Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT - Bộ Công Thương) vừa thông báo sản phẩm gỗ tấm MDF (Plain Medium Density Fibre Borad) nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam đang bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá. Trước đó, cuối tháng 4, Malaysia cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu, trong đó có 7 doanh nghiệp (DN) Việt Nam nằm ở Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM bị kiện.
Thiếu chủ động
Một luật sư nhận lời hỗ trợ về mặt pháp lý cho một DN xuất khẩu tôn màu ở Bình Dương cho biết DN này từ trước đến nay không hề để ý đến nguy cơ có thể bị khởi kiện cho đến khi nhận được thông báo của Cục QLCT. Theo đó, DN phải gửi trả lời bảng câu hỏi do tòa án Malaysia đưa ra trước ngày 15-5 nhưng đến nay, DN vẫn khẳng định chưa nhận được bảng câu hỏi từ cơ quan nhà nước.
“Không kịp trả lời thì có thể xin gia hạn nhưng qua đó cho thấy chúng ta luôn hành động chậm trễ trong việc đáp ứng các yêu cầu của bên nguyên đơn để vụ kiện diễn ra có lợi nhất cho DN” - vị luật sư nói. Ông cũng cho hay tòa án Malaysia khi tiếp nhận vụ kiện đã thông báo trên công báo của họ, đưa thông tin lên website với bản tài liệu chi tiết dài tới 54 trang. Còn DN Việt Nam phải tìm hiểu trên các trang thông tin của họ chứ không phải được tiếp nhận từ các cơ quan trong nước.
Theo luật sư Lê Thành Kính, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, kinh nghiệm cho thấy xác suất thắng kiện trong vụ kiện sản phẩm tôn màu nói trên khá thấp bởi khâu lưu trữ số liệu của DN Việt Nam thường không bảo đảm tính chính xác.
Riêng vụ kiện của Ấn Độ đối với sản phẩm gỗ tấm MDF, các chuyên gia thương mại cho rằng sự việc này là tất yếu. “Ấn Độ không phải là thị trường quá khó tính. Tuy nhiên, Việt Nam đang chuyển từ nước nhập lượng lớn hàng hóa từ Ấn Độ sang nước xuất khẩu vào thị trường này nên họ sẽ có những biện pháp chống lại hàng hóa của chúng ta để bù đắp phần bị thiệt” - vị chuyên gia này phân tích và cho rằng các vụ kiện từ Ấn Độ có khả năng tiếp tục xảy ra.
Phải “bình thản” đối mặt
Theo bà Nguyễn Chi Mai, Trưởng Ban Phòng vệ thương mại Cục QLCT, một trong những cách phòng vệ của DN thời điểm này chỉ có thể là nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn bị phương án đối mặt với các vụ kiện.
Thế nhưng, ngay bản thân việc cải thiện sức cạnh tranh cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hàng hóa Việt Nam bị kiện nhiều hơn. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường được cải thiện nhờ những ưu đãi về thuế, lãi suất cũng như các cải cách tích cực trong thời gian gần đây đã có hiệu quả. “Có nghĩa là giá cả hàng hóa hấp dẫn với nhiều thị trường hơn và khi xuất khẩu cũng sẽ bị để ý hơn” - ông Huỳnh nói.
Một rào cản khác trong các vụ kiện là Việt Nam chưa được coi là nền kinh tế thị trường nên luôn bị áp thuế bất bình đẳng qua một nước thứ ba khiến thuế suất luôn cao, đồng nghĩa với việc Việt Nam luôn bán phá giá. Do đó, các DN kỳ vọng việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hóa sẽ được định giá căn cứ vào thị trường.
Tuy nhiên, luật sư Huỳnh cho rằng các FTA nếu có thỏa thuận xem Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì cũng chỉ đối tác trực tiếp trong FTA đó công nhận. Hơn nữa, nếu được thừa nhận, hàng hóa của DN không bị tính thuế qua nước trung gian nhưng không phải là không bị kiện bởi còn nhiều yếu tố khác được đối thủ nhắm đến như lãi suất, thuế, chi phí nhân công…
“Hội nhập là đánh đổi và nếu DN quan tâm đến xuất xứ, chất lượng hàng hóa để ứng phó các hàng rào kỹ thuật, cơ quan giám sát nhà nước theo dõi tốt thị trường xuất khẩu nào tăng đột biến để điều phối lại và kiểm tra yêu cầu xuất xứ, trang bị kiến thức cho DN… thì sẽ phòng tránh được rủi ro phần nào” - ông Huỳnh nói.
Tránh phá giá hại nhau
Số liệu của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy trong năm 2014, Việt Nam phải đối mặt với 19 vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại.
Bà Nguyễn Chi Mai cho rằng việc bị kiện thương mại là chuyện bình thường, quan trọng là DN chuẩn bị tâm thế ứng phó. “DN phải làm ăn đàng hoàng. Ngay bản thân DN trong nước còn phá giá hại nhau thì sao đòi hỏi người ngoài nhân đạo được. Cục QLCT đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này nhưng nhiều DN cử nhân viên mới, không có kinh nghiệm đến dự còn những người có trách nhiệm lại không đi!” - bà Mai phản ánh.
Bình luận (0)