Đây là ý kiến được nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) chia sẻ tại tọa đàm "Tỉnh táo trong cơn sốt đất" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 8-4.
Ông Nguyễn Minh Khang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG, cho biết ông đã theo dõi rất nhiều cơn sốt đất xảy ra thời gian qua và đặt câu hỏi những ai đứng phía sau và thổi giá bất động sản ở những nơi đó? Bởi, chỉ một số đối tượng hưởng lợi trong những cơn sốt này, còn lại phần lớn nhà đầu tư, có cả môi giới đều chịu thiệt.
Ông Khang khẳng định người có tiền nhàn rỗi, để dành trong vài năm mua đất nơi sốt giá là rất ít. Còn lại, phần lớn những người mua đất khi sốt đất là để đầu cơ, mua đi bán lại. Họ sẵn sàng rút sổ tiết kiệm, thậm chí vay ngân hàng để mua nhưng sau đó không bán được dẫn tới nợ nần chồng chất…
Ông Nguyễn Minh Khang
"Các doanh nghiệp bất động sản như chúng tôi không được hưởng lợi gì từ những cơn sốt nhà đất bởi đầu tư dự án từ lúc có kế hoạch triển khai đến khi hoàn thiện pháp lý để mở bán phải vài năm. Đất các nơi sốt, dự án chưa đền bù xong có thể khiến doanh nghiệp bị vạ lây" – ông Nguyễn Minh Khang nói.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, sốt đất làm cho các dự án kéo dài thời gian đền bù và ảnh hưởng đến tiến độ. Khi nhà đầu tư có nhiều tiền nhưng thiếu kênh hấp dẫn thì bất động sản trở thành sự lựa chọn và trong bối cảnh nguồn cung ít, dự án chậm triển khai đẩy mặt bằng giá nhà đất lên càng kích thích nhà đầu tư tìm đến các vùng ven đô thị…
Thời gian qua, có xu hướng các nhà đầu tư không chỉ mua đất phân lô bán nền mà họ còn mua cả đất nông nghiệp quy mô lớn vài ngàn mét vuông, thậm chí góp tiền mua đất diện tích vài chục ha rồi để dành. Nhu cầu rất lớn trong khi nguồn cung hạn chế càng đẩy mặt bằng giá bất động sản lên cao.
"Để hạn chế sốt đất, nhiều ý kiến cho rằng ngoài công bố thông minh bạch, cơ quan quản lý cũng giải thích các thông tin về quy hoạch. Nhưng vấn đề là người dân tiếp cận được đầy đủ rất ít, thậm chí doanh nghiệp cũng tiếp cận không nhiều trong khi mạng xã hội, tin đồn lại dễ dàng lan rộng, muốn sốt chỗ nào là chỗ đó giá tăng chóng mặt" – ông Ngô Quang Phúc nói.
Ông Ngô Quang Phúc
Chẳng hạn, mở sân bay là quy hoạch được công bố nhưng cụ thể bao lâu nữa mở không thấy ai nói. Trong khi nhân viên môi giới chỉ cần nói "sắp mở" là kích thích được tâm lý của người mua, trong khi thực tế có thể 10 năm nữa dự án sân bay đó chưa chắc thực hiện xong…
Các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vai trò then chốt của Nhà nước trong việc ngăn chặn và kiểm soát những cơn sốt đất. "Nói sốt đất đều do môi giới là không đúng bản chất" - ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam phản hồi.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định trong những cơn sốt đất gần đây số lượng giao dịch không nhiều như trước. Nhưng, có thực tế người dân vẫn rất kỳ vọng vào việc mua đất sẽ có lời nên cần có giải pháp triệt để xử lý sốt đất. Đồng thời, có 2 dòng tiền vào thị trường đầu tư, với 2 kênh hút vốn nhiều nhất là bất động sản và chứng khoán, trong đó vai trò của các ngân hàng thương mại khi cho vay đầu tư bất động sản cũng cần được đề cập, kiểm soát chặt chẽ.
TS Đinh Thế Hiển
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP HCM, nêu quan điểm để hạn chế sốt đất trong tương lai rất cần tiếp tục minh bạch, công khai các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư lớn đã được phê duyệt. Hiện nay theo quy định trong Luật đất đai và Luật tiếp cận thông tin, các cơ quan nhà nước đang nắm giữ thông tin quy hoạch được phê duyệt có trách nhiệm cung cấp cho người dân và người dân được quyền tiếp cận các thông tin này.
Hiện nay công tác minh bạch đã và đang được cải thiện (công khai trên website và các ứng dụng thông tin quy hoạch) nhưng trên thực tế vẫn đang còn nhiều bất cập.
Luật sư Trần Minh Cường
"Cần xem xét hình sự hóa hành vi "thổi giá" gây sốt đất ảo thu lợi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, nghiên cứu xây dựng tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự liên quan đến hành vi này, dù hiện đã có quy định về tội Đầu cơ tại Điều 196 Bộ luật hình sự 2015" - Luật sư Trần Minh Cường kiến nghị.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, cũng đề xuất 10 giải pháp góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, bền vững. Cụ thể là nhóm công cụ về tài chính như đánh thuế cao việc chuyển nhượng bất động sản. Sử dụng tỉ lệ cho vay từ kênh tín dụng hợp lý để kiểm soát tình trạng sốt ảo. Chính sách vĩ mô phải hợp lý để điều tiết dòng tiền, tránh đổ quá nhiều vào bất động sản…
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân chia sẻ tại tọa đàm
Chẳng hạn, như tại TP HCM trong khoảng 2,6 triệu tỉ đồng tín dụng ra nền kinh tế, có khoảng 350.000 tỉ đồng đang chảy vào bất động sản nhưng vẫn còn dòng tiền ngầm đang giao dịch ở đâu đó và cũng không nhỏ chưa được thống kê đầy đủ.
"Vai trò của nhà nước, cơ quan quản lý điều tiết cụ thể, đối với vấn đề sốt ở đâu thì địa phương phải chịu trách nhiệm và xử lý ngay. Cơ quan chức năng cần công khai quy hoạch. Thông tin của nhà nước cần công khai minh bạch, quy định về mặt pháp lý rõ ràng; chính sách được ban hành phải có tính ổn định thì doanh nghiệp mới yên tâm, thị trường bất động sản mới phát triển được. Nhà đầu tư cũng phải tỉnh táo, thông minh khi tham gia thị trường, đặc biệt xảy ra sốt đất…" – Tổng biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đề xuất.
Bình luận (0)