Tại tọa đàm "Khôi phục và phát triển kinh tế TP HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19" do UBND TP HCM tổ chức sáng 3-10, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra nguy cơ làm chậm tăng trưởng toàn cầu. Đại dịch kết hợp với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng khiến nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với khủng hoảng kinh tế năm 2008. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong việc đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp.
Về chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, PGS-TS Trần Hoàng Ngân đánh giá các gói hỗ trợ doanh nghiệp chưa bám theo thông tin diễn biến dịch bệnh, thủ tục hành chính rườm rà khiến cho việc tiếp cận hỗ trợ rất chậm. "Điều quan trọng bây giờ là tìm cơ hội cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, còn lãi suất có giảm nữa thì họ cũng không biết vay để làm gì. Về phía doanh nghiệp, phải ứng dụng công nghệ cao trong quản trị điều hành, đổi mới máy móc, dành thời gian sắp xếp lại bộ máy, bồi dưỡng người lao động để thích ứng với hoàn cảnh mới…" - ông Ngân góp ý.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì tọa đàm
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết giữa tháng 8 vừa qua, HUBA đã tiến hành cuộc khảo sát với trên 100 doanh nghiệp. Theo đó, 44% doanh nghiệp nói họ còn khó khăn nghiêm trọng và 40% doanh nghiệp đang trong tình trạng rất khó khăn. Đáng lưu ý, có đến 76% doanh nghiệp được hỏi phản ánh họ chưa tiếp cận được các chính sách nhà nước hỗ trợ và hầu như không có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. "Doanh nghiệp cho biết chi phí để chuẩn bị, đáp ứng được các điều kiện, thủ tục để được vay ưu đãi còn cao hơn số được hưởng nên hầu như họ không tham gia" - ông Dũng lý giải.
Ông Chu Tiến Dũng cũng nói rõ nhiều doanh nghiệp cho rằng việc triển khai hỗ trợ trong bối cảnh phải giãn cách xã hội như vừa qua chưa mang đúng tính chất "chính sách thời chiến"; chưa thấu hiểu, chưa sát với thực tế nhu cầu và hoàn cảnh của doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai giải quyết với thủ tục và tinh thần như điều kiện bình thường nên rất chậm, không phát huy được tác dụng. Ước tính, doanh nghiệp chỉ hấp thụ được khoảng 20% tổng gói hỗ trợ.
Chủ tịch HUBA mong muốn chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất được kéo dài hơn nữa nhằm tạo ra ý nghĩa tích cực cho dòng tiền của doanh nghiệp. Ngoài ra, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp. Đặc biệt, nới rộng điều kiện của hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh và dòng tiền khả thi thay vì cho vay thế chấp bởi không phải doanh nghiệp nào trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng có tài sản thế chấp…
"Gói hỗ trợ thứ 2 đang được xây dựng cần tách ra làm 2 nhóm: chính sách giải cứu để doanh nghiệp sống được và chính sách đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp" - ông Chu Tiến Dũng đề nghị thêm.
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần cải thiện vấn đề thủ tục hành chính, logistics, chuyển đổi số... để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp và cho biết TP sẽ có bộ phận nghiên cứu việc tiếp cận các gói hỗ trợ và kết quả tiếp cận để báo cáo với Chính phủ.
Về cải cách thủ tục hành chính, với những vướng mắc do sự phối hợp của các sở, ngành, TP sẽ chỉ đạo để cải thiện tốt hơn. Chủ tịch TP thừa nhận thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính đã có chuyển động nhưng chưa được như mong muốn. Còn có những vướng mắc về pháp luật mà phải xin ý kiến cơ quan trung ương thì thường rất lâu. "TP không bao giờ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà chỉ đề nghị cùng hợp tác xử lý" - Chủ tịch TP nói rõ.
Bình luận (0)