Việc xử lý các khoản nợ xấu của tín dụng trong sản xuất, cách tính giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản hay lộ trình mất bao nhiêu năm thì nợ xấu mới được xử lý xong? Một số nội dung chính đã được đặt ra trong cuộc phỏng vấn với TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Tài chính Tiền tệ Quốc gia.
* Theo kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm của ông, mất bao nhiêu năm, với thực trạng nợ xấu Việt Nam hiện nay, nợ xấu mới được giải quyết và ít nhất hệ thống ngân hàng được đưa về trạng thái lành mạnh?
TS Lê Xuân Nghĩa: Kết quả thành lập nên VAMC là sự học hỏi của kinh nghiệm rất nhiều nước cũng như ý kiến các chuyên gia trong nước. VAMC được thành lập có thể nói là dựa trên nguồn tiền của Ngân hàng Trung ương và điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. Ở Việt Nam cũng vậy, nợ xấu nào thuộc về Chính phủ, tức là doanh nghiệp nhà nước, thì Chính phủ phải xử lý, nợ xấu nào thuộc về tư nhân thì VAMC và ngân hàng thương mại xử lý. AMC Việt Nam hoạt động theo hình thức tập trung, mô hình này được đánh giá là thành công nhất, nó có đủ nguồn lực và quyền lực buộc các ngân hàng thương mại, dù không muốn bán, cũng sẽ phải bán.
Hình minh họa
Nhiều ngân hàng thương mại không muốn bán, đơn giản có thể vì chính các khoản vay đó là của cổ đông lớn ngân hàng và tài sản đảm bảo là của chính các cổ đông lớn nên cũng dễ hiểu khi họ không muốn bán. Điều này nguy hiểm ở chỗ, vì có nợ xấu mà không thể đẩy tín dụng lên được, toàn bộ tín dụng tê liệt, ngân hàng chẳng “ngứa ngáy” gì cả. Họ thích cho vay thì cho vay, không thì thôi, thậm chí chịu lỗ, nhưng toàn bộ nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất lớn, không có vốn để hoạt động, không có vốn để phục hồi lại nền kinh tế. Các ngân hàng trước tiên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nợ xấu của họ, VAMC sẽ buộc họ phải bán và xử lý rất nhanh các khoản nợ xấu ấy, chứ không thể nào chần chừ khiến thị trường bất động sản đóng băng được.
* Ông có thể đưa ra một con số là mất bao nhiêu lâu, bao nhiêu năm để hệ thống ngân hàng lành mạnh trở lại và theo kịch bản đó thì kinh tế sẽ tăng trưởng được bao nhiêu phần trăm?
TS Lê Xuân Nghĩa: Với phương thức của VAMC như hiện nay, thì cũng phải mất 4-5 năm mới có thể xử lý xong nợ xấu. Trong quá trình xử lý nợ xấu thì Ngân hàng Nhà nước cũng đang thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng: chuyển toàn bộ hệ thống ngân hàng sang chuẩn quốc tế mà cụ thể là họ đã đưa ra Thông tư 02 (toàn bộ hệ thống kế toán phải theo chuẩn quốc tế, toàn bộ phân loại tài sản phải theo chuẩn quốc tế, toàn bộ trích lập rủi ro cũng phải theo chuẩn quốc tế), ngoài ra, hoạt động quản trị ngân hàng cũng phải theo chuẩn quốc tế, từ Tổng giám đốc cho đến thành viên Hội đồng quản trị phải đáp ứng đúng chuẩn quốc tế. Còn nhiều chuẩn khác như quản trị rủi ro, quản lý rủi ro… tỉ lệ an toàn vốn, tỉ lệ an toàn thanh khoản.
Tóm lại, ngân hàng thương mại sẽ phải đứng trước hai sức ép: một là xử lý nợ xấu, cái quá khứ để lại; hai là chuyển đổi theo chuẩn mới của thế giới, cái mà Ngân hàng Trung ương buộc họ sẽ phải tuân thủ. Và như vậy, xử lý nợ xấu sẽ mất 4-5 năm, không thể ngắn hơn như chúng ta mong muốn, trong khi xử lý nợ xấu, tín dụng khó có thể đẩy ra mạnh mẽ được và kinh tế trong quá trình này sẽ tăng trưởng khoảng 6%.
* VAMC có số vốn điều lệ khoảng 500 tỉ đồng, tức là chỉ khoảng 25 triệu USD, như vậy liệu có hơi ít?
TS Lê Xuân Nghĩa: Trong trường hợp của Việt Nam, vốn điều lệ của VAMC cũng không quan trọng lắm. Tổng số tiền trái phiếu mà VAMC phát hành mới là quan trọng, VAMC sử dụng trái phiếu như một công cụ tài chính với các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp chúng ta áp dụng Thông tư 02, tức là chuẩn quốc tế về nợ xấu, thì có thể nợ xấu sẽ tăng lên. 100.000 tỉ hiện tại có thể không đủ để xử lý nợ xấu theo chuẩn mới, khi đó Chính phủ sẽ có thể cho phép VAMC tăng vốn lên để giải quyết được toàn bộ nợ xấu của ngân hàng thương mại. Chúng ta kiên quyết xử lý được nợ xấu trong vòng từ 4-5 năm, không chỉ theo chuẩn Việt Nam và theo chuẩn quốc tế.
Bình luận (0)