Tỉnh Ninh Thuận hoàn thành rất nhanh mục tiêu khai thác hơn 41.000 ha đất cằn cỗi trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước khi đã cấp chủ trương đầu tư cho 30 dự án điện mặt trời, tổng công suất 1.788 MWp. Trước áp lực quá tải lưới, mới đây, tỉnh này chủ động đề xuất giải pháp cho nhà đầu tư dự án NLTT thực hiện và chuyển giao hạ tầng truyền tải cho Tập đoàn Điện lực (EVN) quản lý, khai thác.
Luật chưa cho phép!
Tập đoàn Trung Nam được tỉnh Ninh Thuận chọn là nhà đầu tư lưới điện, dự kiến chi ra khoảng 600-700 tỉ đồng làm đường dây truyền tải 500 KV Thuận Nam - Vĩnh Tân. Tuy nhiên, việc cho tư nhân tham gia làm lưới điện truyền tải nhằm chủ động giải tỏa công suất đang nằm chờ không chỉ dừng ở việc chọn nhà đầu tư nào có năng lực.
Luật pháp chưa cho phép tư nhân tham gia xây dựng lưới truyền tải Ảnh: VIỆT HÀ
Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT - Bộ Công Thương, cho rằng trong bối cảnh đầu tư của ngành điện rất lớn, các dự án không còn được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, nếu tư nhân có thể tham gia đầu tư một số khâu là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, Luật Điện lực quy định truyền tải là sở hữu độc quyền của nhà nước, do nhà nước đảm nhận xây dựng, quản lý, vận hành. Do đó, tư nhân chưa được phép thực hiện. "Ngay trong trường hợp doanh nghiệp có đủ tiềm lực làm đường dây tải điện và bàn giao với giá 0 đồng thì ngành điện cũng không có cơ chế để tiếp nhận tài sản này" - ông Phương Hoàng Kim nói thêm.
Về cơ cấu giá thành, cũng theo Luật Điện lực, chi phí truyền tải được quy định chưa tới 100 đồng/KWh và được nhà nước trợ giá nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát giá điện để ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, nếu tư nhân đầu tư đường dây sẽ phải xác định phí truyền tải để bù đắp lại khoản đầu tư bỏ ra và không thể rẻ như mức giá nhà nước quy định. "Đúng là tư nhân làm thì sẽ nhanh hơn về mặt thủ tục nhưng cuối cùng sẽ phải tính hết vào giá điện mà giá điện thuộc diện điều tiết của nhà nước nên không dễ tăng mạnh" - ông Kim lưu ý.
Ở góc độ an ninh năng lượng, GS-TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho biết đến nay, nhiều quốc gia vẫn giữ quan điểm truyền tải điện là độc quyền của Chính phủ bởi đây là khâu "xương sống", là trụ cột của hệ thống điện. Vì vậy, Việt Nam nếu có ý tưởng cho phép tư nhân tham gia xây dựng đường dây tải điện thì cần có sự bàn thảo kỹ lưỡng tại Quốc hội, từ đó sửa luật để tạo cơ chế thực hiện. Dù vậy, theo ông Long, lưới điện từ 220 KV trở lên vẫn nên để nhà nước quản lý. Với lưới 110 KV trở xuống, nếu dự án ở xa vị trí đấu nối, có thể mở ra cơ chế cho phép nhà đầu tư thỏa thuận với EVN xây dựng đoạn đường dây từ nhà máy đến vị trí nối lưới để bảo đảm tính chủ động.
Cần cân nhắc kỹ
Với lý do điện mặt trời phát triển tập trung ở một số địa phương nhất định như Ninh Thuận, Bình Thuận, nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh lại quy hoạch cũng như cơ chế cho đầu tư đấu nối là cần thiết. PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để phát triển nhanh hệ thống truyền tải, nhà nước cần tạo cơ chế cho nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng, sau đó bàn giao cho EVN vận hành. Điều này góp phần giải quyết vấn đề thiếu vốn đầu tư cũng như quy trình giải ngân vốn chậm trễ. "Tinh thần chung là mở cửa hơn nữa, không nhất thiết nhà nước phải "ôm" tất cả bởi nếu như vậy, nhà nước luôn phải chạy theo nhu cầu thay đổi, phát sinh từ thực tiễn" - ông Tuấn nêu quan điểm.
Không phản đối tinh thần mở đường cho tư nhân đầu tư vào những lĩnh vực nhà nước không cần thiết nắm giữ, song ông Trần Đình Long vẫn đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng tính hiệu quả trong đầu tư lưới điện. Ông phân tích: "Khâu chậm nhất trong các dự án đầu tư đường dây truyền tải điện là giải phóng mặt bằng chứ không phải xây dựng. Rất nhiều dự án không thể thực hiện được bởi tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, không đạt được thỏa thuận đền bù với người dân. Nếu tư nhân làm thì tiến độ khó có thể nhanh hơn nhiều so với nhà nước bởi cũng phải tuân thủ quy chế của nhà nước về bồi thường giải tỏa, không thể đền bù cao để giải tỏa mặt bằng nhanh được".
Góp ý thêm về giải pháp, ông Long nhìn nhận bên cạnh việc gấp rút triển khai các dự án đường dây quan trọng tại khu vực quá tải lưới điện, cần tính toán cân bằng công suất phát điện trên lưới với các nguồn điện. Chẳng hạn, vào thời gian điện mặt trời có công suất cao (từ 8-16 giờ), nên ưu tiên cho các nhà máy điện mặt trời phát lên lưới. Các nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện… được huy động mạnh vào ban đêm hoặc trong các điều kiện thời tiết không thuận lợi cho điện mặt trời.
Quan trọng là cấp điện hiệu quả
Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT, ông Phương Hoàng Kim, cho rằng điện mặt trời có tính thời điểm, không ổn định nên đòi hỏi dự phòng để huy động khi có biến động thời tiết trong điều kiện chưa đầu tư hệ thống pin lưu trữ. Theo tính toán, muốn huy động 5.000 MWp điện mặt trời, cần ít nhất 1.500 MW công suất dự phòng quay, tức là có thể huy động ngay lập tức khi điện mặt trời sụt giảm. Như vậy, duy trì các nguồn ổn định để bảo đảm cấp điện hiệu quả, đồng thời phát triển NLTT ở mức độ phù hợp quan trọng không kém so với đầu tư đường dây để vận hành hệ thống hiệu quả.
Bình luận (0)