Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa lại tất bật vào vụ làm hương thơm để phục vụ Tết cổ truyền.
Làng Đông Khê là một làng hương nổi tiếng ở Thanh Hóa có tuổi đời hàng trăm năm
Khác với nhiều làng hương khác ở xứ Thanh, mặc dù chiếc máy làm hương đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước, nhưng nhiều hộ gia đình nơi đây vẫn giữ cách làm hương thủ công truyền thống đã được cha ông truyền lại hơn 300 năm qua.
Theo những người làm nghề này, làm hương không giàu có gì cả nhưng nó là cái nghề khó bỏ vì đã gắn bó như hồn cốt của làng suốt bao đời này. Có tận mắt chứng kiến mới thấy người dân nơi đây lao động vất vả thế nào mới làm ra được những nén hương để chúng ta dâng lên ông bà, tổ tiên mỗi dịp lễ, Tết.
Video: Cận cảnh việc làm hương ở làng nghề
Gia đình ông Đoàn Văn Mậu (SN 1958, ngụ làng Đông Khê) cho biết, gia đình ông đã có 4 đời làm hương truyền thống và là 1 trong số ít những hộ trong làng còn làm hương bằng tay. Theo ông Mậu, việc làm hương bằng máy như hiện nay giúp cho việc làm hương bớt cơ cực hơn, tuy nhiên làm hương bằng tay vẫn có những đặc trưng riêng, từ đó tạo ra những nén hương đặc biệt hơn, giúp cho làng hương vẫn tồn tại phát triển dù nhiều nơi nghề làm hương đã mai một.
Dưới đây là hình ảnh về các công đoạn làm hương ở làng hương nổi tiếng Đông Khê (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa):
Theo người dân làng hương Đông Khê, việc làm ra được cây hương thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó có việc chọn tăm hương. Tăm hương được chọn phải là thân cây vầu, do loại cây này dẻo dai không bị gãy trong quá trình sử dụng
Sau khi được chẻ nhỏ, tăm hương sẽ được cho nhuộm màu chân hương...
...rồi đem phơi khô
Công đoạn nhuộm chân tăm đều được làm thủ công bằng tay
Nhìn bàn tay của người dân làng hương là biết công việc này không hề đơn giản chút nào
Công đoạn tiếp theo và cực kỳ quan trọng là chạy nhựa. Để cây hương có mùi thơm đặc biệt, nhựa phải được làm từ nhựa của cây trám
Nhựa trám sẽ được trộn cùng bột than (than lấy từ vị vừng, chuối, mía...) rồi sau đó đưa vào cối giã nát cho đến khi các loại trên quện đặc vào nhau tạo thành chất kết dính
Công đoạn tiếp theo sẽ đưa những cây tăm vào tẩm nhựa từ bột than và trám để tạo chất kết dính
Công đoạn cuối cùng là "chạy bài", hương sau khi được tráng một lớp keo than sẽ được lăn qua bột làm từ cây bài
Loại hương này được pha trộn thêm một số hương liệu khác từ các loại cây khiến hương sau đó sẽ có một mùi thơm đặc trưng
Sau khi hoàn tất các công đoạn, hương sẽ được mang phơi khô. Nếu thời tiết mưa lâu thì sẽ dùng lò sấy rồi sau đó đóng gói đưa đi tiêu thụ
Theo người dân làng nghề Đông Khê, nghề làm hương tuy vất vả nhưng do nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều nên cũng giúp người dân có được công việc thường xuyên, đặc biệt là những ngày cận Tết cổ truyền, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây thêm ấm cúng, đủ đầy trong những ngày Tết
Cận cảnh sự vất vả để làm ra những nén hương thắp Tết cổ truyền
Bình luận (0)