Chính phủ vừa ban hành Nghị định 53/2013/NÐ-CP về việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), có hiệu lực từ ngày 9-7. Theo đó, Ngân hàng (NH) Nhà nước thành lập VAMC nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Phát hành trái phiếu đặc biệt
Theo Nghị định 53, VAMC là một doanh nghiệp (DN) đặc thù, có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, thực hiện các hoạt động như: mua nợ xấu của tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần...
VAMC sẽ thực hiện việc mua nợ xấu từ các NH thương mại qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt. Ðây là loại trái phiếu ghi sổ có mệnh giá bằng giá mua của khoản nợ xấu, thời hạn tối đa 5 năm, lãi suất bằng 0. NH thương mại bán nợ xấu cho VAMC sẽ nhận trái phiếu đặc biệt rồi làm tài sản thế chấp để vay vốn từ NH Nhà nước (tái cấp vốn). Ðồng thời, NH thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro 20% mệnh giá nhằm tạo ra nguồn tiền xử lý nợ xấu.
Nhiều ngân hàng đang dư tiền nhưng vẫn phải siết chặt điều kiện cho vay vì lo nợ xấu gia tăng
Ảnh: Hồng THúy
Trái phiếu đặc biệt có thời hạn 5 năm và sau khoảng thời gian này, NH thương mại trích lập đủ 100% trái phiếu để trả lại cho VAMC, đồng thời nhận khoản nợ xấu về. Khi đó, khoản nợ xấu đã được đưa ra khỏi sổ sách của NH.
Một số lãnh đạo NH cho rằng nhiều khả năng VAMC sẽ chọn lọc mua nợ xấu. Trong khi đó, các NH chưa chắc đã bán những khoản nợ mà VAMC muốn mua, bởi có khoản nợ tài sản thế chấp hết sức hấp dẫn, NH sẽ tự xử lý được. Tuy nhiên, NH có tỉ lệ nợ xấu cao không thể từ chối bán vì Nghị định 53 quy định: NH Nhà nước có quyền buộc các tổ chức tín dụng có tỉ lệ nợ xấu từ 3% bán cho VAMC để bảo đảm tỉ lệ nợ xấu ở mức an toàn...
Ðể hỗ trợ cho các DN, VAMC còn thực hiện cơ cấu lại nợ theo hướng điều chỉnh kỳ hạn, thời hạn trả nợ; áp dụng lãi suất của khoản nợ đã mua phù hợp với khả năng trả nợ của DN và điều kiện thị trường; giảm một phần hoặc miễn toàn bộ số tiền lãi đã quá hạn thanh toán. Trường hợp DN có khả năng phục hồi tốt, VAMC sẽ xem xét đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ xử lý khó khăn tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cứu ngân hàng lẫn doanh nghiệp
Ðiều mà dư luận quan tâm là tiền đâu để VAMC xử lý nợ xấu. Theo các chuyên gia tài chính, VAMC không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu vì tổ chức này chỉ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ. Một cán bộ NH Nhà nước phân tích: Các NH thương mại thế chấp trái phiếu đặc biệt để nhận tái cấp vốn, đồng nghĩa đã được bơm thêm tiền, củng cố thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế. Trong khi đó, số tiền tái cấp vốn thường được NH Nhà nước trích từ dự trữ bắt buộc và tổng phương tiện thanh toán được tăng thêm hằng năm. Do đó, tiền mua nợ xấu không phải lấy từ ngân sách.
Tuy nhiên, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận định: Khi VAMC ra đời, các NH sẽ chuyển, bán nợ xấu sang công ty này, giúp DN tiếp cận được vốn thuận lợi hơn. Vấn đề quan trọng là VAMC cần có thêm cơ chế, công cụ đặc biệt để nhanh chóng bán tài sản. "Ngoài việc cho phép VAMC không phải chịu thuế, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi trong cách thức xử lý, bán hay đấu giá tài sản" - ông Ngoạn đề xuất .
Trong khi đó, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, cho rằng yếu tố có thể khiến VAMC hoạt động không hiệu quả là những bất cập liên quan đến tình trạng pháp lý của các tài sản bảo đảm, thủ tục sang nhượng… Vì thế, Nhà nước cần sớm gỡ bỏ các rào cản này.
Ngoài ra, theo ông Hoàng Văn, ban ngành liên quan cần có sự đồng bộ để nhanh chóng hỗ trợ, xúc tiến thương mại cho các nhà đầu tư khi họ mua lại tài sản, đưa tài sản này tái tham gia quá trình sản xuất - kinh doanh. Ðó mới là mục tiêu cuối cùng của việc xử lý nợ xấu.
Nợ xấu 180.000-300.000 tỉ đồng
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tính đến ngày 31-3-2012, tỉ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là 3,57%. Nếu theo số liệu do NH Nhà nước công bố trước đó thì nợ xấu là 8,6%. Giả định sự chênh lệch này duy trì đến tháng 9-2012 thì tỉ lệ nợ xấu thực của hệ thống NH là 9,53%, với giá trị 241.000 tỉ đồng. Mặt khác, cuối tháng 2-2013, NH Nhà nước công bố tỉ lệ nợ xấu ở mức 6%.
Trước thực trạng nhiều con số khác nhau, VEPR cho rằng nợ xấu của hệ thống NH vào khoảng 180.000-300.000 tỉ đồng, với điều kiện việc phân loại nợ và đánh giá tài sản bảo đảm được thực hiện tốt.
|
Bình luận (0)