TP HCM là đô thị lớn nhất nước về quy mô dân số và kinh tế, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP cả nước và ngân sách quốc gia. Sự phát triển của TP HCM có tác động lan tỏa tích cực đến các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.
Các diễn giả tham gia tọa đàm sáng nay 16-5
Tuy nhiên, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I/2023 của TP HCM chưa như mong muốn khi GRDP chỉ đạt 0,7%, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Tốc độ tăng trưởng chậm dần khiến vai trò đầu tàu của TP HCM có phần giảm sút.
Dự báo trong quý II/2023 và những quý tiếp theo, kinh tế TP HCM tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường.
Để vực dậy kinh tế TP HCM từ "trận thua đậm" trong quý I, như cách nói của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, bên cạnh nỗ lực của từng ngành, từng lĩnh vực, thành phố rất cần sự hỗ trợ từ phía trung ương, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ vướng mắc thể chế, cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đủ mạnh.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 22-5 được kỳ vọng tạo sức bật, chắp cánh cho thành phố phát triển đột phá, lan toả cho vùng và cả nước.
Trong bối cảnh này, Báo Người Lao Động tổ chức Toạ đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển" nhằm kết nối, tạo điều kiện để đại diện lãnh đạo cơ quan chức năng, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cùng trao đổi, mổ xẻ thực trạng, kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy TP HCM hồi phục nhanh, tự tin vững bước phát triển.
Các khách mời tham dự toạ đàm gồm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhà nước, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp...
I/ Về phía lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhà nước
- Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM
- Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM
- TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM
- Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM
II/ Về phía chuyên gia kinh tế
- TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
- PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
III/ Về phía doanh nghiệp
- Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC)
- Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op)
- Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)
- Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Tiêu điểm sự kiện
11:47 ngày 16/05/2023
Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động
Những ý kiến các đại biểu, chuyên gia kinh tế chia sẻ hôm nay tại tọa đàm như PGS.TS Trần Đình Thiên nói có những vấn đề không phải xin cho TP HCM mà của quốc gia, như trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam đặt tại TP HCM. Và các ý kiến của chuyên gia, DN, đại biểu đưa ra giải pháp cả về căn cơ và tình thế, trong đó nếu nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được kỳ vọng lớn thông qua chắc chắn sẽ đặt nhiều nền tảng tốt đẹp cho thành phố và kinh tế TP HCM sẽ trở lại vị trí đầu tàu.
Tổng biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân phát biểu khép lại tọa đàm
Tọa đàm của Báo Người Lao Động đã được dự kiến triển khai ngay sau khi có thông tin về tăng trưởng kinh tế TP HCM trong quý 1 và hôm nay được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt là chưa tới 1 tuần nữa Quốc hội sẽ họp và trước đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đưa Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vào chương trình nghị sự tại kỳ họp này.
Chúng tôi có niềm tin vững chắc, nếu những vấn đề đó được giải quyết thấu đáo thì kinh tế TP HCM sẽ phục hồi, dù vẫn còn chịu tác động của kinh tế thế giới nhưng với tiềm năng sáng tạo, sự quyết tâm của chính quyền và người dân, kinh tế TP HCM sẽ vượt qua khó khăn. Phải làm sao để các DN vượt qua khó khăn, kích cầu tiêu dùng nội địa, cơ sở hạ tầng của thành phố sẽ có những bước đột phá.
Chúng ta cũng rất mong mỏi tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố nếu được nâng lên cao nữa sẽ tạo những điều kiện tốt đẹp cho TP HCM phát triển và cần có niềm tin để vượt qua khó khăn. Riêng Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục theo dõi, có tiếng nói, tổ chức những tọa đàm, bàn tròn để cùng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế TP HCM và cả nước phục hồi, phát triển bền vững.
11:25 ngày 16/05/2023
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM
Nên có Luật Đô thị đặc biệt dành cho TP HCM
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM nhìn nhận TP HCM là đầu tàu cả nước nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; nhiều chuyện cũ chưa được giải quyết thì những vấn đề lớn mới phát sinh. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách còn nhiều chuyện phải bàn.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM
Do đó, bà Phạm Phương Thảo cho rằng cần phải tháo gỡ ngay vấn đề thể chế, pháp luật để pháp luật không chung chung, chồng chéo.
"Vì sao hiện nay có một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm. Một phần do sự chồng chéo, xung đột của pháp luật. Mà khi pháp luật xung đột thì dễ "chết" nên họ sợ, họ e dè là điều dễ hiểu"- bà Phạm Phương Thảo chia sẻ
Theo bà Phạm Phương Thảo, địa phương mạnh dạn đề xuất nhưng "trái bóng" thuộc về Trung ương. Do đó, bà hy vọng trong thời gian tới, khi Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54 được thông qua sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho TP HCM. Cùng với đó, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM kiến nghị Trung ương cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TP HCM; tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP HCM từ 18% lên 30% để thành phố đầu tư, phát triển.
