Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 2-2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,19 triệu, tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 42,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 2 tháng đầu năm đã có hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 33% so với cùng kỳ.
Cơ hội quảng bá hình ảnh
Dự kiến ngày 10-3, bộ phim bom tấn của Hollywood “Kong: Skull Island” với nhiều cảnh quay ở Việt Nam như Tràng An, Tam Cốc, vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, Tú Làn… sẽ khởi chiếu tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Theo các chuyên gia, đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới. Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis (đơn vị hỗ trợ các cảnh quay của phim “Kong: Skull Island” ở Quảng Bình), cho biết những ngày gần đây, khi trả lời phỏng vấn, từ đạo diễn đến diễn viên tham gia phim nhiều lần nhắc đến Việt Nam. Khi khởi chiếu, thấy cảnh đẹp trong phim, nhiều người sẽ tìm đến. “Dịp này, ngành du lịch Việt có thể thực hiện chiến dịch quảng bá, cung cấp hình ảnh đẹp về các điểm đến để thu hút du khách” - ông Á gợi ý.
Mới đây, Quảng Bình đã tung clip quảng bá du lịch ra nước ngoài, trong đó đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được dẫn lời giới thiệu. Điểm đến này cũng có kế hoạch xây dựng tour liên quan đến bộ phim.
Theo ông Á, không chỉ Quảng Bình, Quảng Ninh hay Ninh Bình, các điểm đến khác ở Việt Nam cũng có thể nhân cơ hội này quảng bá du lịch cho mình.
Tín hiệu tích cực
Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục tăng mạnh là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh ngành đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ đầu tháng 2-2017, nghị định của Chính phủ về triển khai cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân 40 quốc gia đến Việt Nam cũng chính thức có hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đơn giản hóa thủ tục visa, giảm thời gian chờ đợi cho du khách.
Sau thời gian bị sụt giảm mạnh, lượng khách tàu biển trở lại Việt Nam đang có sự hồi phục mạnh. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, nhìn nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường tàu biển từ đầu năm đến nay tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Vừa qua, công ty có ký hợp đồng phục vụ lượng khách tàu biển đến từ Trung Quốc ở phân khúc khách cao cấp nên tình hình khá khả quan.
Saigontourist cũng vừa đón 2.200 khách tàu biển trên tàu Celebrity Constellation tham quan Nha Trang (chủ yếu quốc tịch Anh, Mỹ, Canada…), nâng tổng số khách tàu biển do công ty này phục vụ trong 2 tháng đầu năm lên 46.900 lượt.
Trong năm 2017, ngành du lịch Việt Nam dự kiến đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ du khách đạt 460.000 tỉ đồng. Để thu hút thêm du khách quốc tế, cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên mở rộng chính sách miễn visa cho các thị trường khách trọng điểm.
Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh
Hiệp hội Du lịch TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các ban, ngành về việc xem xét miễn visa cho công dân các nước Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Áo, Hà Lan, Bỉ, Ấn Độ và Uzbekistan - những thị trường có lượng khách lớn đến Việt Nam. Kiến nghị này phù hợp trong bối cảnh nhiều nước láng giềng liên tiếp có chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để tăng cường thu hút du khách và cạnh tranh với các điểm đến ở Việt Nam.
Trước đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất Chính phủ mở rộng việc miễn visa đối với công dân các thị trường tiềm năng, có lượng khách ổn định, khả năng chi tiêu cao như New Zealand, Ấn Độ, Hà Lan, Canada, Mỹ, Úc.
“Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi nhiều điểm đến khác hấp dẫn trong khu vực. Chúng ta cũng không phải là điểm đến “buộc” du khách phải đi một lần, như Angko ở Campuchia hay Singapore… Do đó, muốn nâng sức cạnh tranh cho ngành du lịch, cần thông thoáng hơn trong chính sách miễn visa” - ông Phan Xuân Anh đề nghị.
Tổng giám đốc một công ty lữ hành tại TP HCM nhận xét hiệu quả của chính sách miễn visa trong thời gian qua đối với một số thị trường là không thể phủ nhận. Do đó, cơ quan quản lý nên mở rộng hơn.
Ngoài ra, với chính sách miễn visa cho 5 quốc gia Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha), Hiệp hội Du lịch TP xin tiếp tục gia hạn đến ngày 30-6-2022; kiến nghị nâng thời gian tạm trú của du khách Tây Âu tại Việt Nam lên 30 ngày thay vì 15 ngày như quy định hiện hành. Đồng thời, hiệp hội xin được miễn visa chặng 2 (sau khi khách vào Việt Nam du lịch sang nước khác rồi trở lại Việt Nam để về nước). Người châu Âu thường có thói quen lên kế hoạch cho các chuyến đi khá sớm, thời gian du lịch kéo dài nên chính sách miễn visa chỉ trong 1 năm, đến tháng 6-2017 như quy định là chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của du khách.
Trước đó, ngày 1-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua nghị quyết gia hạn miễn visa cho công dân 5 quốc gia Tây Âu đến ngày 30-6-2017. Theo thống kê, 6 tháng cuối năm 2016, lượng du khách đến từ 5 quốc gia này đạt gần 400.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây được đánh giá là đạt hiệu quả cao trong thu hút khách quốc tế.
Chậm hội nhập
Nhiều chuyên gia đánh giá ngành du lịch dường như đang đi sau các ngành khác trong mở cửa hội nhập. Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác quan trọng ở các khu vực như EU, Nhật, Hàn Quốc, liên minh kinh tế Á - Âu… Riêng lĩnh vực du lịch, Việt Nam hiện mới mở cửa miễn visa cho công dân của 22 quốc gia, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Bình luận (0)