Còn nhiều con số khác trong báo cáo của Chính phủ cho thấy cân đối ngân sách năm nay không dễ dàng. Chẳng hạn, thu NSNN cả năm ước đạt hơn 1,32 triệu tỉ đồng, hụt 189.200 tỉ đồng, tương đương giảm 12,5% dự toán. Trong khi đó, ước tổng chi NSNN gần 1,687 triệu tỉ đồng, giảm 60.890 tỉ đồng, tương đương giảm 3,5% so với dự toán. Như vậy, bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán.
Bức tranh cân đối thu - chi ngân sách càng không mấy sáng sủa khi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới nhưng cũng có tới 115.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể và không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Trong đó có đến 38.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,8% so với cùng kỳ.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trong kỳ họp đang diễn ra đã đồng tình với giải thích của Chính phủ cho rằng đại dịch Covid-19 góp phần "bào mòn" NSNN. Dịch bệnh khiến cho những khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và dầu thô đều không đạt dự toán, mặc dù cơ quan quản lý đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nợ đọng thuế... Ủy ban này đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn khả năng thu NSNN, nhất là thu tiền bán cổ phần nhà nước, thoái vốn nhà nước tại DN và các tổ chức kinh tế... để có giải pháp điều hành phù hợp.
Doanh nghiệp và người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá áp lực thu ngân sách 3 tháng cuối năm rất lớn, khiến cho việc cân đối thu - chi, giảm bội chi sẽ rất chật vật. Tuy vậy, trong bối cảnh khó có thể cải thiện nguồn thu thì việc cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả mới là điều quan trọng nhất. Nhiều giải pháp được vị chuyên gia đưa ra là tinh giản biên chế, cải cách định mức chi thường xuyên, tuyệt đối tránh sử dụng lãng phí tài sản công, công trình sự nghiệp... "Giảm chi ngân sách cũng là một cách để tăng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng GDP trong bối cảnh bình thường và khi dịch bệnh. Ngoài ra, càng trong lúc khó khăn càng cần tạo cơ chế mở để DN có thể tồn tại, phát triển, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho các năm sau, không thể nóng vội đòi hỏi tăng thu trong một năm đặc biệt như 2020" - TS Vũ Đình Ánh lưu ý.
Một chỉ tiêu quan trọng khác trong tổng thể bài toán vĩ mô là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm tăng 3,85%, tiệm cận mục tiêu kiểm soát lạm phát trong giới hạn 4% được Quốc hội thông qua. Mặc dù cơ quan quản lý và giới chuyên gia đều cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát có thể hoàn thành nhưng do dư địa rất hẹp nên việc thực hiện không dễ dàng.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), nhận định xu hướng giảm giá thịt heo cùng tâm lý thắt chặt chi tiêu do tác động lâu dài của dịch Covid-19 có thể giúp lạm phát 2 tháng cuối năm giảm đáng kể. Như vậy, lạm phát trung bình cả năm vẫn trong vòng kiểm soát nếu không có tình huống phát sinh bất ngờ liên quan đến diễn biến giá xăng dầu và lương thực, thực phẩm.
Tuy nhiên, điều cần quan tâm hơn cả là kìm hãm lạm phát quá mức lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cơ quan điều hành phải lựa chọn một trong 2 mục tiêu là lạm phát hay phát triển, hoặc hài hòa cả 2 mục tiêu. "Tăng chi tiêu công thông qua đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và kích cầu tiêu dùng có thể thúc đẩy tăng trưởng thì không cần thiết phải giữ lạm phát quá chặt tay" - TS Nguyễn Đức Độ lưu ý.
Bình luận (0)