Hình thành từ năm 1515, làng nghề hương bài Bái Hạ (Thanh Hóa) tưởng đã thất truyền nhưng hơn 200 năm trước làng nghề này đã được khôi phục. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển ồ ạt của hương công nghiệp, làng hương này đang đứng trước nguy cơ thất truyền một lần nữa.
Độc đáo hương bài
Làng hương bài Bái Hạ (thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), là một làng hương nhỏ độc đáo bên con sông Yên thơ mộng. Làng hương này chỉ nhộn nhịp vào những dịp cuối năm bởi sản phẩm bà con làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu thờ cúng tổ tiên, nhất là dịp Tết, lễ.
Theo sử sách ghi lại, làng hương bài Bái Hạ được hình thành từ năm 1515, trên đất làng Giãn Hiền, xã Vạn Thắng (nay là thôn Quyết Thắng). Do thời gian và biến cố của lịch sử, làng nghề này đã mai một, thất truyền. Mãi đến năm 1815 làng nghề mới được cụ Vũ Đình Phạm khôi phục, sau đó truyền cho các con là ông Vũ Đình Nguyên và Vũ Đình Ca. Từ đó, làng hương bài Bái Hạ dần hồi sinh và phát triển cho đến nay.
Nét độc đáo của làng nghề này là việc làm hương đều bằng phương pháp thủ công, các nguyên liệu chủ yếu là tre, nứa, nhựa cây trám, rễ, thân cây bài, than hoa… Nhựa cây trám sau khi mua về sẽ được nấu lấy tinh dầu rồi đổ vào than pha chế tạo thành nhựa để xe vào que tre, nứa đã làm sẵn. Bước tiếp theo là lăn tăm hương qua bột cây bài để tạo thành cây hương thành phẩm rồi mang phơi khô. “Loại hương này độc đáo vì có mùi rất thơm từ thân và rễ của cây bài kết hợp với mùi nhựa cây trám nên được người dân rất ưa chuộng” - bà Nguyễn Thị Duyên, một người làm hương, chia sẻ.
Chưa làm được thương hiệu
Về thôn Quyết Thắng những ngày này, cả thôn lúc nào cũng đượm một mùi hương thơm lan tỏa khắp xóm làng, nhiều hộ gia đình đang tất bật các công đoạn cần thiết để chuẩn bị cho việc sản xuất hương phục vụ Tết Đinh Dậu và mùa lễ hội năm 2017. Ông Nguyễn Văn Dân, thợ làm hương thâm niên, cho biết nghề làm hương đã giúp gia đình ông có cuộc sống khá ổn định, lo được cho 2 con ăn học đại học đàng hoàng. “Hiện cơ sở của gia đình sản tôi xuất quanh năm, giờ có nhiều mối đặt hàng nên cả năm làm không hết việc” - ông Dân thổ lộ.
Cũng theo ông Dân, làm hương không giàu nhanh được nhưng nó cho thu nhập đều, ổn định, nếu có thị trường tốt thì người dân địa phương sống khỏe với nghề. “Mấy năm nay hương công nghiệp ra đời ồ ạt, sản phẩm đa dạng, giá rẻ hơn nên cũng gây không ít khó khăn cho thị trường tiêu thụ. Hiện nay, bà con vẫn chủ yếu sản xuất hương phục vụ trong mấy tháng Tết chứ chưa chú trọng sản xuất đại trà, trong xã chỉ có gia đình tôi và một vài hộ sản xuất được quanh năm thôi. Vì thế mà hình ảnh và thương hiệu làng hương Bái Hạ vẫn chưa vang xa được” - ông Dân băn khoăn.
Ông Đồng Minh Quân, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, cho biết làng nghề hương bài Bái Hạ đã tồn tại hàng trăm năm nhưng hiện vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công, manh mún, nhỏ lẻ nên vẫn chưa phát triển ổn định. “Để cứu làng nghề và xây dựng hương bài Vạn Thắng thành thương hiệu, chúng tôi đã làm đề án trình UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận làng nghề và đã được đồng ý” - ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận quy hoạch, xây dựng cụm làng nghề hương để cứu làng hương bài Bái Hạ tránh nguy cơ bị thất truyền, xóa sổ. Tới đây những cơ sở sản xuất trong khu dân cư sẽ được di dời hết ra đây nhằm hình thành một cụm làng nghề tập trung, chuyên nghiệp.
Hiện thôn Quyết Thắng có khoảng 200 hộ dân, trong đó có hơn 70 hộ làm nghề hương thường xuyên và hàng chục hộ sản xuất theo thời vụ.
Việc làm hương bài không chỉ cho thu nhập ổn định mà còn giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động lúc nông nhàn, kể cả người già và trẻ em cũng có thể làm được. Ông Đồng Minh Quân cho biết: “Chính quyền xã Vạn Thắng đã vận động, khuyến khích bà con học nghề, mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Bình luận (0)