.Phóng viên: Ý tưởng về một trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP HCM đã được thành phố ấp ủ từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Ông nhận định việc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa đề án này vào nội dung nghị quyết sẽ mang lại sự đột phá nào?
- Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TP HCM (HFIC): Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM là một chương trình mà nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố ấp ủ, mong muốn triển khai. Thành phố nỗ lực kiến nghị và đề án đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI.
Để triển khai nghị quyết, các sở, ngành và UBND thành phố đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy những việc cần làm. Theo đó, thành phố phân công HFIC làm đầu mối làm việc với Trường ĐH Fulbright để xây dựng đề án tư vấn cho việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Đồng thời, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND làm trưởng ban, các thành viên gồm chuyên gia, nhà nghiên cứu và tổ giúp việc do lãnh đạo HFIC làm tổ trưởng.
HFIC và Trường ĐH Fulbright đã ký hợp đồng để ĐH này xây dựng đề án. Sau khi xây dựng, đề án đã qua 2 phiên thẩm định để đánh giá, góp ý và đang hoàn thiện phiên bản cuối cùng để trình lãnh đạo thành phố.
Ngày 8-2, UBND TP HCM và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu lập đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM .Ảnh: BÌNH AN
Ngoài ra, để cụ thể hóa thêm một bước, UBND thành phố ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Tập đoàn IPP) về việc triển khai nghiên cứu đề án xây dựng trung tâm tài chính này.
Theo thỏa thuận, Tập đoàn IPP ký hợp đồng thuê các công ty tư vấn nước ngoài để xây dựng đề án. Trong vòng 60 ngày, đề án sẽ được gửi cho ban chỉ đạo của thành phố để thẩm định, góp ý. HFIC được phân công làm đầu mối kết nối, ghi nhận những thông tin này và xây dựng đề cương đề án để tham mưu cho thành phố.
.Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM khi hình thành sẽ tạo nhiều khác biệt cho diện mạo kinh tế thành phố. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Để tạo sức mạnh cho TP HCM, về lâu dài cần tập trung phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Cần nhận thức đúng đắn đây không phải trung tâm tài chính của thành phố mà là trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam đặt tại TP HCM. Vì vậy cần có sự hỗ trợ, giúp sức, chia sẻ rất lớn từ các cơ quan bộ - ngành, trung ương.
Trung tâm này ra đời sẽ giúp giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất, tạo ra cú hích cho thị trường tiền tệ và ngân hàng. Khi dòng vốn chảy vào nhiều hơn, HFIC sẽ rộng đường huy động vốn để thực hiện tốt các nhiệm vụ thành phố giao.
Thứ hai, kích hoạt dòng vốn dài hạn thông qua thị trường vốn như phát hành trái phiếu, cổ phiếu, cổ phần hóa, mua bán - sáp nhập... Thứ ba, chỉ khi có trung tâm tài chính quốc tế mới tạo ra những đòi hỏi cho những lĩnh vực mới như công nghệ tài chính (fintech), thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử...
Trong thời đại công nghệ hiện nay, nơi đặt trung tâm tài chính không quá quan trọng bởi khi trung tâm này khơi thông được nguồn vốn thì không chỉ TP HCM mà cả nước sẽ được thụ hưởng.
.Ở góc nhìn rộng hơn, theo ông, cần những giải pháp nào trước mắt để tạo đột phá kinh tế cho TP HCM trong giai đoạn "hậu Covid-19"?
- Thực tiễn cho thấy tiềm lực kinh tế của thành phố bị nén lại trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Thế nhưng, hoạt động du lịch trong giai đoạn cao điểm Tết âm lịch vừa qua đã thể hiện khả năng khôi phục kinh tế rất mạnh mẽ của TP HCM. Vấn đề là làm sao kích hoạt để khả năng này bùng lên?
Quốc hội đã thông qua các gói kích thích hồi phục kinh tế. Thành phố cần chủ động nắm bắt các gói này như thế nào và tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) thành phố tiếp cận các gói này hiệu quả. Song song đó, để có thể tạo đột phá trong giai đoạn "hậu Covid-19", thành phố cần xác định đầu tư công phải đi trước.
Theo đó, cần kích hoạt một loạt dự án đóng vai trò là nhân tố khởi động để tạo công ăn việc làm và thúc đẩy hoạt động của DN. Khi kích hoạt đầu tư công, nên đi vào 2 trọng tâm lớn là cơ sở hạ tầng và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ở trọng tâm thứ nhất, thành phố đang khởi động lại việc triển khai các đường vành đai. Với trọng tâm thứ 2, một loạt ứng dụng công nghệ thông tin, các giải pháp số sẽ được đưa ra.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa và tháo gỡ các cơ chế chính sách. Đơn cử, chúng ta đã có gói kích cầu cho chương trình nhà ở xã hội nhưng muốn làm thì phải có đề án phê duyệt cụ thể về chiến lược nhà ở, đất đai cùng hàng loạt thủ tục hành chính, cơ chế chính sách đi kèm.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh sự chủ động vào cuộc của các DN. Thành phố nên phát huy vai trò của các hiệp hội DN để gắn kết các DN lại với nhau, làm cầu nối cho DN với chính quyền thành phố nhằm giúp thành phố kịp thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó đồng hành, hỗ trợ DN tốt hơn. Nếu sớm giải quyết được những vấn trên thì cơ bản sẽ kích hoạt được thị trường và hoạt động kinh tế của thành phố sẽ sôi động lên.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-2
Sớm thông qua gói bù lãi suất của thành phố cho DN
TP HCM đã phê duyệt danh mục các lĩnh vực HFIC được phép cho vay. HFIC sẵn sàng cho vay để đầu tư các lĩnh vực trong danh mục, bao gồm: hạ tầng, y tế giáo dục, logistics... Logistics là lĩnh vực được tập trung phát triển bởi thành phố xác định ngành này giúp khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng; thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu...
Về nguồn vốn cho DN trong giai đoạn mới, một vấn đề TP HCM cần quan tâm là sớm ban hành chính sách kích cầu mới. Chương trình kích cầu của thành phố đã kết thúc từ năm 2020; thành phố đang trong quá trình xin ý kiến các bộ - ngành, cơ quan trung ương về chương trình kích cầu giai đoạn 2021-2025.
Thực tế, sau thời gian gánh chịu hậu quả nặng nề bởi dịch Covid-19, DN đang rất kỳ vọng vào các gói hỗ trợ kinh tế của nhà nước để đầu tư làm ăn, bao gồm cả gói hỗ trợ của Chính phủ lẫn gói kích cầu bù lãi suất của thành phố hiện đang bị gián đoạn bởi lý do nêu trên. Do đó, trong lúc này, ngoài việc tận dụng hiệu quả các gói kích cầu của Chính phủ thì thành phố nên sớm xin ý kiến để thông qua chính sách kích cầu của thành phố nhằm tiếp sức cho DN.
Tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM"
Sáng nay (17-2), Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đã vượt qua năm 2021 đầy cam go nhưng cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, rủi ro, khó khăn, thách thức vẫn còn. Để tiếp tục vực dậy và tạo sức bật cho nền kinh tế, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể.
Báo Người Lao Động cũng đang triển khai loạt bài "Cần những "quả đấm" để phục hồi kinh tế" với nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế từ các chuyên gia, DN về giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế đất nước, trong đó có TP HCM.
Với tinh thần đồng hành với Chính phủ, các bộ - ngành, TP HCM, tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi, hiến kế giải pháp tạo đột phá trong phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là TP HCM với mục tiêu để thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế vùng và cả nước. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tạo tiền đề thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường.
T.Phương
Bình luận (0)