Về lâu dài, bà Phạm Phương Thảo kiến nghị nên có Luật Đô thị đặc biệt dành cho TP HCM, có như vậy mới tháo gỡ được những vấn đề căn cơ của một siêu đô thị.
11:20 ngày 16/05/2023
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
TS Trần Du Lịch chia sẻ thêm về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54
Chia sẻ thêm đề án về Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng tầm của đề án là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết khác.
"Khi xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, chúng tôi đã đưa một số nội dung của đề án vào nhưng thấy tầm quan trọng nên đã đề xuất cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tách ra 1 đề án riêng và cơ bản đề án đã xây dựng xong hết. Do đó, chúng ta cố gắng sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, Chính phủ sẽ tiếp tục trình đề án này tại một kỳ họp khác, mà phải nghị quyết của Quốc hội mới triển khai được. Về pháp lý, chưa đề án nào cao như đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế này và đang trong quá trình triển khai" - TS Trần Du Lịch nói thêm.
11:17 ngày 16/05/2023
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM
Những cơ chế hiệu quả của Nghị quyết mới
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết các dự báo đều cho thấy tình hình kinh tế khó khăn, thể hiện nhiều dấu hiệu, khía cạnh.
TS Trương Minh Huy Vũ
Đề cập mức trưởng 0,7% của TP HCM trong quý I/2023, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng đây là hệ quả của một quá trình dài, cần đặt trong bối cảnh 5 năm hoặc 10 năm gần đây của TP HCM để có cái nhìn đa chiều; cần thấy đây là thực trạng và là căn cơ của TP HCM sau nhiều bối cảnh bị nghẽn.
Trong các biện pháp căn cơ, TP HCM xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Nghị quyết mới có thể tóm tắt bằng 247. Đó là 2 nguyên tắc (gỡ rối, gỡ nghẽn - kiến tạo, thí điểm cái mới); 4 cách tiếp cận và 7 nhóm chính sách.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Vũ cho biết trong quý II, giải ngân dự án đường Vành đai 3 có tỉ lệ tăng đột biến nhưng giải ngân ở các quận - huyện vẫn ì ạch. Lý giải việc này, ông Vũ nói do ngay từ đầu đường Vành đai 3 làm bài bản, có khen thưởng, có kỷ luật. Còn quận huyện chưa thật vào cuộc trong vấn đề giải ngân đầu tư công.
Nói cụ thể về 2 nguyên tắc, ông Vũ cho biết ở nguyên tắc đầu tiên có những vấn đề vướng, chồng chéo như BT, BOT, vốn, đầu tư… cần phải được gỡ rối, gỡ vướng. Nguyên tắc thứ 2 được xác định không chỉ cho TP HCM mà nhìn trong bối cảnh cả vùng, khu vực, nên sẽ kiến tạo, thí điểm những cái mới mà thế giới đã làm, đang làm, như xây dựng đô thị dựa trên các tuyến giao thông, khởi nghiệp sáng tạo, sandbox…
Về 4 cách tiếp cận là những cơ chế hiệu quả của Nghị quyết mới. Những cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương khác đang thực hiện hiệu quả; những vấn đề luật đang dự thảo như Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất được thí điểm, thực hiện trước; những vấn đề từ thực tiễn của TP HCM.
Ông Vũ cũng cho biết trong 7 nhóm chính sách là quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và TP Thủ Đức, cơ chế mà TP HCM đề xuất có rất nhiều cái mới. Một trong những điểm mới là nhóm chính sách về kinh tế xanh và chuyển đổi xanh. Đây là nhóm chính sách mà bản thân ông cũng như Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM rất tâm đắc và rất mong muốn thúc đẩy. "Chúng ta không chạy theo xu hướng nhưng lựa chọn nhóm vấn đề để thúc đẩy" - TS Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh.
Trong chuyển đổi xanh, TP HCM cũng có đề xuất nhiều trụ cột. Đầu tiên rất quan trọng là TP HCM đề xuất được phát triển điện áp mái trên các nhà trụ sở công (bệnh viện, trường học…) của thành phố. Kế đến là xin kiểm soát về khí thải; thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các dự án về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; đề xuất thành lập các cơ quan, sở, trong đó có Sở An toàn thực phẩm; đề xuất được thí điểm có kiểm soát (sandbox), tập trung trước mặt ở Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin trên địa bàn TP HCM…
11:15 ngày 16/05/2023
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC).
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC).
Về Cảng trung chuyển Cần Giờ, HFIC đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm kiếm và xây dựng nguồn vốn đầu tư. Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị như Ngân hàng Thế giới để phát hành trái phiếu cho kinh tế xanh.
Phối cảnh dự kiến cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, TP HCM.
Về Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM, HFIC được lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị tư vấn, các chuyên gia để hình thành đề án này. Hiện nay, công ty đã hoàn thiện đề án, báo cáo UBND TP trình Bộ Kế hoạch Đầu tư, báo cáo Thủ tướng về đề án.
