơ quan thuế sẽ có phân công thông qua các đầu mối hoặc từng lãnh đạo cụ thể để giải tỏa vướng mắc cho DN. Tuy nhiên, hoạt động của DN rất đa dạng, liên tục, phát sinh hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống, vì vậy mà cơ quan thuế và DN cũng sẽ phải thường xuyên trao đổi để những khó khăn nếu có sớm được tháo gỡ” - ông Bình khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp LÊ MINH HOAN:
Tháo gỡ khó khăn và chia sẻ
Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình lãnh đạo tỉnh uống cà phê với doanh nhân. Nhiều người và các địa phương khác nghĩ rằng mô hình cà phê với doanh nhân là chỗ để giải quyết bức xúc, khó khăn cho DN nhưng với Đồng Tháp, điều này không phải quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là qua mô hình này, những buổi gặp gỡ sẽ giúp trao đổi thông tin giữa DN với tỉnh, lãnh đạo tỉnh, không gian chia sẻ sẽ gợi mở nhiều hơn, kéo thị trường gần với lãnh đạo. Không hẳn DN đến vì gặp khó khăn về thủ tục mà họ cần chia sẻ về một ý tưởng mở rộng sản xuất - kinh doanh hoặc đầu tư vào một ngành hàng mới… Hoặc ngược lại, lãnh đạo tỉnh cũng cần tham khảo ý kiến của DN khi muốn triển khai một chính sách mới, ngành hàng mới ở địa phương. Đây là sự tương tác chứ không chỉ là một chỗ để giải quyết sự vụ, sự việc, dù ban đầu phải giải quyết những khó khăn vướng mắc DN gặp phải để tạo niềm tin. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cũng muốn những buổi gặp gỡ cà phê với doanh nhân có thể kết nối các DN lại với nhau, không để các DN “lủi thủi” một mình.
Có một thực tế là các DN hoạt động ở địa phương nào thì nơi đó thường xem DN với vai trò đóng góp cho ngân sách, đóng góp cho sự tăng trưởng, giúp giải quyết việc làm, nhờ hỗ trợ an sinh xã hội. Nhưng đối với tôi, bên cạnh những yếu tố này, một giá trị cao hơn do DN đem lại là sự tư duy thị trường mà người lãnh đạo rất thiếu. Bởi khi một DN khó khăn có thể đó không chỉ là cái khó của riêng DN đó mà là cái khó chung của các DN trên địa bàn.
Ban đầu, cà phê với doanh nhân ở Đồng Tháp được lãnh đạo tỉnh này tổ chức cuối mỗi tháng, rồi 2 tuần/lần, rồi 1 tuần/lần và bây giờ là… hằng ngày. Cứ mỗi ngày, từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút, lãnh đạo tỉnh sẽ ngồi uống cà phê ngay trong khuôn viên căng-tin của tỉnh để DN nào cần gặp, có khó khăn vướng mắc gì đến chia sẻ ngay.
Thành công lớn nhất từ mô hình này là các DN có sự liên kết trong từng ngành hàng nhất định, tham gia vào hiệp hội từ sản xuất xuất khẩu cá, gạo… thay vì hoạt động riêng lẻ như trước đây. Các DN cũng chia sẻ với nhau nhiều hơn, bởi lâu nay chính các DN cũng tự làm khó mình khi không đoàn kết, mỗi DN đều đầu tư dàn trải khiến chi phí cao lên, bán phá giá…
Ông PHẠM TRƯỜNG THỌ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi:
Hiệu ứng tích cực
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản thống nhất chủ trương tiếp tục tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân”. Đây là chương trình được UBND tỉnh tổ chức từ đầu tháng 11-2016 nhằm làm “cầu nối” gặp gỡ giữa DN và lãnh đạo các sở, ngành, UBND tỉnh để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư thực hiện dự án. Chương trình được tổ chức mỗi tháng/lần vào sáng thứ bảy tuần đầu tiên hằng tháng. Mỗi buổi cà phê thu hút khoảng 15-20 đại diện DN tham gia. Nguồn kinh phí thực hiện do Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi tự cân đối trong dự án đã được giao hằng năm.
Tính đến nay, chương trình đã có 4 buổi “cà phê doanh nhân” được tổ chức. Chương trình đã tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng DN, tăng cường mối quan hệ giữa DN với lãnh đạo tỉnh và các sở - ngành, tạo kênh chính thức để DN tiếp cận với chính quyền, các DN cũng chủ động nắm bắt thông tin và mạnh dạn trao đổi đề xuất những kiến nghị để lãnh đạo kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho DN. Các sở, ban, ngành địa phương cũng đã có chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến DN. Để chương trình mang lại hiệu quả hơn nữa, sắp tới, chúng tôi sẽ cải tiến nội dung các buổi “cà phê doanh nhân” theo hướng thiết thực, có trọng tâm, không qua loa, chiếu lệ.
Ông CHU TIẾN DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM:
Làm cầu nối và lắng nghe
Chính quyền TP đã xác định luôn giải quyết kịp thời những khó khăn của DN bởi lãnh đạo TP hiểu rằng DN đóng vai trò quan trọng, nhất là trong điều kiện trung ương đề nghị tỉ lệ để lại cho địa phương ít hơn trước. Lãnh đạo TP đặt vấn đề DN là động lực chính để TP phát triển. Muốn khơi thông, đẩy mạnh sự phát triển của DN thì chính quyền TP coi thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ trợ DN là công cụ, là chìa khóa để khơi dậy động lực để họ làm ăn.
Chúng tôi nhận thức được đó là điều rất quan trọng nên sẽ tổ chức các hoạt động sao cho có ý nghĩa trong hội viên, để nó lan truyền đến cả các sở, ngành, các cơ quan làm việc với DN trên tinh thần thân thiện, gần gũi, giải quyết ngay những kiến nghị của DN.
Phương thức thực hiện việc kết nối thì có nhiều nhưng lãnh đạo TP giao cho HUBA 2 nội dung rất quan trọng, đó là phải giữ vai trò cầu nối giữa lãnh đạo TP, sở, ngành các cơ quan với DN; thứ hai là phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và giải quyết khó khăn tốt nhất cho DN. Vì vậy, định kỳ HUBA sẽ tổ chức đối thoại với DN, đồng thời tiếp xúc với lãnh đạo các sở, ngành. Với chính sách và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, tôi tin các chương trình này sẽ được cải tiến, chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
T.Phương - T.Trực - H.Lâm ghi
Bình luận (0)