Tăng trưởng nông nghiệp chưa bền vững
Trình bày tóm tắt về Chiến lược, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho biết trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện vai trò vô cùng to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Nông nghiệp đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững, cung cấp đầu vào và tài nguyên cho công nghiệp hóa. Xuất khẩu nông sản không ngừng tăng, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản. Nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng cải thiện, kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao.
Tuy vậy, ông Thắng nhìn nhận khu vực nông nghiệp - nông thôn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng nông nghiệp chậm lại, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên; đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn...
Kho bảo quản nông sản tươi dùng công nghệ điều chỉnh khí tự động đầu tiên tại Việt Nam đặt tại Long An - Ảnh: NGỌC ÁNH
Cùng với đó, người dân nông thôn chưa thực sự làm chủ và cuộc sống còn nhiều rủi ro. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, văn hóa - xã hội còn nhiều tồn tại, vai trò cộng đồng chưa phát huy tốt. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã bộc lộ một số hạn chế. Nhiều địa phương đua nhau phát triển công nghiệp để thúc đẩy kinh tế, bỏ qua nông nghiệp, kể cả những vùng có lợi thế về nông nghiệp.
Vì vậy, ông Thắng cho rằng trong bối cảnh mới, cần có một chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mang tính hệ thống, có định hướng bao quát, dài hạn trong 10 năm và có thể có những tầm nhìn dài hạn hơn nữa. Chiến lược này hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thị trường. "Chiến lược tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện tại, đồng thời đưa ra định hướng giải pháp thúc đẩy khu vực nông nghiệp - nông thôn phát triển bền vững hơn, đạt được những mục tiêu mới trước bối cảnh mới" - ông Thắng thông tin.
Cần thay đổi tư duy
Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng NN-PTNT, nguyên Phó Ban Kinh tế trung ương - cho rằng cần có tư duy mới trong phát triển nông nghiệp, bởi bối cảnh hiện nay có nhiều thời cơ và cả thách thức mới mà chúng ta phải đối mặt. Đó là hiện thực khách quan không thể né tránh như: phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng - mà nước ta sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Chiến lược cũng cần phải xây dựng được mục tiêu, phương hướng lớn. "Chúng ta phải lựa chọn mục tiêu trong 10 năm tới là gì khi xu hướng làm nông nghiệp ngày càng giảm vì đất đai giảm, lao động giảm. Ngành nông nghiệp phải giảm chi phí ở tất cả công đoạn của chuỗi giá trị để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Cùng với đó phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, sinh thái và biến nó thành giá trị kinh tế trong nông nghiệp" - ông Phát nói.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, nhấn mạnh muốn thay đổi tư duy cần phải xuất phát từ khoa học - công nghệ, rồi các mô hình, thể chế chính sách. Từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bà đề xuất về nguồn lực đất đai, cần có đánh giá từng mô hình điểm ở từng lĩnh vực ở các vùng khác nhau để từ đó mới đưa ra từng chính sách cho từng mô hình khác nhau để sau đó hoàn chỉnh thể chế. "Chẳng hạn về rừng. Nhiều cánh rừng đã không còn gỗ, không còn rừng. Tuy nhiên, khi tôi đề xuất trồng một số cây ăn quả có tính chất lâm nghiệp để đất không bị xói mòn nhưng thủ tục rất lâu bởi vướng mắc rất nhiều thứ" - bà Thái Hương nói.
Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, Chiến lược cần nêu đậm nét hơn về những điểm yếu của nền nông nghiệp trong giá trị gia tăng. Cùng với đó, cần làm rõ nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản trong nước để đề ra giải pháp chứ không chỉ nêu bật những thành tựu xuất khẩu. Phải làm sao để người tiêu dùng trong nước có niềm tin với sản phẩm nông nghiệp nội.
Bình luận (0)