Nghỉ hưu từ tháng 4-2020 nhưng ông Trương Thái Sơn, công nhân Đội Quản lý Điện quận 5 Công ty Điện lực TP HCM (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP), vẫn được công ty giữ lại, ký hợp đồng thời vụ để tiếp tục làm công việc hướng dẫn những thợ điện trẻ, mới vào nghề.
Chịu khó quan sát, ghi nhận
So với thời gian trước khi nghỉ hưu, công việc của ông Trương Thái Sơn không có nhiều thay đổi. Hằng ngày, ông vẫn đi kiểm tra các tủ điện trung thế, trạm biến áp, có lịch sửa chữa thi công ở đâu thì cùng anh em trong đội đi làm.
"Nhiệm vụ chính của tôi là hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho các bạn trẻ. Thế nhưng, tụi nhỏ làm tới đâu là tôi làm tới đó hoặc làm nhiều hơn chứ ngồi không chỉ việc thì tôi không chịu được" - ông thẳng thắn.
Tò mò, chúng tôi đề nghị ông Sơn cho tháp tùng một buổi làm việc. Dẫn chúng tôi đến Trạm biến áp Hồng Bàng, ông cẩn thận kiểm tra các thiết bị xem có vận hành an toàn hay không. Ông diễn giải: "Với các trạm biến áp, việc quan trọng là phải kiểm tra xem dòng tải có cân bằng không; nếu không cân bằng sẽ dẫn đến quá tải, sinh nhiệt cao, cần khắc phục ngay vì nhiệt cao quá thì CP tự ngắt gây mất điện toàn khu vực".
Ông Sơn cho biết theo lịch làm việc hôm nay, ông cùng một số thành viên trong đội thi công ở Trạm biến áp 110 KV Hùng Vương. Thế nhưng, "chỗ đó người không có phận sự không được vào nên tôi chỉ giới thiệu với cô công việc đơn giản".
Ông Trương Thái Sơn kiểm tra Trạm biến áp Hồng Bàng, quận 5, TP HCM
Năm 2001, ông Trương Thái Sơn chuyển công tác từ Nhà máy Điện Chợ Lớn về Đội Quản lý lưới điện quận 5 Công ty Điện lực Chợ Lớn. Nói về công việc gắn bó với mình suốt 20 năm, ông kể một cách say sưa. Thỉnh thoảng sực nhớ, ông quay qua hỏi: "Tôi nói chuyên môn quá, cô hiểu hết không?".
Những kiến thức chuyên môn được ông Sơn rèn luyện mỗi ngày qua công việc thực tế và tìm tòi nghiên cứu, học hỏi qua sách vở. Hàng chục sáng kiến của ông lần lượt ra đời cũng từ thực tiễn công việc mỗi ngày. Từ năm 2009, mỗi năm ông Sơn cho ra đời vài sáng kiến. Riêng năm 2019, ông có đến 4 sáng kiến được báo cáo và ứng dụng trong công tác của đơn vị.
"Khi ra công trường, công nhân sẽ có cái nhìn bao quát toàn bộ khâu nào nhanh, khâu nào chậm, khâu nào có những vướng mắc, cản trở công việc có thể cải tiến được… Tôi chịu khó quan sát và ghi nhận lại, nghĩ cách phải làm sao để thi công hiệu quả hơn, đỡ mất sức anh em hơn rồi báo cáo lãnh đạo để ứng dụng" - ông Sơn nói về các sáng kiến của mình.
Ngoài ra, với kiến thức góp nhặt được từ khi còn làm công nhân sửa chữa điện ở tổ cao thế thuộc Phân xưởng Cơ - Điện Nhà máy Điện Chợ Quán, cũng như những kiến thức tự học trong thời gian đó, ông Sơn mày mò tìm hiểu về thiết bị dùng trong thi công, sửa chữa điện và nêu ra nhiều sáng kiến cải tiến hữu ích.
Làm lợi nhiều tỉ đồng
Đánh giá về năng lực làm việc của công nhân Trương Thái Sơn, trong hồ sơ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình lên Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động có đoạn ghi: Luôn luôn là người đảm nhận và chịu trách nhiệm chính trong các công tác quản lý, sửa chữa, tiểu tu lưới điện; luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hết lòng và trách nhiệm trong công việc của mình; thực hiện nghiêm túc việc trang bị đầy đủ các dụng cụ an toàn bảo hộ lao động; thực hiện đúng, đủ, nghiêm các biện pháp an toàn, các quy định về kỹ thuật an toàn điện; luôn có chế độ giám sát chặt chẽ ở công trường, không để xảy ra tai nạn lao động…
Là cá nhân dẫn đầu trong việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Tổng Công ty Điện lực TP HCM và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, ông Sơn đã có hơn 30 sáng kiến được công nhận và đưa vào áp dụng thực tiễn trong công tác cũng như làm giáo trình đào tạo công nhân mới. Các sáng kiến của ông có giá trị làm lợi cho ngành điện nhiều tỉ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn đánh giá ông Sơn có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo đồng nghiệp và thế hệ trẻ; trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh...
