Điện mặt trời (ĐMT) mái nhà phát triển bùng nổ trong một thời gian ngắn dẫn đến dư điện. Tại hội nghị tổng kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, cho biết Việt Nam tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do dư nguồn cung.
Cắt giảm 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo
Theo thống kê của EVN, sản lượng điện phát từ ĐMT trên toàn quốc năm 2020 là 10,6 tỉ KWh (trong đó ĐMT mái nhà là 1,15 tỉ KWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Ông Nguyễn Đức Ninh cho biết trong năm 2020, cơ quan điều tiết phải giảm 365 triệu KWh ĐMT không khai thác do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung. Đến nửa cuối tháng 11-2020, do tăng trưởng nóng trang trại ĐMT và ĐMT áp mái, ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm số giờ do dư nguồn, tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu KWh.
Một tòa nhà ở TP Đà Nẵng sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Từ năm 2017, Chính phủ ban hành cơ chế FIT lần 1 với giá mua ĐMT cho tất cả loại hình là 9,35 cent/KWh, có hiệu lực đến ngày 30-6-2019. Chỉ trong một thời gian ngắn, các dự án ĐMT ồ ạt được cấp phép. Đến tháng 6-2020, Chính phủ ban hành Quyết định 13 với biểu giá FIT 2 là giá mua ĐMT trên mặt đất là 7,09 cent/KWh, giá ĐMT nổi trên mặt nước là 7,69 cent, ĐMT mái nhà là 8,38 cent/KWh. Đến ngày 31-12-2020, Quyết định 13 hết hiệu lực, các nhà đầu tư trở lại tình trạng chờ đợi biểu giá mới.
Theo ông Phạm Quế Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Inter Solar, giá FIT 3 sắp tới nếu được tính toán ban hành theo hướng ưu tiên ĐMT mái nhà phân tán và có sự chênh lệch giá giữa các vùng theo tỉ lệ bức xạ sẽ có tác dụng thúc đẩy các dự án ĐMT mái nhà thực thụ bùng nổ, hạn chế các dự án ĐMT công nghiệp, trang trại.
Ông Phong phân tích: "Việc quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến đại đa số dự án ĐMT mái nhà hiện nay là ĐMT trang trại "đội lốt" ĐMT mái nhà. Cả nước có hơn 100.000 dự án ĐMT mái nhà với tổng sản lượng điện gần 10.000 MWp nhưng chỉ 20% là ĐMT mái nhà đúng nghĩa, lắp trên các công trình xây dựng có phép là mái nhà dân, mái trụ sở văn phòng, nhà hàng, khách sạn, KCX-KCN…, còn lại là nhà đầu tư ĐMT trang trại núp bóng ĐMT mái nhà để hưởng mức giá 8,38 cent/KWh thay vì 7,09 cent/KWh".
Ông Phong dự đoán giá mua ĐMT mái nhà năm 2021 sẽ giảm theo xu hướng giảm giá thiết bị lắp đặt trên thế giới, song mức giảm sẽ không nhiều. "Những hộ gia đình, doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh, cơ quan hành chính… lắp đặt ĐMT mái nhà để sử dụng và nhu cầu sử dụng trên 50% không nên lo lắng. Giá mua điện rẻ hơn nhưng ngược lại, chi phí đầu tư ban đầu cũng rẻ hơn, vấn đề là nhà đầu tư tự chủ được nguồn điện sử dụng theo đúng chính sách của nhà nước sẽ khuyến khích người dân lắp đặt, sử dụng ĐMT mái nhà để giảm áp lực thiếu điện trong thời gian tới" - ông Phong nói.
Về giá FIT ĐMT, một số DN cho rằng việc điều chỉnh giá FIT hằng năm là hợp lý bởi giá công nghệ, thiết bị ĐMT trên thế giới biến động theo từng năm theo xu hướng ngày càng rẻ nên giá mua ĐMT cũng cần được điều chỉnh tương ứng.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo, trong đó có hơn 500 triệu KWh do dư nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc.