Chúng tôi nhận thấy đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế là đề án quốc gia, do đó trong quá trình thực hiện cơ chế có kiểm soát, thí điểm... cần nhiều chính sách đột phá hơn nữa, mới có tính cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Vì vậy, cần sự đồng hành của Chính phủ, bộ ngành liên quan và UBND TP. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã thông qua thành lập Ban chỉ đạo đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và chúng tôi sẽ theo dõi, thông qua khi đề án xây dựng.
11:09 ngày 16/05/2023
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM
Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông thuận tiện, thông suốt thì kinh tế, giao thương sẽ thuận lợi và phát triển. Sở GTVT TP HCM đã xây dựng và trình UBND TP ban hành đề án và kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2023. Đây là cơ sở quan trọng trong việc định hướng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của thàh phố.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM
Tuy nhiên, trong điều kiện vốn đầu tư công còn hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 15%, đối với dự án đầu tư công, thành phố cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn được giao bảo đảm tiến độ đề ra. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, ảnh hưởng tới thời gian thi công làm phát sinh chi phí đền bù, trượt giá…
Sở GTVT cũng đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế hấp dẫn, đột phá để huy động vốn từ đầu tư tư nhân, các tổ chức tài chính lớn có uy tín; rà soát hiện trạng sử dụng đất và nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga metro và vùng phụ cận để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các trục giao thông mới, các tuyến đường sắt đô thị.
Với nhóm giải pháp về chính sách quản lý, Sở GTVT TP HCM đã nghiên cứu, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu một số nội dung về quản lý đầu tư tại dự thảo Nghị quyết thay thế nghị quyết 54 như TP được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa.
TP được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao…
TP được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT, sau khi hoàn thành xây dựng công trình dự án, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nhà nước và được thanh toán bằng ngân sách nhà nước để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận theo thỏa thuận tại hợp đồng.
Với nhóm giải pháp về quy hoạch, TP HCM sẽ đánh giá, điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp với quy hoạch ngành giao thông; nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch các dự án có tính chất kết nối giữa các khu vực khác nhau của TP và kết nối liên vùng giữa TP với các tỉnh thành trong vùng Đông Nam Bộ. Quy hoạch, phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) để khai thác nguồn lực từ quỹ đất, góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng.
11:00 ngày 16/05/2023
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
TP HCM phải là nơi thu hút những "đại bàng"
Tiếp lời của PGS.TS Trần Đình Thiên, TS Trần Du lịch thông tin thêm TP HCM phải là nơi thu hút để có những "đại bàng" trong từng lĩnh vực. Vì vậy, trong Nghị quyết thay Nghị quyết 54 có đề cập nội dung sẽ thu hút những DN hàng đầu thế giới ở từng lĩnh vực tham gia, trong đó có Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. TP HCM ý thức nếu không thu hút được những nhà đầu tư đủ tầm quốc tế sẽ khó bứt phá.
Còn Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, chúng tôi đang ngồi lại với nhóm nghiên cứu, đang nghe trình bày gắn với dự án này sẽ là một trung tâm phi thuế quan gắn với cảng, chắc chắn có cơ chế chính sách, có trung tâm phi thuế quan gắn với cảng để tạo sức bật. Và sau lưng đó, cần có các tập đoàn tài chính, thương mại chứ không chỉ cảng… đây là những giải pháp nằm trong nhóm căn cơ.
10:58 ngày 16/05/2023
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op
Cần tính toán để có giải pháp bình ổn thị trường
Liên quan đến câu chuyện tiên phong của TP HCM, tôi muốn đề cập một góc nhìn là trong lĩnh vực bán lẻ có một chỉ số là niềm tin của người tiêu dùng (CCI) đo lường bởi các công ty nghiên cứu độc lập.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op
CCI trước COVID-19 bao giờ Việt Nam cũng ở mức cao và người tiêu dùng TP HCM luôn đóng góp mức lạc quan. Nhưng vừa qua, lần đầu tiên chỉ số này ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời, hiện nay trên thế giới đang có những dấu hiệu mất cân đối cung cầu nên TP cần có sự chuẩn bị ứng phó, như dấu hiệu của khủng hoảng thừa tức các DN không đồng ý bán với giá thấp hơn sản xuất, khi đó thành phố cần phải có sự vận động để DN thấu hiểu, chấp nhận bán giá rẻ tránh khủng hoảng thừa.
Và khi có sự mất cân đối, một số nước bắt đầu có tình trạng tăng trữ lượng các mặt hàng tiêu dùng thông thường trong dự trữ quốc gia. TP HCM và cả nước cũng cần chuẩn bị cho những giai đoạn khó khăn chưa dừng lại, cần tính toán để có giải pháp bình ổn thị trường cả nước…
10:58 ngày 16/05/2023
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Cơ chế, chính sách đột phá cho TP HCM cũng là cho cả nước
PGS-TS Trần Đình Thiên
Đề cập đến Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức.
