xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần thông thoáng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp

THÁI PHƯƠNG

Doanh nghiệp lữ hành đề xuất ngành ngân hàng có thể nghiên cứu cho vay dựa trên tiền thuế đã nộp ngân sách, lợi nhuận qua các năm, uy tín của thương hiệu... mà không cần tài sản thế chấp

Ngày 23-12, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách". Hàng loạt giải pháp nhằm gỡ khó cho bài toán về vốn tín dụng, giảm lãi vay, tiếp cận các gói hỗ trợ từ nhà nước, giảm thuế, phí… được đề xuất giúp doanh nghiệp (DN) du lịch sớm phục hồi hoạt động kinh doanh.

Muốn được vay tín chấp

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết thời gian qua, nhiều hoạt động liên kết, kết nối du lịch, tăng cường kích cầu du lịch nội địa… đã diễn ra, là những giải pháp ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Và tọa đàm do Báo Người Lao Động tổ chức là bước đi đầu tiên để cụ thể hóa những vấn đề được đặt ra, nhằm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cần thông thoáng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 23-12 .Ảnh: TẤN THẠNH

"Vốn là một trong những vấn đề khó khăn nhất của DN, lúc đứng trước bài toán làm sao để duy trì hoạt động khi dịch đi qua? Làm sao để giữ được những thương hiệu du lịch, để khi trở lại sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Chúng tôi hy vọng và mong muốn những vấn đề đặt ra sẽ được lãnh đạo Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM, các NH thương mại sẵn sàng vào cuộc, tìm giải pháp hợp lý" - ông Tô Đình Tuân bày tỏ.

Là DN có hàng loạt công ty con với hệ thống khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, trung tâm triển lãm, lữ hành… đang bị tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho hay hầu như các DN trong hệ thống đều bị ảnh hưởng. Dù áp dụng nhiều giải pháp thúc đẩy, kích cầu nhưng chỉ có thể phục hồi một phần chứ không thể khôi phục toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Như đối với lữ hành, khách có tăng trở lại nhưng khách cũng tự đi, theo nhóm nhỏ, gia đình nhiều hơn. Việc khai thác bán tour Tết nguyên đán 2021 đến giờ khá chậm do tâm lý ngại dịch bùng phát trở lại. Trong khi đó, nhiều công ty con, công ty liên kết trong hệ thống Saigontourist Group đang rất khó khăn về vốn, rất cần được giãn nợ, giảm lãi vay để hỗ trợ…

Chia sẻ tại tọa đàm, nhiều DN cho biết do không tiếp cận được nguồn vốn vay NH, các chính sách hỗ trợ từ nhà nước nên DN lữ hành chủ yếu dùng vốn tự có hoặc tự xoay xở đủ cách. Ông Trương Quang Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du thuyền Viet Princess, kể câu chuyện công ty ông làm lĩnh vực khá đặc thù, với du thuyền 5 sao trên sông Mê Kông. Trong đó, 4 tàu du lịch được đóng mới trị giá khoảng 200 tỉ đồng, sau khi khấu hao, đến giờ còn khoảng 180 tỉ đồng. "Thời điểm du lịch làm ăn tốt, doanh thu mỗi năm của công ty chảy qua tài khoản NH thương mại cả trăm tỉ đồng nhưng từ khi dịch xảy ra, không NH nào dám cho chúng tôi vay, cũng không cho thế chấp bằng tàu du lịch này vì là ngành rủi ro cao" - ông Trương Quang Cường băn khoăn.

Do đặc thù là không còn tài sản thế chấp (do đã, đang thế chấp ở NH cho những khoản vay trước đó), không có doanh thu, dòng tiền… nên việc tiếp cận vốn vay NH rất khó khăn. Một số DN đã đề xuất có thể được vay tín chấp (không cần tài sản thế chấp), như một giải pháp gỡ khó.

Ngay cả với các DN trong lĩnh vực bất động sản, có liên quan đến du lịch như bất động sản nghỉ dưỡng cũng đau đầu với bài toán vốn. Ông Nguyễn Minh Khang - thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG - cho biết khi đại dịch xảy ra, là đơn vị có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng chuẩn bị triển khai nên DN rất lo lắng. DN bất động sản rất cần cơ chế, chính sách thông thoáng cũng như được tiếp cận dòng vốn để triển khai sản phẩm, phục vụ khách du lịch nội địa và khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, với DN lữ hành, nếu áp dụng tất cả điều kiện vay thông thường gần như không đáp ứng được, vậy có thể vay tín chấp không? Ông Dũng đề xuất các NH nghiên cứu cho DN lữ hành vay dựa trên mức thuế, tiền thuế đã đóng góp, nộp ngân sách nhà nước trong những năm trước đây. Như trong vài năm qua, lợi nhuận đạt được, mức thuế đóng vào ngân sách, uy tín, độ lớn của thương hiệu… hay không? Dựa trên những số liệu này, NH có thể xem xét để duyệt cho DN lữ hành vay vốn duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn và hồi phục. "DN lữ hành cũng có thể kết hợp triển khai nhiều chương trình kích cầu thông qua các sản phẩm dịch vụ của NH, như mua tour trả góp 0% lãi suất; phát hành thẻ đồng thương hiệu để cùng nhau khai thác, phục vụ du khách…" - ông Trần Thế Dũng gợi mở.

Đề xuất cho vay tín chấp dựa trên tiềm lực, uy tín, thương hiệu… cũng là giải pháp được nhiều DN đưa ra tại tọa đàm.

Nghiên cứu sản phẩm vay đặc thù cho lữ hành

Liên quan đến câu chuyện vay vốn, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thừa nhận hầu hết các NH cho vay đều cần có tài sản thế chấp để bảo đảm an toàn, chỉ một phần cho vay tín chấp nhưng vẫn phải quản lý được dòng tiền, nguồn thu. "Đúng là NH quan tâm hơn DN về lưu trú, khách sạn, nhà hàng, vận tải, trong khi DN lữ hành khó hơn vì chính sách cho vay tín chấp không dễ. Nếu muốn vay tín chấp, DN phải thật sự uy tín, có quá trình đồng hành với NH. Vì chỉ có đi chung với nhau lâu, mới hiểu, mới tin, mới dám cho vay không cần tài sản thế chấp. DN lữ hành tài sản là con người, thương hiệu… nhưng như việc trong năm nay có khoảng 350 DN lữ hành xin trả giấy phép, vậy nếu cho vay tín chấp, NH cũng lo" - ông Phan Đình Tuệ giải thích và đưa ra một giải pháp khác là các DN lữ hành có thể hợp tác với NH trong bán tour trả góp, cùng mở thẻ đồng thương hiệu để cùng khai thác nguồn khác nhằm tạo sự tin tưởng lâu dài.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), phân tích thêm vốn của NH cũng huy động từ khách hàng và được quản lý chặt chẽ nên cần sử dụng hiệu quả. Bởi trong trường hợp nợ xấu gia tăng, sẽ liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, người ký cho vay. "Ngay như câu chuyện của DN chia sẻ về việc tàu du thuyền vài chục tỉ đồng không thể thế chấp để vay vốn, nếu cho vay mà dịch vẫn tiếp tục diễn ra, chưa biết khi nào đón khách trở lại sẽ rất khó cho NH trong việc quản lý hiệu quả khoản nợ… Nếu NH Nhà nước có chính sách khoanh những khoản nợ cũ, có giải pháp hỗ trợ các công ty du lịch được giãn nợ và phần nợ xấu được tách bạch, các NH thương mại sẽ mạnh dạn cho vay hơn" - ông Hoàng Việt Cường nói.

Đại diện các NH thương mại cũng nhấn mạnh một yếu tố quan trọng là những quy định hiện tại chưa rõ ràng về trách nhiệm của DN, chủ DN trong vấn đề vay tín chấp nên NH cũng không mặn mà…

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, nhấn mạnh ngành NH đã có đầy đủ cơ chế để các DN có thể tiếp cận vốn NH một cách tốt nhất, với lãi suất tốt nhất. Riêng với DN lữ hành, do đặc thù không có tài sản thế chấp, chỉ có sản phẩm, thương hiệu nên NH Nhà nước Chi nhánh TP sẽ đề nghị các NH thương mại trên địa bàn nghiên cứu sản phẩm dành riêng, đặc thù cho DN phân khúc này. Các sản phẩm được xây dựng sao cho DN dễ dàng tiếp cận, qua đó hỗ trợ DN lữ hành sớm vượt qua khó khăn.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng khẳng định các bộ ngành, trong đó có Bộ VH-TT-DL đã kiến nghị hàng loạt chính sách hỗ trợ, đang chờ Chính phủ thông qua. Vậy các chính sách này có chậm với NH không?

