Thi công tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Ngay sau khi tiếp nhận một phần nguồn vốn NSNN, doanh nghiệp dự án đã lập tức đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp hoàn thành dự án vào Quý II-2021 và điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020.
Đề cập về nguồn vốn tín dụng, ông Hồ Minh Hoàng cho biết dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng. Dự án có những khó khăn nhất định về một số điều kiện ký kết hợp đồng giải ngân. Tuy nhiên, hiện những quan ngại về rủi ro từ phía ngân hàng đặt ra, các thủ tục pháp lý đã được nhà đầu tư cơ bản đáp ứng.
Thủ tục pháp lý và các hồ sơ dự án đã được Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang (Cơ quan nhà nước có thẩm quyền) tích cực hoàn thiện và đến thời điểm hiện tại cơ bản hoàn thành. Dự án cũng đã được Kiểm toán Nhà nước vào làm việc, soát xét 2 lần, đó là cơ sở để loại các nhà đầu tư không đồng. Bên cạnh đó, Đại hội đồng cổ đông đã tổ chức thành công, xây dựng lại bộ máy hoạt động của dự án.
Về nguồn vốn tín dụng, các thủ tục pháp lý, những quan ngại về rủi ro trước đây từ phía ngân hàng đặt ra cơ bản nhà đầu tư đã đáp ứng được. Các yêu cầu cụ thể của đơn vị tài trợ vốn được nhà đầu tư tiếp tục làm việc với tỉnh Tiền Giang để từng bước tháo gỡ. Dự kiến, trong tháng 12-2019 sẽ ký kết hợp đồng để đảm bảo đúng theo lộ trình.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, các khó khăn đang dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, do sức ép về tiến độ khi thời gian không còn nhiều, nhà đầu tư đã cùng các nhà thầu dốc hết vốn tự có của mình, nền đất yếu cần được kiểm soát chất lượng thi công ngay từ đầu.
Để khắc phục vấn đề này, khi vốn ngân sách đã bắt đầu rót về, công ty đã tổ chức thi công 3 ca/ngày, không nghỉ lễ, Tết. Các phương án biến động về vật tư đã được tính toán, thực hiện bố trí tăng cường nhân lực, thiết bị thi công, hoán đổi các vị trí điều hành, lắp đặt hệ thống camera giám sát các gói thầu để soát xét các quy trình quản lý dự án chặt chẽ hơn, kiểm soát và đẩy lùi các gian lận với mục tiêu phấn đấu tăng tốc nhưng không để xảy ra tiêu cực thất thoát.
Chủ đầu tư cùng các nhà thầu và đơn vị liên quan đã tăng cường, huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công 3 ca, không nghỉ ngày lễ, ngày Tết. Mục tiêu là năm 2020 thông tuyến và năm 2021 hoàn thành dự án.
Lãnh đạo BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết các quan ngại về tiến độ, nhu cầu vốn đối với dự án, hiện các bế tắc về vốn cơ bản đã được khơi thông. Công ty đã làm việc với lãnh đạo Vietinbank (ngân hàng đầu mối) để rà soát lại các điều kiện giải ngân và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp so với yêu cầu của các ngân hàng nhằm thúc đẩy việc ký kết hợp đồng tín dụng trong tháng 12-2019, tiến tới giải ngân nguồn vốn tín dụng.
"Chủ đầu tư và ngân hàng sẽ cùng nhau xem xét thương thảo tháo gỡ các điều kiện giải ngân còn bị vướng trên tinh thần xác định dự án phải hoàn thành trong 2021, các bên đều thấu hiểu cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và kỳ vọng người dân Đồng bằng sông Cửu Long"- ông Hoàng nói.
Nhà đầu tư đánh giá các về nguồn vốn thực hiện dự án đang trong tầm kiểm soát, tiến độ dự án sẽ được điều chỉnh khi đã xác lập chắc chắn thời gian nguồn vốn của Ngân sách nhà nước còn lại của tỉnh, tiếp đến là phần giải ngân vốn tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới.
Không chỉ kiểm soát chặt chẽ về tiến độ, nhà đầu tư còn kiểm soát chặt về chất lượng dự án.
Thời gian qua, khi nguồn vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỉ đồng và vốn vay tín dụng từ các ngân hàng chưa được cấp về cho dự án, nhà đầu tư và các nhà thầu vẫn chủ động ứng trước vốn và thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng cộng hơn 50 cây cầu đã ra hình hài, cùng với 45 km nền đất yếu đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Khối lượng thi công của dự án hiện đã đạt 27%, tăng 17% trong thời gian 6 tháng so với 1 thập kỷ trước đó chỉ đạt 10%.
Với tư cách Chủ đầu tư đại diện cho các Nhà đầu tư tham gia dự án, lãnh đạo Tập đoàn Đèo cả cho rằng để dự án sớm về đích, vốn ngân sách cần tiếp tục giải ngân, các bên cần ngồi lại với nhau để thu xếp vốn tín dụng, với mục tiêu năm 2020 thông tuyến, năm 2021 hoàn thành với tinh thần "không ai lùi bước, không ai né tránh, hợp tác thúc đẩy, kiểm soát tích cực, chủ động phối hợp".
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT có chiều dài toàn tuyến là 51,1 km, với với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường Cao tốc TP HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho Quốc lộ 1 và là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1.
Sau 10 năm bị đình trệ, hiện dự án đã triển khai 21/21 gói thầu xây lắp, đạt khoảng 27% tổng khối lượng thi công. Được biết, khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời tham gia "giải cứu" dự án, mặc dù không tham gia góp vốn đầu tư vào dự án nhưng sẵn kinh nghiệm "giải cứu", Đèo Cả đã tập trung nhân lực, sắp xếp lại bộ máy quản trị để tham gia quản lý dự án, cùng doanh nghiệp dự án chủ động làm việc với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Thuế, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an để tiến hành rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án, giải quyết các tồn tại trước đây, đồng thời loại bỏ nhà đầu tư 0 đồng, loại nhà thầu yếu kém và điều chỉnh tổng mức đầu tư. Sau khi điều chỉnh, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 12.600 tỉ đồng, trong đó vốn BOT 10.400 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách.
Bình luận (0)