"Vấn đề của TP HCM không chỉ là của thành phố mà phải xác định đây là vấn đề của cả nước. Cơ chế, chính sách đột phá cho TP HCM là cho cả nước. Bởi TP HCM gánh trên vai sứ mệnh đầu tàu cả nước, đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì kéo cả đoàn tàu đi lên"- PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Do đó, ông đưa ra quan điểm cần loại bỏ suy nghĩ "xin – cho", "ơn huệ".
Vấn đề thứ 2 là gỡ vướng cho TP HCM. Việc này là cần thiết nhưng phải tập trung cao hơn, tầm nhìn tốt hơn để tháo gỡ những vấn đề căn cơ.
Theo ông, hiện nay có tâm lý không dám hành động do vướng quá nhiều nên không dám làm. "Chúng ta cần nhận diện để giải quyết vấn đề dài hạn. Đây là thời điểm mang tính cơ hội, mở ra tầm nhìn khác để TP HCM lấy lại vị thế, tăng trưởng"- ông Thiên nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận tình hình hiện nay vẫn còn rất khó khăn và nhiều rủi ro. Thứ nhất là rủi ro về thị trường nội địa rất lớn. Thị trường yếu từ thời COVID-19 đến nay, không được cải thiện. Trong khi đó, thị trường thế giới cũng liên tục biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Rủi ro thứ 2 là về chính sách. Rất xúc động khi thời gian qua Chính phủ, bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ DN. Nhưng có điều là một số chính sách vừa thông qua lại sửa ngay. "Rủi ro chính sách nằm ở khâu rất cơ bản là thực thi chính sách. Muốn tháo gỡ cái này khó lắm"- ông Thiên nói. Rủi ro thứ 3 là biến đổi khí hậu.
Dù tình hình còn nhiều khó khăn những ông Thiên khuyến cáo TP HCM càng phải bình tĩnh, bình tĩnh hơn.
TP HCM là đầu tàu nhưng suốt 15-20 năm chưa có được những sự thay đổi căn bản. TP HCM đề xuất nhiều cái rất hay nhưng ít được áp dụng, như là mô hình chính quyền đô thị.
Kinh tế TP HCM suy yếu về vị thế dù nội lực vẫn dồi dào; những nút thắt, điểm ngẽn tăng trưởng không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng lên (giao thông, ngập nước, tắt nghẽn hạ tầng…), những động lực mới không được đưa ra. Do đó, phải tạo ra những đột phá, động lực mới cho TP HCM. Ngay bây giờ là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP HCM và thành phố xứng đáng được điều đó.
Ngoài ra, ông Thiên cũng đặc biệt lưu ý là TP HCM muốn đột phá là phải có những dự án đột phá cùng với đột phá về thể chế. Theo ông, những trung tâm lớn luôn có tính mở, tính hội nhập, như Singapore, Thượng Hải tự biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế…
"TP HCM muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước này. Có thể có những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại nữa để kéo thế giới vào đây. Các yếu tố này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, TP HCM sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn"- ông Thiên gợi ý và nhấn mạnh cần đặt ra với tinh thần là sứ mệnh quốc gia, dự án quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Thiên cũng đề xuất TP HCM (Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai – Bình Dương – TP HCM) thành cụm đi đầu về mặt thể chế, trung tâm thử nghiệm thể chế cho cả nước. Có như vậy rủi ro sẽ giảm đi và cộng hưởng sức mạnh của vùng tăng lên, khả năng bứt phá cao hơn rất nhiều.
10:25 ngày 16/05/2023
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM
Gỡ khó về vốn tín dụng qua chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp
Chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp của TP HCM là sáng kiến, giải pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN. Xuất phát điểm của chương trình gắn liền với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho DN do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, DN gặp khó khăn về vốn, về lãi suất giai đoạn 2012-2014.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM
Theo kế hoạch, chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn TP HCM được xây dựng từ đầu năm. Chương trình có 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ tín dụng, với quy mô đạt 453.070 tỉ đồng để cho vay DN với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho DN gắn với việc tăng hạn mức tín dụng cho DN; cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất ưu đãi; cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo nghị định 31 của Chính phủ.
Theo đó, việc giải ngân gói tín dụng này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho DN trên nhiều góc độ: từ chi phí, đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn và việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi. Đến nay, chương trình đã giải ngân đạt 117.000 tỉ đồng cho 31.492 khách hàng, bằng 25,8% gói tín dụng các ngân hàng đăng ký trong năm 2023.
Đặc biệt, trong bối cảnh NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi loại kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền VNĐ đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực: xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao về mức 4,5%/năm; ban hành chính sách cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, thì việc tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN gắn với việc thực hiện chính sách lãi suất và chính sách cơ cấu lại nợ sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực và đột phá trong triển khai và thực thi chính sách.
