* Phóng viên: Từ kinh nghiệm của những thành phố lớn trên thế giới trong 2 năm qua, TP HCM cần lưu ý điều gì trong tiến trình hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, thưa ông?
- TS HỒ QUỐC TUẤN: Điều quan trọng nhất mà TP HCM cần làm là phải bảo đảm doanh nghiệp (DN) có thể sản xuất và cung cấp dịch vụ một cách ổn định, lâu dài. Khi mức độ phủ vắc-xin phòng Covid-19 đã cao, những giải pháp liên quan giãn cách xã hội hay ứng phó với từng cấp độ dịch cần được triển khai linh hoạt, tránh cứng nhắc.
TS Hồ Quốc Tuấn
Trong bối cảnh mở cửa giao thương quốc tế và người lao động trở lại làm việc bình thường, số ca Covid-19 gia tăng là điều có thể dự đoán được. Quan trọng là tâm thế đối mặt với các chủng virus mới hiện nay phải khác với giai đoạn trước. Cần tư duy và xây dựng chính sách theo hướng nếu số ca bệnh nặng phải nhập viện và số ca tử vong trong tầm kiểm soát thì không nên tái diễn những hình thức giãn cách xã hội quá nghiêm ngặt.
* Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư công là một trong những "cú đấm" quan trọng mà TP HCM cần tận dụng để khôi phục kinh tế. Theo ông, nên hướng đầu tư công vào những lĩnh vực cụ thể nào và cần cơ chế đặc biệt nào để thúc đẩy đầu tư công trong thời gian tới?
- Nhu cầu đầu tư công ở TP HCM rất lớn, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng, nguồn nhân lực và các lĩnh vực công nghệ mới, song nguồn lực lại có hạn. Do đó, cần ưu tiên đầu tư vào các đô thị vệ tinh, hoàn thiện các khu đô thị mới, cải thiện hạ tầng giao thông để người dân dễ dàng di chuyển vào trung tâm thành phố làm việc, mua sắm… Điều này đang được TP HCM quan tâm triển khai nhưng nhiều dự án vẫn chậm tiến độ. Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài vấn đề nguồn vốn còn do nhiều vấn đề khác như quy trình, thủ tục, quy hoạch, con người…
Các địa phương cần có giải pháp ứng phó với các cấp độ dịch một cách linh hoạt để bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đầu tư công được coi là một trong những "quả đấm" để giải tỏa các trở ngại trong tăng trưởng kinh tế của TP HCM, vốn đang chậm đi trong mấy năm trở lại đây. Nhưng thiếu cả nguồn lực và cơ chế thì khó "đấm" mạnh được! Cần có một thể chế về một đặc khu công nghệ - tài chính cho TP HCM với cơ chế đặc thù để thành phố có thể sử dụng một số nguồn thu ngân sách; bổ nhiệm, sử dụng nhân tài; chủ động giải ngân vốn đầu tư công; hoạch định hướng phát triển… Làm được điều này thì "cú đấm" đầu tư công mới thật sự có lực.
* Chính phủ vừa thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói hỗ trợ lên đến 350.000 tỉ đồng, triển khai ngay từ quý I/2022. TP HCM cần làm gì để tận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ nhằm tiếp sức cho DN, hộ kinh doanh?
- Ở một số nước như Anh, Mỹ, có trường hợp chi sai hàng chục tỉ USD trong gói hỗ trợ hồi phục kinh tế và bị kiện ra tòa. Nguyên nhân nằm ở chỗ cách thức, quy trình giải ngân gói hỗ trợ ở các nước này khá đơn giản nên dễ bị lợi dụng. Điều này cho thấy rủi ro chi sai khi muốn triển khai hỗ trợ trên diện rộng là rất lớn. Còn ở Việt Nam thì lại có tình trạng cán bộ sợ làm sai, sợ chịu trách nhiệm nên không dám chi mạnh, hệ quả là chính sách hỗ trợ khó đến tay đa số DN.
Ở góc độ khác, điều DN cần nhất là được hoạt động trong một môi trường kinh doanh ổn định, không bị làm khó. Câu chuyện "bánh mì không phải hàng thiết yếu" hay những hạn chế khi yêu cầu DN áp dụng mô hình "3 tại chỗ" cho thấy còn nhiều vướng mắc trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh tốt cho DN. Với DN, số tiền hỗ trợ không phải là điều quan trọng nhất. Họ cần hơn cả là những tín hiệu từ phía Chính phủ, địa phương trong việc cầu thị lắng nghe, giải quyết vấn đề cùng DN, gỡ rối cho họ. Làm được điều đó thì Chính phủ và địa phương mới giữ được niềm tin kinh doanh cho DN.
Tôi muốn nhấn mạnh thực tế có nhiều hoạt động kinh tế diễn ra bởi niềm tin kinh doanh của DN và nhu cầu tiêu dùng của người dân thúc đẩy chứ không phải nhờ vào tiền hỗ trợ của Chính phủ.