Giải bài toán truyền tải
Theo PGS-TS Bùi Thiên Dụ, nguyên giảng viên Khoa Điện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cần xây dựng lộ trình chính sách phát triển lâu dài, minh bạch, hướng đến bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là người dân đã lắp đặt ĐMT mái nhà.
"Ngoài những hộ gia đình lắp đặt mái nhà để sử dụng, còn lại đều mong muốn chính sách ổn định để có thể bán điện, nhanh chóng thu hồi vốn. Do đó, với ĐMT mái nhà, cần có cơ chế riêng bền vững hơn để người dân không còn e ngại. Chính phủ, Bộ Công Thương cần tính toán kỹ để không lặp lại những vấn đề đã nảy sinh như vừa qua, chính sách phải liền mạch.
Về việc dự kiến cắt giảm 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo trong năm 2021, ông Bùi Thiên Dụ cho rằng: "Việc cắt giảm là chưa hợp lý, phải tìm giải pháp để giải quyết vướng mắc, phát triển năng lượng tái tạo bền vững. Cần sớm giải quyết bài toán về hạ tầng truyền tải bằng việc thu hút các nguồn lực, để tư nhân tham gia, nhà nước quản lý trên cơ chế thu hồi vốn cho nhà đầu tư, giải tỏa được công suất vừa bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia". Theo vị chuyên gia, phát triển ĐMT có kiểm soát chặt chẽ và đầu tư hạ tầng truyền tải thì mới có thể bền vững.
Ông Nguyễn Đức Ninh cho biết để giảm bớt việc phải cắt giảm lượng lớn công suất, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị điều chỉnh giờ phát của các thủy điện nhỏ, đặc biệt là ở khu vực miền Trung sang các giờ khác, tránh khung từ 11 giờ đến 13 giờ, vốn là thời gian bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày. Phân bổ lại công suất phát của ĐMT áp mái, hiện tỉ trọng của ĐMT áp mái so với trang trại ĐMT đã xấp xỉ 90%. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương có cơ chế, nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống thừa hoặc quá tải lưới điện. Bởi lẽ, hiện cơ quan này đang rất lúng túng trong thứ tự huy động nguồn, huy động còn gắn với việc thủy điện xả thừa, huy động cả nguồn điện BOT có bao tiêu.
Do phát triển thiếu tầm nhìn
Theo PGS-TS Bùi Thiên Dụ, việc phát triển ĐMT thiếu tầm nhìn đã dẫn đến không giải tỏa hết công suất. Các vấn đề về lưới truyền tải đã không được tính toán, kiểm soát chưa chặt chẽ các công trình ĐMT. Các cơ chế, chính sách về phát triển ĐMT thời gian qua đều thiếu tính bền vững, chủ yếu là chắp vá. Dẫn chứng cho việc này, ông Bùi Thiên Dụ cho biết khi Quyết định 11 về khuyến khích phát triển ĐMT hết hiệu lực, nhà đầu tư, người dân đã phải "ngóng" một thời gian dài để có chính sách mới thay thế đó là Quyết định số 13. Theo phân tích của vị chuyên gia này, các chính sách không dài hơi dẫn đến phát triển ồ ạt, gây áp lực lên việc giải tỏa công suất. Nếu "tuổi thọ" của chính sách đủ cho các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng khi triển khai thì sẽ không phải chạy theo hạn chót như thời gian qua. Ông Dụ nhấn mạnh thêm vừa qua chúng ta khuyến khích phát triển ĐMT, với cơ chế hấp dẫn, nhưng đến nay do thiếu sự đồng bộ về lưới điện, phải cắt giảm công suất như dự báo của EVN là "đẩy rủi ro" về phía nhà đầu tư, người dân.
M.Chiến
Bình luận (0)