Chiều 1-6, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức tọa đàm "TP HCM cần cơ chế đặc thù ra sao để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?" trong bối cảnh TP HCM cầm sớn hình thành trung tâm tài chính quốc tế nhằm tạo làn sóng thu hút dòng vốn đầu tư, tạo bước chuyển mình cho sự phát triển.
TS Phùng Hương Giang - giảng viên, nghiên cứu viên Trường Kinh doanh ISC ở Paris (Pháp) - nhận định có 3 trụ cột cần thiết để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là thị trường vốn, thị trường tiền tệ ngân hàng và thị trường hàng hóa phái sinh. Thực tế, cơ sở hạ tầng của TP HCM vẫn chưa được xếp hạng cao và cần đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh hướng đến trung tâm tài chính quốc tế.
Nếu nhìn ở góc độ thị trường ngách nào cho Việt Nam trong bối cảnh các trung tâm tài chính quốc tế ở nhiều nước đã phát triển, có thể tập trung vào "ngách" về pháp luật, tức tập trung hơn vào thu hút các tổ chức tài chính phi ngân hàng vì có thể đưa ra quy định pháp lý dễ dàng hơn. "Ngách" về tài chính số bao gồm việc xây dựng hệ sinh thái để các doanh nghiệp tham gia cũng là một giải pháp khác.
TP HCM có nhiều điều kiện thuận lợi trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Để thu hút dòng vốn đầu tư mới vào TP HCM trong lộ trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Touchstone, cũng cho rằng cần có khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) những lĩnh vực mới. Năm 2013 - 2014, khi Grab, Uber vào Việt Nam là mô hình rất mới và hoạt động chưa có khung pháp lý. Phải đến năm 2025, khi Chính phủ chính thức cho thử nghiệm, mô hình này mới phát triển.
"Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp, việc xin phép đầu tư vào Việt Nam là một quá trình dài, có khi mất 3-6 tháng. Các doanh nghiệp mong muốn có sách trắng hoặc danh sách những nhà đầu tư nào, ngành nghề nào đang kêu gọi đầu tư và được ưu tiên để có thể rút ngắn quá trình tìm hiểu thay vì 2 tháng sẽ chỉ còn 1-2 tuần giúp việc đầu tư trở nên dễ dàng hơn. Do đó, khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, TP HCM cũng cần thủ tục hành chính cụ thể, rõ ràng, bao gồm cả khung pháp lý cho việc gọi vốn đầu tư vào các lĩnh vực mới" – ông Trần Nhật Khanh gợi ý.
Các chuyên gia đều nhìn nhận TP HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Dù vậy, cần xác định mục tiêu, định hướng quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế này phải vượt trội so với những trung tâm tài chính hiện hữu hoặc cạnh tranh được với các trung tâm đó. Đây là bài toán TP HCM phải tính kỹ.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng hệ thống thuế của Việt Nam thực chất không thua Singapore nhiều. Chi phí để thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ khoảng 5 triệu đồng trong vòng 1 tuần, trong khi ở Singapore khoảng 5.000 USD (tương đương 115 triệu đồng) nhưng các doanh nghiệp vẫn đổ xô qua Singapore. Thực chất, việc mở doanh nghiệp ở Singapore là nhằm giúp công ty khởi nghiệp tiếp cận với công nghệ cao chính thống. Do đó, cần có hệ sinh thái để các doanh nghiệp có thể phát triển thuận lợi và thực sự hỗ trợ quá trình hình thành trung tâm tài chính quốc tế.
Đóng góp cho giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng cần phát triển thị trường vốn, trong đó phải tăng độ hiệu quả của thị trường chứng khoán. Muốn vậy, cần kiểm soát chất lượng đầu vào của hàng hóa trên sàn chứng khoán.
Hiện cả 3 sàn trên thị trường là HOSE, HNX và Upcom với hơn 1.700 mã nhưng giá trị vốn hóa không bằng khoảng 600 mã trên sàn chứng khoán của Thái Lan. Vẫn có rất nhiều cổ phiếu "rác" với tiêu chuẩn thấp đang được giao dịch. Do đó, bài học từ các đặc khu, trung tâm tài chính quốc tế ở Thẩm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc) đã triển khai là có thể xây dựng các sàn giao dịch riêng cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ...
Bình luận (0)