TS Nguyễn Đức Thành: Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 109, qua đó xoá bỏ đặc quyền của VFA đang được trao theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP - Ảnh: Văn Duẩn
Sáng 30-3, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Liên minh nông nghiệp, tổ chức hội thảo đánh giá vai trò của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất các giải pháp cải tổ hiệp hội.
Theo báo cáo của nhóm tác giả đến từ VEPR do TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, lịch sử cho thấy việc ra đời của VFA, ngay từ đầu đã không phản ánh đúng nguyên tắc căn bản là "dựa trên sự tự nguyện của các thành viên" mà dựa trên ý chí của bộ phận các cơ quan quản lý nhà nước, với kỳ vọng sẽ trở thành "cánh tay nối dài" của Chính phủ để quản lý ngành gạo.
Theo VEPR, bộ máy quản lý, điều hành của VFA có đầy đủ vị trí, ban bệ nhưng hoạt động rất kém hiệu quả và kém minh bạch.
Nhóm nghiên cứu của VEPR đã thẳng thắn chỉ ra "VFA chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn". Bởi một trong những rào cản lớn nhất đối với việc gia nhập VFA hiện nay, đó là điều kiện "phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ".
Theo VEPR, Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tiêu chuẩn thương nhân xuất khẩu gạo dựa trên quy mô sản xuất và địa bàn hoạt động. Nhiều doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao lại không đủ điều kiện trở thành thành viên của VFA.
"Như vậy, dù VFA có tên đầy đủ là Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhưng không những không bao phủ tới nông dân, thương nhân trung gian, mà còn không dại diện cho quảng đại cộng đồng DN đang hoạt động trong ngành gạo".
Nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng khẳng định "VFA đang không làm tròn vai trò vảo vệ hội viên", bị chỉ trích rất mạnh mẽ khi trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi Nghị định 109, được cho là làm cản trở sự phát triển của hội viên.
"Thực tế VFA đang thực thi vai trò bảo vệ lợi ích cho các DN nhà nước, thay vì đông đảo DN tư nhân thể hiện rõ qua triển khai hợp đồng tập trung. Các quyết định phân bổ của VFA dựa trên cách tiếp cận từ phía quản lý, không dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện của hội viên từ trước.
"Giá gạo theo hợp đồng tập trung trong nhiều trường hợp rất thấp, gây thua lỗ cho DN được phân giao chỉ tiêu và trực tiếp đẩy giá lúa thu mua cho nông dân giảm".
Từ những phân tích nêu trên, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị trong ngắn hạn, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 109, qua đó xoá bỏ đặc quyền của VFA đang được trao theo Nghị định 109.
Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội. Phân vai rõ ràng nhiệm vụ và trách nhiệm giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hiệp hội.
Bình luận (0)