Tất thảy anh em trong Đội Quản lý Điện quận 5 đều xác nhận ông Sơn không hề giấu nghề. Trước khi nghỉ hưu, ông đã tập hợp tất cả những ghi chép, lưu ý của mình trong công việc và gửi cho công ty. Trong công việc hằng ngày, là đàn anh đi trước, để ý thấy anh em nào còn yếu tay nghề hay lý thuyết về kỹ thuật an toàn điện, ông đều chủ động hướng dẫn, kèm cặp, chỉ dẫn tận tình để họ nắm bắt công việc, cùng nhau thực hiện công tác tốt hơn.
"Với một người thợ sửa chữa, quản lý đường dây và trạm, cần phải nắm được kỹ thuật điện, kỹ thuật đường dây lưới điện, phải am hiểu rõ thiết bị về mặt nguyên lý và kết cấu mà mình đang quản lý như: máy cắt trung thế, máy biến thế, động cơ…; phải biết gia công cơ khí tốt để khi thi công, lắp đặt thiết bị được nhanh chóng, giúp dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ. Riêng đối với anh em bậc thợ thấp hay học sinh thực tập thì các kiến thức bao quát này sẽ có người không hiểu, không nắm bắt được. Với anh em thợ trẻ, bậc thấp, học sinh thực tập, ngoài việc hướng dẫn chuyên môn, tôi luôn quan tâm nhắc nhở họ phải xem trọng việc trang bị an toàn nơi làm việc. Trước khi công tác phải có ý thức trong việc kiểm tra thực hiện tiếp địa, rào chắn nơi công trường…" - ông Sơn dẫn chứng. Mong muốn lớn nhất của ông là tất cả cùng am hiểu nhằm thực hiện công tác được tốt hơn, đúng kỹ thuật, giúp lưới điện luôn được vận hành tin cậy, an toàn.
"Nghỉ hưu nằm nhà 1 tháng, dù vẫn làm việc nhà, thỉnh thoảng gặp gỡ, thăm hỏi bà con, bạn bè nhưng mỗi ngày với tôi đều rất dài. Tôi nhớ anh em, nhớ công việc và nhận ra mình luôn đam mê công việc của một người thợ điện. Mỗi ngày được ra công trường, được gặp anh em là rất quý" - ông Sơn tâm sự.
Cái tên Trương Thái Sơn đã trở nên quá quen thuộc trong ngành điện bởi thường xuyên được xướng lên trong các kỳ tổng kết, tuyên dương của Công ty Điện lực Chợ Lớn, Tổng Công ty Điện lực TP HCM rồi bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giải thưởng Tôn Đức Thắng, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh...
Đến nay, trong hơn 30 sáng kiến của ông Sơn, cái áp dụng tại đơn vị, cái được Tổng Công ty Điện lực TP HCM công nhận và báo cáo về tập đoàn. Trong đó, không ít sáng kiến làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Chẳng hạn, sáng kiến "Cải tiến, thay thế để sửa chữa kềm ép thủy lực 12T dùng pin" làm giảm chi phí mua sắm thiết bị 500 triệu đồng; "Cải tiến tay thao tác giá đỡ chì ống RMU hiệu Siemens kiểu 8 DJ 10.16" làm lợi, giảm chi phí đầu tư mua sắm, sửa chữa thiết bị máy cắt trung thế khoảng 200 triệu đồng; "Cải tạo phục hồi các kềm ép tay thủy lực 12 tấn đã thanh lý để sử dụng lại" là giải pháp giúp đơn vị tăng hiệu quả công tác, góp phần tăng năng suất lao động cho đơn vị, làm lợi 150 triệu đồng; "Chống chim đậu trên đà trung thế gần điểm hở" làm lợi khoảng 100 triệu đồng…
"Giờ không còn là công nhân chính thức, tôi sẽ không trực tiếp làm sáng kiến nữa mà sẽ chỉ dẫn anh em làm" - ông Sơn hào sảng.
Bình luận (0)