Kết nối ngân hàng – DN gắn với giảm lãi suất cho vay, giảm áp lực trả nợ vay là giải pháp cụ thể hỗ trợ cho DN về vốn, về chí phí sử dụng vốn và hỗ trợ cho DN trong trả nợ vay ngân hàng khi gặp khó khăn về dòng tiền, về tiêu thụ sản phẩm…. Hành động cụ thể này sẽ góp phần trực tiếp hỗ trợ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của DN, góp phần triển khai, thực thi chính sách nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc tăng cường đối thoại doanh nghiệp sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp từ công tác phối hợp giữa các sở ban ngành, chính quyền quận, huyện với ngành ngân hàng thành phố trong việc tổ chức và triển khai chính sách của Chính phủ, của NHNN cũng như tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.
10:24 ngày 16/05/2023
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Doanh nghiệp bất động sản, xây dựng cần được hỗ trợ
Gần đây, tôi cũng đã chia sẻ nhiều về những vướng mắc, khó khăn của chúng tôi cũng như ngành xây dựng. Những khó khăn của ngành bất động sản, du lịch đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành xây dựng Việt Nam. Các ngành vật liệu xây dựng (VLXD) của Việt Nam rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Như ngành xi măng dẫn đầu thế giới về xuất khẩu; đồ gỗ cũng vậy. Nhiều loại VLXD khác đã đạt và vượt thứ hạng cao trên thế giới.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, có thể thay thế nhà thầu nước ngoài ở nhiều công trình, dự án có quy mô lớn, có tính chuyên môn kỹ thuật cao. Trong khi ở các nước Đông Nam Á khác họ còn nhiều nhà thầu nước ngoài thì chúng ta đã thay thế việc này, góp phần rất lớn cho sự phát triển chung cho các dự án BĐS. Giá thầu đã giảm rất nhiều so với 20 năm trước, giảm đến 50% chi phí xây dựng các dự án nhà cao tầng và cũng như rất cạnh tranh so với chi phí của các nhà thầu nước ngoài. Hiện nay lực lượng kỹ sư xây dựng, cầu đường, kiến trúc sư của chúng ta cũng tăng trưởng đều. Có đến 67 trường đại học có ngành nghề đào tạo có liên quan tào đạo mỗi năm. Có nhân lực chất lượng cao gấp 3 lần thế giới nhưng nguồn việc lại không tăng, thậm chí đã giảm đi rất nhiều. Nhiều dự án trong những năm gần đây không thể triển khai, hàng loạt dự án không được cấp phép…
Từ thực trạng thiếu việc nên tính cạnh tranh trong ngành lại càng khốc liệt, gây bất lợi cho ngành xây dựng. Thực tế phải thừa nhận, khó khăn không chỉ do COVID-19 mà còn đến từ nhiều biến cố lớn trên thế giới.
Có thực tế là khi doanh nghiêp BĐS trong thời gian dài không có dự án đô thị, họ chuyển sang dự án bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch. Giai đoạn 2017-2019, đã có hàng loạt dự án bất động sản du lịch quy mô lớn ra đời nhưng chưa khai thác đã gặp đại dịch, rồi xung đột Nga – Ukraine… Đặc biệt năm 2022, đã có những đỗ vỡ về thị trường tài chính khiến cho các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn. Họ là khách hàng của doanh nghiệp ngành xây dựng, đa số các doanh nghiệp này đều làm dự án BĐS du lịch và cả đô thị.
Ngoài ra, còn có tình trạng "bi đát" hơn, các doanh nghiệp tổng thầu xây dựng không nhận được thanh toán các doanh nghiệp BĐS, khiến doanh nghiệp xây dựng không trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng, không có tiền thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp dịch vụ, vật tư và cả vận chuyển, thi công, tư vấn thiết kế, quản lý án…
Hoạt động giao dịch, quản lý của doanh nghiệp cũng có những cái sai, là bài học cho đầu tư, quản trị rủi ro nhưng có những yếu tố khách quan cần nhìn nhận, đánh giá thực tế.
Chúng ta cần khách quan để có giải pháp giải quyết bài toán tổng thể cho nền kinh tế. Tôi thống nhất quan điểm các doanh nghiệp là không tách rời các ngành liên quan mà tất cả đều có liên quan chặt chẽ nhau trong các chiến lược phát triển của quốc gia.
Ngành BĐS đã có những đóng góp lớn cho kinh tế trong 20-30 năm qua. Ngành BĐS đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nhà ở chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp của dân. Bên cạnh đó sẽ là sự song hành của ngành xây dựng, vì vậy tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản, ngành du lịch cũng là tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng. Từ ngành xây dựng sẽ giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người đến từ các ngành VLXD, nhà thầu, đơn vị thi công, dịch vụ nội thất…
Những nỗ lực của ngành BĐS, xây dựng trong hơn 20 năm qua rất xứng đáng để nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ Nhà nước cũng như cần có sự liên kết giúp đỡ từ nhiều ngành khác để cùng vực dậy nền kinh tế, trong đó có TP HCM.
