xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chậm bỏ quy định vô lý, doanh nghiệp gas bế tắc

NGỌC ÁNH - NGUYỄN HẢI

Điều kiện kinh doanh gas quá khó khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh hoạt động bất hợp pháp, chờ ngày sửa quy định

Ngày 15-5 là thời hạn chót chuyển tiếp 2 năm theo Nghị định 19 về kinh doanh khí. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) gas đang rơi vào cảnh không đủ điều kiện hoạt động vì 2 năm qua không đầu tư để đáp ứng điều kiện mà tập trung "kêu cứu" mong Chính phủ sửa nghị định để được hoạt động theo nguyên trạng.

Trạm nạp lo phá sản

Sở Công Thương TP HCM vừa có văn bản gửi một số DN sở hữu trạm nạp gas trên địa bàn yêu cầu ngưng nạp gas do không đáp ứng quy định theo Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí. Lý do là DN chưa cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện làm DN gas đầu mối (DN có sở hữu vỏ bình gas, có thương hiệu riêng). Theo Nghị định 19, từ ngày 15-5-2018, trạm nạp gas phải thuộc sở hữu của DN đầu mối, để tiếp tục hoạt động các trạm nạp gas phải đầu tư cơ sở vật chất để "lên đời" là DN đầu mối hoặc phải bán mình cho một DN đầu mối khác.

Chậm bỏ quy định vô lý, doanh nghiệp gas bế tắc - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp gas bế tắc do điều kiện kinh doanh quá khó Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Gas Thanh Bình (TP HCM), đang là tổng đại lý gas có sở hữu trạm nạp công suất 30 tấn/ngày - vô cùng lo lắng về khả năng phá sản trong những ngày tới. "Chúng tôi đã đầu tư vào trạm nạp 100 tỉ đồng, sử dụng 60 lao động, cung cấp gas cho 50 đại lý bán lẻ, 150 khách là nhà hàng, khách sạn, trường học… nếu phải dừng hoạt động, thiệt hại sẽ rất lớn" - ông Bình bức xúc. Theo ông Bình, 2 năm qua, công ty ông đã liên hệ, tìm kiếm các DN đầu mối hiện tại để liên kết, sáp nhập nhưng không đơn vị nào chấp nhận. Khó khăn nhất là định giá tài sản DN và những quy định trong lĩnh vực liên kết, sáp nhập quá phức tạp.

Ông Trần Thanh Trúc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Hải Việt (sở hữu trạm nạp Mai Hạnh và Tân Hải Việt tại TP HCM), cho biết thị trường gas đang khủng hoảng thừa nên Tân Hải Việt chỉ thực hiện chiết nạp gas gia công và phân phối gas cho các thương hiệu mạnh. Bởi lẽ, với thị trường khó như hiện nay, đầu tư thêm vỏ bình, kho chứa và bán hàng theo thương hiệu mới sẽ lỗ.

Theo Sở Công Thương, các trạm nạp tại TP HCM gặp vướng mắc đều là trạm chiết gia công cho gas Saigon Petro, chưa từng vi phạm về chiết nạp lậu và hoạt động trên 20 năm. Trước vướng mắc của các DN, sở đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị cho phép các trạm nạp trên tiếp tục hoạt động đến khi có nghị định mới. "Đối với các trạm nạp, chỉ nên quản lý về điều kiện an toàn, không nên buộc các trạm nạp phải thuộc sở hữu của DN gas đầu mối. Để ngăn ngừa tình trạng nạp gas lậu, các trạm nạp phải ký hợp đồng độc quyền nạp gas cho DN gas đầu mối, trường hợp muốn nạp gas cho thương hiệu khác, phải có sự chấp thuận bằng văn bản của DN có hợp đồng độc quyền" - Sở Công Thương nêu.

Vốn quá lớn

Thời gian qua, một số DN bắt đầu phát triển thương hiệu gas riêng (được xếp vào DN gas đầu mối) gặp vướng bởi quy định phải có bồn chứa 300 m3 và có ít nhất 100.000 vỏ bình, phải sở hữu trạm nạp cũng như thiết lập hệ thống phân phối. Ông Trần Trung Nhật, Giám đốc Công ty Gas Thái Dương (Tây Ninh), cho biết trước đây, công ty cũng đã đầu tư tương đối nhưng 2 năm qua, phải chi thêm 20 tỉ đồng để có bồn chứa, vỏ bình đáp ứng điều kiện kinh doanh. Không phải DN nào cũng có điều kiện như DN trên nên đa số đều "chịu trận" không thể đáp ứng điều kiện theo quy định. Theo Công ty Gas Phát Vinh (TP HCM), để đáp ứng điều kiện trên phải tốn từ 50-70 tỉ đồng, trong đó nặng nhất là vỏ bình (47 tỉ đồng), trạm nạp (10 tỉ đồng), bồn chứa (6 tỉ đồng) chưa kể các chi phí về thuê đất, xây dựng, vận hành - đây là khoản đầu tư quá lớn đối với DN.

Ông Lê Minh Lợi, Giám đốc Công ty Gas Thành Lợi (Thừa Thiên - Huế), cho biết đến thời điểm có khá nhiều DN ở khu vực miền Trung, miền Bắc ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng chờ quy định mới. Riêng DN của ông cũng đã chuyển sang làm gia công cho các công ty khác. Ông Lợi cho biết công ty đã đầu tư gần 20 tỉ đồng để sở hữu gần 50.000 vỏ bình, bồn chứa gần 100 m3 và trạm chiết nạp gas nhưng không đầu tư tiếp vì thị trường quá nhỏ, nếu đầu tư tiếp sẽ lãng phí. Để đầu tư phải vay vốn ngân hàng sẽ chịu gánh nặng về tài chính.

Trước đó, trong tờ trình gửi Chính phủ về giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ liên quan đến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19 về kinh doanh khí, Bộ Công Thương nhấn mạnh quan điểm đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đang là rào cản cho sự phát triển của DN. Các thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam, cả các DN lớn, đã đủ điều kiện kinh doanh cũng ủng hộ quan điểm này dù nghị định mới có thể giúp nhiều DN vừa và nhỏ chính thức tham gia thị trường, cạnh tranh khốc liệt hơn. Các DN cho rằng đối với ngành gas, vấn đề cần quản lý là an toàn phòng chống cháy nổ; về quy mô, hệ thống phân phối, cơ sở vật chất DN có thể thuê, không nhất thiết phải sở hữu. 

Bí chỗ chứa

Nghị định 19 còn yêu cầu các đại lý gas phải bảo đảm tồn trữ 3 ngày lưu thông. Tuy nhiên, các cửa hàng bán lẻ gas hiện nay đều có diện tích nhỏ, không được trữ quá 1 tấn gas (khoảng 80 bình 12 kg) để bảo đảm về phòng cháy chữa cháy, nhiều cửa hàng gas phải nhận gas 2 lần/ngày để đủ hàng bán. Sở Công Thương TP HCM đã kiến nghị bỏ yêu cầu cửa hàng phải tồn trữ hàng vì việc yêu cầu tồn trữ chỉ phù hợp với DN gas đầu mối và tổng đại lý, nơi có trang bị kho chứa.

NG.ÁNH

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo