Mở đầu tọa đàm “Điểm tín dụng cá nhân trong vay tiêu dùng” tổ chức ngày 16-6 tại TP HCM, ông Cao Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc CIC, thuật lại: “Chị bảo lãnh cho em gái vay tiền mua xe máy nhưng sau đó, người em vì lý do nào đó quên trả nợ. Hậu quả, người chị bị ghi vào mục nợ xấu trên CIC. Đến khi đi vay tiền ngân hàng, người chị mới vỡ lẽ và lãnh hậu quả do từng có lịch sử nợ xấu”.
Theo ông Bình, CIC đã chấm điểm tín dụng theo chuẩn quốc tế và đã chấm điểm cho tất cả khách hàng vay trong cơ sở dữ liệu của tổ chức này. Được chấm điểm và xếp hạng tín dụng cao, khách hàng cá nhân có thể chứng minh năng lực tài chính khi du học, tuyển dụng nhân sự. Ngược lại, khách hàng có nợ xấu, điểm tín dụng thấp, các tổ chức cấp tín dụng sẽ thẩm định kỹ hơn, điều kiện cấp tín dụng chặt chẽ hơn và lãi suất cũng cao hơn nhằm hạn chế rủi ro.
Hiện nay, các thông tin về hành vi tín dụng của khách hàng cá nhân tại một tổ chức tín dụng đã được chia sẻ cho các đơn vị khác trên CIC. Bà Vương Thủy Tiên, thành viên HĐTV Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam, cho biết thông tin trên CIC được công ty xem là một trong những tiêu chí quan trọng để thẩm định khách hàng trước khi quyết định cho vay. Các thông tin về tình trạng hiện tại của khách hàng như đang nợ ở đâu, nợ bao nhiêu, trả nợ như thế nào, đã nợ quá hạn ở tổ chức nào chưa... đều được Home Credit xem xét kỹ lưỡng.
Nhiều khách hàng do sơ xuất trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc bảo lãnh cho người thân, dẫn đến trả nợ không đúng hạn, bị chuyển thành nợ xấu. Dù số nợ rất nhỏ và đã trả xong nhưng lịch sử nợ xấu vẫn được lưu lại trong 5 năm trên CIC. “Sinh viên vay theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng nên có trách nhiệm với khoản vay bởi đây là cách tốt nhất để giữ uy tín và bảo vệ mình sau này” - ông Cao Văn Bình khuyến cáo.
Dù CIC có vai trò quan trọng trong việc các tổ chức cấp tín dụng, xét duyệt vay vốn nhưng rất nhiều khách hàng vẫn chưa biết đến cổng thông tin này.
Cần bổ sung thông tin
Theo bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TP HCM, hiện nay, các tổ chức tín dụng chưa thông báo đầy đủ cho khách hàng việc cần tra cứu lịch sử tín dụng của mình. Mặt khác, nhiều người vay tiền chỉ quan tâm phải vay được tiền nên không quan tâm đến kênh thông tin quan trọng này.
“Ở những nước phát triển, các trung tâm thông tin tín dụng hoạt động rất bài bản; việc đóng thuế, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại… cũng được ghi vào hồ sơ tín dụng của khách hàng. Khi vay vốn, tổ chức tín dụng sẽ biết khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định mức lãi suất có ưu đãi hay không. Trong khi đó, CIC ở Việt Nam chỉ mới cập nhật dữ liệu từ các tổ chức tín dụng khi phát sinh khoản vay, chứ chưa có dữ liệu khách hàng từ các nguồn khác” - bà Xuân nhìn nhận.
Bình luận (0)