* Trên phạm vi cả nước, theo ông, Việt Nam cần làm gì để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP và duy trì niềm tin của nhà đầu tư?
- Với Việt Nam, một gói kích cầu quy mô 5% GDP - tương đương 450.000 tỉ đồng (nếu lấy GDP năm 2021 ước tính 9 triệu tỉ đồng) - chỉ bằng hoặc thấp hơn nhiều nền kinh tế khác trong ASEAN. Trong khi đó, với sức cầu còn yếu, lạm phát của Việt Nam năm 2021 ở mức thấp, lạm phát toàn cầu được dự báo đã đạt đỉnh trong năm 2021 và sẽ giảm dần trong năm 2022, chúng ta có lý do để tin tưởng gói hỗ trợ này sẽ không tạo ra áp lực quá lớn lên lạm phát trong nước. Nếu giữ được lạm phát khoảng 4%-5% song song với tăng trưởng GDP trên 6,5% thì là thành công.
Với một nền kinh tế, tuy con số tăng trưởng không phải là điều quan trọng nhất nhưng những con số đó sẽ phát ra tín hiệu khả quan giúp cải thiện niềm tin kinh doanh của DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu Việt Nam không cố gắng hồi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, niềm tin của giới đầu tư quốc tế và DN trong nước về triển vọng kinh tế sẽ sụt giảm. Khi đó, nền kinh tế phải đối mặt với rủi ro đảo ngược dòng vốn.
Thực tế, niềm tin của giới đầu tư quốc tế vào Việt Nam hiện rất lớn. Chúng ta không nên tạo ra những lo ngại hay gây thất vọng cho họ. Là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần coi đây là điểm mấu chốt để có chiến lược, chính sách phù hợp.
GS TRẦN THỌ ĐẠT, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
Hỗ trợ bằng "tiền tươi thóc thật"
Việc Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng ban hành các nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay trong tháng đầu năm 2022 thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn. Để chương trình này sớm phát huy tác dụng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp ngắn hạn để có tác động tức thì và lâu dài.
Quy trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực đòi hỏi thiết kế chi tiết hơn dựa trên nguyên lý phân bổ theo cơ chế thị trường, ưu tiên đối tượng sử dụng nguồn lực đạt hiệu quả tối đa. Nói cách khác, gói hỗ trợ này cần độ phủ rộng nhưng tránh dàn trải, bình quân, liều lượng thấp mà cần tập trung vào DN có ảnh hưởng lan tỏa. Tuy vậy, vẫn cần có hình thức hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ và kích thích đầu tư vào công nghệ số để bắt kịp xu hướng thay đổi cấu trúc của nền kinh tế giai đoạn hậu đại dịch.
Trong cơ cấu tổng cầu hiện nay, tiêu dùng nội địa chiếm đến gần 70% GDP. Trong khi đó, thu nhập của nhiều tầng lớp dân cư bị bào mòn qua các đợt dịch kéo dài. Do vậy, cần dành một tỉ lệ thích đáng trong gói hỗ trợ dưới dạng "tiền tươi thóc thật" để hỗ trợ người dân. Nếu hỗ trợ tiền mặt cho tất cả các đối tượng có thể bị xem là cào bằng thì nên mạnh dạn mở rộng hỗ trợ tiền mặt cho các đối tượng bị suy giảm thu nhập thay vì chỉ dừng lại ở đối tượng giảm sâu thu nhập. Thông qua gói hỗ trợ này, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên sẽ có tác động tức thì đến việc giải tỏa hàng hóa cho DN.
Nhiều đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đã triển khai các giải pháp "rút củi đáy nồi" để ứng phó với lạm phát gia tăng sau khi tung gói hỗ trợ lớn chưa từng có. Việt Nam đi chậm nhịp hơn thì cần tính đến yếu tố ràng buộc là nguy cơ lạm phát trong việc triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư và chi tiêu. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần được phối hợp tốt nhất nhằm bảo đảm dòng tiền, khả năng thanh khoản cũng như đạt được sự cân bằng tối ưu của ít nhất 2 biến số là tăng trưởng và lạm phát. Khi có bất cứ nguy cơ nào đẩy lạm phát lên cao thì cần được "trung hòa" bằng cách điều chỉnh dòng tiền kịp thời. Ngược lại, khi chính sách tiền tệ được mở rộng để hỗ trợ thanh khoản khiến nguy cơ lạm phát lên cao, cần có sự hỗ trợ của chính sách tài khóa, thương mại thông qua giảm thuế, chi phí đầu vào để không tạo kỳ vọng lạm phát.
Quan trọng hơn cả là cần rà soát và đánh giá các nút thắt, điểm nghẽn thể chế. Từ đó, có chính sách thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm sức bật cho DN.
Phương Nhung ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-2
Bình luận (0)