Tôi rất cảm ơn Báo Người Lao Động đã có buổi tọa đàm rất ý nghĩa này để tôi cũng như các doanh nghiệp được chia sẻ, nêu những ý kiến hết sức thiết thực để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP nói chung và DN nói riêng phục hồi, phát triển.
10:07 ngày 16/05/2023
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
Cần kích cầu nội địa trên tất cả các mặt
Kinh tế TP HCM quý 1 giảm sâu ai cũng thấy, và đến nay khi ngồi nghiên cứu lại, thành phố với độ mở đặc biệt, khi môi trường vĩ mô thuận lợi thì kinh tế TP HCM thuận lợi, còn khi bất lợi thì thành phố cũng bị bất lợi theo. Nhưng khách quan, phải thấy, bước vào năm nay, TP HCM chịu 3 tác động lớn về khách quan.
TS Trần Du Lịch
Một là hạ tầng, vấn đề tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được, là điểm nghẽn không mới, chúng ta có thể để ý rất nhiều dự án bị vướng.
Hai là, chưa đánh giá hết những tác động, nhất là đối với những DN vừa và nhỏ và các hộ sản xuất - kinh doanh. TP HCM có khoảng gần 400.000 hộ kinh doanh và kinh tế phi chính thức vẫn chưa thống kê được. Như tôi đã từng chia sẻ, trong COVID-19, có 3 nhóm DN là nhóm còn thị trường, còn tài chính sau dịch họ vươn lên được; nhóm thứ 2 là các DN dật dừ và nhóm thứ 3 là các DN đã mất thị trường, mất khách hàng... Đến giờ, vấn đề này vẫn chưa cải thiện.
Ba là, tác động bất ổn của vĩ mô từ quý 4 năm ngoái tiếp tục lan sang năm nay. Những vấn đề này vẫn đang tồn tại và có những cái TP tháo gỡ được, có những cái chưa tháo gỡ được.
Tôi vừa đọc báo cáo kinh tế vĩ mô chi tiết và thấy rằng bức tranh kinh tế trong 4 tháng đầu năm chưa có gì sáng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý 2 nhưng có thể cũng rất khó khi dựa vào một số chỉ số thị trường, hay ví dụ, trong 4 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam dựa trên các trụ cột xuất khẩu, đầu tư công… Bức tranh thị trường còn rất khó và chưa thể có giải pháp hiệu quả hơn.
Ngay cả tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ quý 1 tăng tốt nhưng qua tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp. Hay như du lịch, tôi vừa đi dọc miền Trung, khách thưa thớt, kích thích thị trường nội địa rất hạn chế.
Để kinh tế sớm phục hồi, tôi kiến nghị phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của nhà nước và công cụ của DN. Công cụ của nhà nước là nghiên cứu tiếp tục giảm thuế GTGT theo từng ngành, không chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5-6% - cần giải pháp mạnh hơn. Thứ hai là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng.
Còn về phía DN, cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó thế này, mà không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ rất khó, ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần kích cầu thị trường nội địa trên tất cả các mặt.
Về phía TP HCM, chính quyền đang làm những giải pháp cái căn cơ và tình thế. Về tình thế, cần rà những điểm nghẽn có thể xử lý được để hấp thụ được dòng vốn đầu tư công, nhất là thị trường bất động sản, vì thị trường này nếu không xử lý được thì các DN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Cái này thành phố đang đẩy mạnh ráo riết làm.
Giải pháp căn cơ
Còn về căn cơ, Quốc hội đang bàn về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên thành phố có quyền tự chủ rất lớn. Đây là điều TP HCM đang đeo đuổi. Thật sự, nếu Nghị quyết mới được hông qua và đi vào cuộc sống thì hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được HĐND TP HCM thông qua và thành phố để triển khai ngay…
Thành phố đang gỡ cái nhất thời, gỡ căn cơ về thể chế là nghị quyết mới, căn cơ về hạ tầng đang đẩy mạnh là những chương trình chỉnh trang đô thị - bởi môi trường, chỉnh tranh và phát triển đô thị là những giải pháp cần thiết phải làm. Nếu gỡ được được điểm nghẽn, sức hấp thụ vốn của TP HCM sẽ tăng lên.
Một mảng mà TP đang làm phối hợp với trung ương là vốn tín dụng, tôi cho rằng phải tập trung, vì nếu không khơi thông được thị trường này thì đối với điều kiện của kinh tế Việt Nam hiện nay sẽ rất khó phục hồi.
