Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết qua hơn 15 năm, Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. GRDP trên địa bàn năm 2018 đạt 103.500 tỉ đồng (tăng gấp 8,81 lần so với năm 2004), bình quân đầu người đạt 80,5 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 7,86 lần so với năm 2004). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: khu vực nông nghiệp chiếm 8,10%, dịch vụ chiếm 59,13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,77%.
Đến nay, TP có 7.749 doanh nghiệp đang hoạt động, 442 dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký gần 80.000 tỉ đồng, trong đó có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14.543 tỉ đồng. Nhiều công trình giao thông, trường học, bệnh viện… được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng đã kết nối, lan tỏa, tạo động lực mới cho Cần Thơ phát triển.
Một góc TP Cần Thơ nhìn từ trên cao Ảnh: CA LINH
Ông Võ Thành Thống nhìn nhận Cần Thơ ngày càng thể hiện rõ vai trò trung tâm vùng ĐBSCL trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bước đầu hội nhập khu vực và thế giới. Mặc dù vậy, phát triển vẫn chưa xứng tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Hậu Giang từ một trong những tỉnh nghèo nhất ĐBSCL trong những ngày mới thành lập đã vươn lên đạt nhiều thành tựu. Ba năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đạt 6,82%/năm; thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng/năm, tăng gấp 6 lần so năm 2004.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp - dịch vụ, giảm dần tỉ trọng khu vực nông nghiệp. Công nghiệp tăng trưởng cao, từng bước khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế địa phương. Năm 2018, Hậu Giang đứng thứ tư trong khu vực về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với hơn 1 tỉ USD.
Bên cạnh những thuận lợi, Hậu Giang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho hay thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp tiếp tục được xác định là ngành giữ vai trò đột phá trong tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang, do đó tỉnh sẽ tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, nâng chất lượng các ngành dịch vụ mũi nhọn như thương mại, khách sạn, nhà hàng, ăn uống, vận tải, viễn thông, ngân hàng...
Bình luận (0)