Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) hiện đã đạt 25% tổng khối lượng nhưng theo nhà đầu tư (NĐT), vốn tín dụng cho dự án vẫn chưa được giải ngân nên việc thi công có nguy cơ ngưng trệ.
Làm khó nhà đầu tư?
Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết trong việc giải ngân vốn tín dụng đối với dự án này, khó khăn lớn nhất là nhiều điều kiện ngân hàng đưa ra nằm ngoài khả năng của NĐT. Đơn vị này trước đó đề nghị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) - ngân hàng đầu mối cho vay - thẩm định và tháo gỡ các vướng mắc của hợp đồng tín dụng nhưng hiện vẫn chưa có chuyển biến.
NĐT cho biết cuối tháng 5, Vietinbank có văn bản về việc xem xét chủ trương cấp tín dụng đối với dự án này, các yêu cầu đưa ra rất khó thực hiện, nhất là cơ cấu nguồn vốn. Cụ thể, với phần vốn ngân sách tham gia, ngân hàng yêu cầu bảo đảm 2.575 tỉ đồng (tương ứng 20,5% tổng mức đầu tư). Trong khi phần vốn Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí là 2.186 tỉ đồng thì việc cân đối bố trí thêm vốn nhà nước hỗ trợ cần sự đồng ý của Chính phủ và các bộ - ngành, làm kéo dài thời gian và khó thực hiện.
Một đoạn trong dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận Ảnh: XUÂN GIANG
Ông Hồng cũng cho biết với phần vốn chủ sở hữu, ngân hàng yêu cầu NĐT phải bỏ ra 30% tổng vốn đầu tư (bao gồm phần hỗ trợ của ngân sách) là khoảng 3.765 tỉ đồng. Mức này so với những dự án khác là cao hơn rất nhiều (dự án cao tốc Bắc - Nam và nhiều dự án khác chỉ từ 12%-15%). Mặt khác, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) không tính vào tổng vốn đầu tư để làm cơ sở xác định tỉ lệ vốn chủ sở hữu trong tổng vốn đầu tư tham gia vào dự án. "Theo cách tính của ngân hàng, phần vốn cho vay sẽ gồm cả phần vốn ngân sách đã hỗ trợ, dẫn đến vốn chủ sở hữu yêu cầu đối với NĐT là bất hợp lý" - ông Hồng nói.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn yêu cầu NĐT đàm phán với các tổ chức tín dụng khác để cho vay phần thuế giá trị gia tăng và gửi thông báo cam kết cấp tín dụng (khoảng 930 tỉ đồng) đến ngân hàng đầu mối trước ngày giải ngân đầu tiên. Điều này là rất khó đáp ứng khi thời gian hoàn thuế GTGT phụ thuộc vào việc giải quyết của cơ quan thuế và khả năng ngân sách. "Chưa kể, việc cho vay nguồn thuế này cần tài sản bảo đảm khi vay. Trong khi để bảo đảm nguồn vay, NĐT đã thế chấp dự án tại liên danh 5 ngân hàng nên không còn nguồn để thế chấp từ khoảng 930 tỉ đồng riêng phần thuế này" - ông Hồng cho biết.
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết hiện NĐT đã bỏ ra 2.500 tỉ đồng cho dự án, do ngân hàng đặt ra các điều kiện khó khăn nên một số nhà thầu thời gian qua phải làm bằng nguồn vốn của đơn vị. "Vì vậy, đến tháng 8, nếu vốn hỗ trợ của nhà nước và vốn vay tín dụng không được giải ngân thì chắc chắn dự án không thể tiếp tục thi công" - ông Thủy nói.
Đang kiến nghị ngân hàng xem xét
Trước những vấn đề trên, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết đang kiến nghị VietinBank xác định khả năng tài trợ vốn để hoàn thành việc thẩm định và điều chỉnh hợp đồng tín dụng trước ngày 30-7, đồng thời xác định tỉ lệ cho vay phù hợp; xem xét cơ cấu các ngân hàng đồng tài trợ theo hướng giảm số lượng, tránh việc đưa nhiều điều kiện cho vay chưa phù hợp, khó khăn cho NĐT.
Mặt khác, ngân hàng cần thống nhất áp dụng lãi suất của phụ lục hợp đồng dự án đã ký giữa UBND tỉnh Tiền Giang và NĐT, thực hiện giải ngân ổn định và không tăng lãi vay trong thời gian xây dựng. Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang cho biết đã giải ngân 173 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng tại dự án này và đang chờ Bộ GTVT thẩm định chuyên ngành các thủ tục điều chỉnh. Sau khi hoàn tất sẽ chuyển về địa phương phê duyệt theo thẩm quyền.
Dự án ách tắc, theo các chuyên gia giao thông, đó là vấn đề đáng lo ngại bởi đường về miền Tây hiện không chỉ thiếu mà nhiều tuyến đã quá tải.
Do thay đổi phương án tài chính
Đại diện VietinBank cho biết hiện dự án này chưa có đủ các văn bản pháp quy liên quan thay đổi về tổng mức đầu tư, mức phí, lưu lượng xe, thời gian thu phí… nên chưa có cơ sở để các tổ chức tín dụng đồng tài trợ đánh giá chính xác hiệu quả và khả năng trả nợ. Vì thế, đề nghị NĐT khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để các tổ chức tín dụng đồng tài trợ thẩm định, cho ý kiến chính thức về khả năng tiếp tục cho vay tài trợ dự án.
Đại diện VietinBank cũng nói rõ trước đó, theo phương án tài chính đã ký kết giữa NĐT và Bộ Giao thông Vận tải theo hợp đồng BOT tháng 11-2016, dự án được các tổ chức tín dụng đồng tài trợ cho vay theo hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cho vay tối đa là 6.850 tỉ đồng (chiếm 70% tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng). Vốn tự có tham gia vào dự án chiếm 30% tổng mức đầu tư. Phần thuế GTGT được thu xếp bởi một tổ chức tín dụng khác (khoảng 700 tỉ đồng). Phương án này có sự hỗ trợ lớn từ nguồn thu của trạm thu phí sau này nhưng nay sẽ không được hỗ trợ mà dự kiến thay bằng vốn ngân sách hỗ trợ ngay khoảng 2.154 tỉ đồng. NĐT cho biết dự kiến tổng mức đầu tư của dự án sẽ được điều chỉnh lên 12.550 tỉ đồng (sau thuế GTGT), tăng khoảng 19,5% so tổng mức đã được các tổ chức tín dụng thẩm định. Vì vậy, số tiền tham gia vào dự án của các bên cũng sẽ tăng tương ứng.
Với số tiền cho vay của các tổ chức tín dụng hợp vốn khoảng 6.210 tỉ đồng khi tổng mức đầu tư tăng và phương án tài chính thay đổi thì theo thẩm định sơ bộ, dự án vẫn còn thiếu hụt nguồn trả nợ. Nếu vốn chủ sở hữu không bố trí đủ, đề nghị NĐT làm việc với cơ quan thẩm quyền để tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư cho dự án.
Bình luận (0)