Còn về chương trình cho vay mua nhà ở xã hội đang triển khai với gói 120.000 tỉ đồng, rõ ràng cần gỡ về mặt cơ chế chứ không chỉ riêng tín dụng. Phải tập trung gỡ, tôi đề xuất hay chăng nguồn vốn này nên phân tỉ lệ cho các đô thị, các thành phố lớn để kích cả nhà đầu tư và người tiêu dùng cá nhân.
TP HCM là một bộ phận của kinh tế cả nước, căn bản khó khăn còn tiếp tục nhưng phải gỡ những vấn đề căn cơ, và gỡ được, mới có sức bật cho những năm sau. Còn nếu chỉ gỡ những cái tình thế thì khó khăn sẽ lập lại ở một thời gian khác...
Cuối cùng, tôi hơi lạc quan khi cho rằng tình hình có thể cải thiện từ quý 3 nên với diễn biến hiện tại tương đối khó. Làm sao có những vấn đề kinh tế, những giải pháp, biện pháp tạo niềm tin cho DN để họ tự vươn lên, vì nhà nước không thể làm thay cho DN, mà cần tạo niềm tin cho họ, tạo sinh khí mới trong sự phát triển.
09:45 ngày 16/05/2023
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op
Mặt bằng trống rất nhiều nhưng giá không giảm
Là một trong hững nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op đã chia sẻ những khó khăn của ngành bán lẻ trong thời gian qua.
Theo ông Đức, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang đi vào giai đoạn suy thoái. Đây là những vùng có hợp tác sâu rộng với Việt Nam nên chúng ta bị tác động rất nhiều.
Trong khi đó, nếu như mức tăng trưởng của ngành bán lẻ năm 2022 là 22% thì năm 2023 theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ 17,5% nhưng thực tế những tháng đầu năm con số này còn thấp hơn. Thống kế của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng cho thấy không có nhà bán lẻ nào trong quý 1 tăng trưởng dương.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op
Mặt khác, bản thân các DN trong nước trước đây phát triển ở thị trường nước ngoài, nay gặp khó khăn cũng quay lại phát triển thị trường trong nước, tạo ra sự cạnh tranh lớn với các DN nội địa. Cùng với đó, các hiệp hội kinh tế nước ngoài, tham tán thương mại các nước cũng giới thiệu DN, sản phẩm vào Việt Nam tạo nên nhiều sự cạnh tranh ngày càng lớn. Dù vậy, việc này cũng làm thị trường đa dạng, phong phú hơn, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.
Ông Đức cũng đề cập đến xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ông cho biết DN có những vận động tích cực để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhưng có sự thận trọng nhất định. Bởi trong giai đoạn COVID-19, họ đã bung hết sức để số hóa nên trong giai đoạn hiện nay, DN đang chờ nguồn tác động tích cực hơn.
Một yếu tố khác tác động tiêu cực đến thị trường bán lẻ cũng được ông Đức nhắc đến là thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản. "Mọi người hay nói đến câu chuyện giá nhà, giá bất động sản. Ai cũng thấy hiện nay mặt bằng trống rất nhiều nhưng thực tế giá thuê không giảm nên mạng lưới thị trường bán lẻ không thúc đẩy được"- ông Đức chia sẻ.
Ngoài ra, các kênh địa lý hiện nay không phát triển bằng các kênh thương mại điện tử. Theo dự báo các công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam đứng tốp đầu về thương mại điện tử. Tuy nhiên, ông Đức nhìn nhận các kênh bán lẻ này không đồng bộ, đôi khi manh mún.
Từ những phân tích trên, Tổng Giám đốc Saigon Co.op đưa ra một số kiến nghị mà TP HCM và cả nước cần triển khai để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành bán lẻ phát triển.
Đó là cần hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT 2%, cần triển khai càng sớm càng tốt để kích cầu, qua đó DN có thêm "hơi thở" mới.
Ông Đức cũng đề xuất DN cần có sự liên kết chặt chẽ hơn để gia tăng sự phát triển; tiếp tục phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bởi đây là xu hướng tất yếu, cần đi, phải đi. Tuy nhiên, theo ông Đức, DN cần xác định rõ khía cạnh nào nên đi, chứ không trải dài.
09:21 ngày 16/05/2023
Ông Võ Anh Tài – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group)
Theo các báo cáo đánh giá, thống kê quý 1/2023, cầu đầu tư và cầu tiêu dùng của TP HCM đều rất yếu. Để nhanh chóng đưa TP HCM tăng trưởng trở lại, cần có những biện pháp thiết thực để đẩy mạnh đầu tư và kích thích tiêu dùng, như giảm lãi suất, giảm thuế, tăng đầu tư công, tinh giảm các quy định, thủ tục hành chính, triển khai sớm cơ chế đặc thù thay cho Nghị quyết 54 ngay khi được thông qua… "giải ngân đầu tư công" trong lĩnh vực du lịch tại TP HCM.
Ông Võ Anh Tài – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group)
Sau 2 hội nghị về du lịch do Thủ tướng chủ trì vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội hiện ủng hộ với việc sửa đổi luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cho công dân thực hiện xuất, nhập cảnh; qua đó góp phần tích cực cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề liên quan đến đến du lịch. Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Riêng TP HCM, cần thiết triển khai sớm chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch thành phố, chiến lược marketing du lịch thành phố cũng như tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho du khách quốc tế và nội địa đến Việt Nam và TP HCM trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác phân phối lớn trong các hoạt động marketing du lịch; giữa doanh nghiệp và cơ quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch nhằm tạo ra chính sách giá thuận lợi nhất cho du khách nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm hấp dẫn du khách;… Các sản phẩm du lịch cần đi vào chiều sâu trên cơ sở liên kết nhiều đơn vị với nhau tạo ra chuỗi giá trị hấp dẫn, đặc biệt chú trọng khai thác, phát huy văn hóa bản địa.
Ngoài ra, cần tạo ấn tượng mạnh về chương trình kích cầu quy mô lớn của TP HCM, Việt Nam dành cho khách quốc tế, nội địa vào thời gian thấp điểm trên cơ sở tham gia thực chất từ các doanh nghiệp và sự hỗ trợ về chính sách từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Mở màn cho mùa du lịch đầu năm 2023, Saigontourist Group đã sớm tung ra chương trình khuyến mãi quy mô lớn, kích cầu đồng loạt các dịch vụ phòng ngủ, ăn uống, hội nghị hội thảo, tour… với sự tham gia của trên 70 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành, khu giải trí với mức ưu đãi lên đến 50%...
Phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy du lịch
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, liên khu vực nên để phục hồi, phát triển ngành du lịch TP HCM rất cần sự phục hồi, phát triển của các ngành kinh tế khác. Giao thông phát triển đi trước, sản phẩm du lịch sẽ phát triển ngay theo sau. Do đó, TP HCM cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông du lịch như: hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không, hệ thống cảng du lịch tàu biển, tàu sông chuyên dụng…
Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, trong đó chú trọng yếu tố liên kết theo vùng; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm mới; đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, quảng bá xúc tiến và đầu tư trong lĩnh vực du lịch, chú trọng đẩy mạnh thu hút du khách trong công tác liên kết du lịch TP HCM.
Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp ngành du lịch, như lữ hành, lưu trú, vận chuyển, ẩm thực… và địa phương nhằm phát huy thế mạnh mỗi bên, tạo sức mạnh tổng lực, kích cầu cho toàn ngành, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt với khu vực và quốc tế; thu hút du khách đến với TP HCM như 1 cửa ngỏ quốc tế đến Việt Nam.
Ngành du lịch TP HCM cần chú trọng phát triển đồng bộ du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Đẩy mạnh kích cầu quảng bá đồng thời đối với thị trường khách quốc tế và nội địa đến TP HCM để "không thua ngay trên sân nhà" khi TP HCM là thị trường nguồn lớn nhất đối với du lịch nội địa của cả nước đồng thời đối với một số điểm đến trọng điểm quốc tế trong khu vực.
Đề xuất được khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ…
Liên quan đến vốn, nhu cầu vốn đối với toàn ngành du lịch luôn quan trọng và hết sức cần thiết. Ngay khi thành phố mở cửa trở lại trạng thái "bình thường mới" tháng 10-2021, và Chính phủ quyết định mở cửa toàn bộ ngành du lịch từ tháng 3-2022, Saigontourist Group đã lập tức nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với nhu cầu vốn duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cấp cơ sở vật chất, kết nối các thị trường khách truyền thống và thị trường khách mới, triển khai những dự án đầu tư mới…
Ông Tài đề xuất được khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ… cho doanh nghiệp du lịch
Đối với Tổng Công ty việc triển khai đầu tư các dự án mới đã nằm trong kế hoạch xây dựng vốn, tuy nhiên do nhiều cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập trong việc gia hạn các hợp đồng thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, các thủ tục xin điều chỉnh mức đầu tư dự án, xin giấy phép.... đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án. Vấn đề này rất mong các bộ, ngành trung ương, thành phố quan tâm tháo gỡ để doanh nghiệp đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh, đóng góp mạnh mẽ vào phục hồi, phát triển kinh tế thành phố.
Do thị trường toàn ngành chưa thật sự hồi phục, đặc biệt là du lịch quốc tế còn nhiều khó khăn, dự kiến sớm nhất đến năm 2025 mới có thể trở lại thời gian trước đại dịch COVID-19. Do đó, kiến nghị Chính phủ cùng các cơ quan trung ương tiếp tục quan tâm giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp ngành du lịch, kéo dài thời gian, chính sách hỗ trợ ít nhất đến hết năm 2023, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phục hồi phát triển cho doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp du lịch đang vay vốn, đề xuất được xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ…
Bình luận (0)