"Thực sự là không chậm, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đã có nhiều cuộc khảo sát cho thấy trong thực tiễn có nhiều DN du lịch cần vốn nhưng cũng có những DN không biết dùng vốn làm gì. Vì khi thị trường khách quốc tế đóng băng, vay vốn để làm gì khi chuyển đổi mô hình cũng không hẳn hiệu quả. Cho nên, bài toán sử dụng đồng vốn cũng cần tính toán kỹ" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng phân tích.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hiện Chính phủ đã giao NH Nhà nước phối hợp các bộ ngành sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay… cho DN và NH Nhà nước đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư này. "Bộ VH-TT-DL cũng đề xuất và đến nay đã trình Chính phủ kiến nghị giảm 80% số tiền ký quỹ của DN lữ hành (số tiền ký quỹ hiện nay từ 100-500 triệu đồng, tùy loại hình DN) và sẽ giảm trong 2 năm để tạo dòng tiền hỗ trợ DN. Hiện tại, các bộ, ngành cũng đang họp bàn, thống nhất để trình Chính phủ sớm ban hành thêm chính sách nhằm hỗ trợ DN phục hồi" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:

Cần sửa chính sách để doanh nghiệp dễ tiếp cận

8-ba-Hoa

Các chính sách hỗ trợ DN hiện nay cần được sớm sửa đổi theo hướng thông thoáng để DN tiếp cận được. Đơn cử, Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, vừa rồi được sửa đổi nhưng chưa đủ. Chúng ta vẫn sợ lợi dụng chính sách nên quy định rất chặt chẽ nhưng đây lại là rào cản cho DN.

Như để hưởng chính sách về BHXH, phải chứng minh khoảng 50% lao động của mình cho nghỉ việc. Nhưng trên thực tế, DN phải giữ chân người lao động, chỉ tạm nghỉ không hưởng lương thì không được hưởng chính sách này. Quá nhiều thủ tục chặt chẽ như vậy, quy định rất khó đi vào cuộc sống.

Một giải pháp liên ngành có thể triển khai ngay là khuyến khích khách mua tour trước cho những năm sau, DN bán tour nhưng thanh toán cho NH để khách hàng yên tâm và DN cũng có động lực, kinh doanh trở lại. NH sẽ tham gia kiểm soát dòng tiền này, cam kết với khách hàng rồi cho DN vay vốn để duy trì hoạt động.

Ông VÕ ANH TÀI, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group:

Xem du lịch là ngành ưu tiên

8-ong-Tai

Đề xuất Bộ VH- TT - DL tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem ngành du lịch là một trong những ngành ưu tiên hàng đầu trong những gói hỗ trợ, nhất là những chủ trương, chính sách từ Chính phủ, các bộ ngành. Theo đó, DN và người lao động trong ngành du lịch cần được xem là những đối tượng ưu tiên hàng đầu được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của bộ, ban ngành, cơ quan, trong đó có hỗ trợ về tài chính, tín dụng.

Chúng tôi cũng đã đề xuất cơ chế On/Off (Mở/Tắt) đồng bộ của ngành du lịch để làm sao thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa tạo điều kiện tối đa cho ngành du lịch khai thác những cơ hội phục hồi. Cơ chế này cũng cần tính đến những tác động ngành du lịch, trong đó chính sách về tài chính, NH linh hoạt để ứng phó với diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Ông NGUYỄN MINH NGỌC, thành viên HĐQT Công ty Vietravel:

Giảm thuế GTGT để kích cầu du lịch

8-ong-Ngoc

Cần thêm những chính sách hỗ trợ về giảm, giãn thuế, đặc biệt là giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% nhằm khuyến khích người dân đi du lịch. Năm 2002, nhà nước từng có chính sách giảm thuế GTGT xuống 5%, góp phần giảm giá tour từ đó kích cầu người dân đi du lịch, DN cũng có doanh thu, có dòng tiền để phục hồi nhanh hơn... Thực tế, nhiều năm qua, DN du lịch đã đóng thuế nhiều cho ngân sách nhà nước, nay trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn cũng cần sự chia sẻ từ nhà nước để DN vượt qua giai đoạn này.

Ông TRẦN VĂN LONG, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt:

Đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp lữ hành

8-ong-Long

Các DN lữ hành chỉ là đơn vị tổ chức tour tuyến, vốn lớn nhất là thương hiệu và con người, không có tài sản thế chấp nên rất khó để vay NH, vì NH không tin tưởng công ty lữ hành. Ngay các quỹ đầu tư, công ty tài chính cũng chỉ quan tâm rót vốn vào resort, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển… Tuy nhiên, thực tế nếu không có đơn vị tổ chức, khai thác tour để quảng bá du lịch thì khách quốc tế sẽ không vào Việt Nam, tour trong nước cũng không được khai thác mạnh. Lữ hành là một phần quan trọng trong chuỗi liên kết du lịch nên mong phía NH xem xét hỗ trợ, nhà nước có chính sách đúng tầm, bởi các DN lữ hành mới hiểu khách hàng cần gì, mong muốn gì.

Báo Người Lao Động chân thành cảm ơn các đơn vị đã đồng hành, tài trợ cùng tọa đàm:

- Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV

- Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)

- Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

- Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality)

- Công ty CP Đầu tư LDG.

Cần thông thoáng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 8.
Cần thông thoáng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 9.
Cần thông thoáng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 10.
Cần thông thoáng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 11.
Cần thông thoáng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 12.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo