Sản lượng mủ cao su năm 2013 đạt 958.900 tấn, tăng 34,4% so năm 2009. Các tỉnh có sản lượng cao là Bình Phước 269.300 tấn, Bình Dương 194.800 tấn, Tây Ninh 165.500 tấn, Gia Lai 89.900 tấn, Kon Tum 37.900 tấn, Đắk Lắk 31.200 tấn.
Thu nhập giảm hơn phân nửa
Diện tích cao su tăng mạnh trong giai đoạn năm 2009 - 2013, do giá cao su tăng cao. Nhiều địa phương xem đây là cây xóa đói giảm nghèo. Chẳng hạn tại Đồng Nai, thu nhập bình quân của người trồng cao su là 57,9 triệu đồng/ha, nhưng đến năm 2013 do giá giảm nên thu nhập cũng giảm theo còn 21,6 triệu đồng/ha.
Thời điểm này giá xuất khẩu cao su khá hấp dẫn, tăng liên tục. Giai đoạn 2001 - 2010 lên 1.634 USD/tấn (năm 2010 lên 3.053 USD/tấn), từ 2011 - 2014, giá bình quân 2.632 USD/tấn (giá cao nhất 3.000 USD/tấn năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2014 giảm mạnh còn 1.979 USD/tấn). Có 144 nhà máy chế biến, công suất lên đến 977.370 tấn, lớn hơn sản lượng cao su mủ khô thu hoạch đến 253.670 tấn. Việc phát triển ồ ạt các nhà máy chế biến không theo quy hoạch đã dẫn đến tình trạng mất cân đối trong vùng nguyên liệu chế biến.
Giá mủ cao su giảm mạnh, nông dân không có lãi
Tổng khối lượng cao su xuất khẩu năm 2013 đạt 1,091 triệu tấn, tăng 6,7% về lượng so với năm trước, nhưng giá trị chỉ đạt 2,52 tỉ USD, giảm 11,7% do giá xuất khẩu bình quân giảm 17,2%, từ 2.795 xuống còn 2.315 USD/tấn. Giá cao su trong nước những tháng đầu năm giảm khá cao. Mủ cao su tươi nông dân chỉ bán được với giá 7.500-8.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu cao su sơ chế giao dịch từ 36-41 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành 40 triệu đồng/tấn. Những năm tới, Việt Nam có thêm 400.000 ha cao su đưa vào khai thác sẽ tạo áp lực lớn cho tiêu thụ.
Tại sao đốn bỏ cao su?
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, diện tích cao su thanh lý và chuyển đổi 6 tháng đầu năm 2014 lên đến 3.856 ha. Cụ thể có 3.123 ha cao su già cỗi, hoặc bị bão không phục hồi được, nông dân phải tiến hành tái canh. Sở dĩ nông dân mạnh dạn tái canh là do thời gian qua, giá cao su xuống thấp.
Khoảng 733 ha cao su trồng mới hoặc bắt đầu kinh doanh chuyển đổi tự phát sang cây trồng khác. Trong đó có 388 ha cao su (từ 3-4 năm tuổi), trước đây khi giá lên cao, người dân trồng trên đất thấp, trũng không phù hợp, thiếu chăm sóc tại Tây Ninh hoặc trồng trên đất dốc, xấu tại Bình Phước và Đắk Nông làm cho vườn cây sinh trưởng thấp, không đồng đều. Từ đó nông dân tiến hành phá bỏ trồng cây khác như khoai mì ở Tây Ninh, chanh dây ở Đắk Nông.
Khi cao su có giá cao nông dân tranh thủ trồng cao su xen trong vườn tiêu, cà phê và chờ cao su lớn lên sẽ đốn bỏ cà phê, tiêu nhưng hiện nay giá cà phê, tiêu đang cao, trong khi giá cao su lại xuống thấp. Do vậy, để bảo đảm thông thoáng vườn cây nông dân tiến hành đốn bỏ cao su. Do đó, thời gian qua có hiện tượng nông dân đốn bỏ cao su để giữ lại cây trồng có giá trị cao hơn với diện tích nhỏ, lẻ.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tình trạng trên là do khi giá mủ lên cao, mọi người đổ xô trồng cao su, cả ở những vùng đất không phù hợp. Khai thác theo kiểu chụp giật, cây cao su mới 4-5 năm đã đưa vào khai thác mủ (chỉ lấy được mủ nước, không có nhựa, chất lượng kém) dẫn đến suy dinh dưỡng. Chưa hết, khi giá mủ cao su cao, mọi người đua nhau vay tiền ngân hàng để trồng, nay giá xuống thấp họ bị lỗ nặng do lãi vay ngân hàng.
Theo Cục Trồng trọt, thị trường xuất khẩu cao su đang gặp khó khăn do cung vượt cầu. Thế giới thừa tới 652.000 tấn cao su trong năm 2014, thay vì 366.000 tấn như dự báo. Thị trường cao su sẽ còn tiếp tục dư thừa trong 2 năm tới, năm 2015 thừa 483.000 tấn, năm 2016 thừa 316.000 tấn. Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế cũng dự báo thặng dư cao su toàn cầu năm nay cao hơn khoảng 241.000 tấn so với dự báo hồi cuối năm ngoái. Sản lượng sẽ tăng 12,1 triệu tấn.
Bình luận (0)