Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), rất nhiều nhà đầu tư đang "chạy đua" với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước 30-6. Theo kế hoạch, có đến 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện chỉ trong các tháng 4, 5, 6-2019.
Tính đến giữa tháng 4-2019, toàn hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy điện (NMĐ) mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW thì đến ngày 26-5, Trung tâm đã đóng điện 34 nhà máy mặt trời, với tổng công suất lên tới gần 2.200 MW. Đến ngày 30-6, sẽ tiếp tục đóng điện 54 dự án còn lại. Kéo theo đó là khối lượng công việc khổng lồ tại các cấp điều độ, khi phải đóng điện trung bình 10 nhà máy/tuần.
Sáng 28-5, tại Hội thảo tìm giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia do Báo Tiền Phong tổ chức, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, xác nhận trong 3 tháng trở lại đây, số dự án điện mặt trời đóng điện đã tăng kỷ lục.
Rất nhiều nhà máy điện mặt trời đang "chạy đua" để vận hành thương mại trước 30-6 nhằm hưởng chính sách ưu đãi giá bán điện 9,35 cent/kWh
Theo ông Lực, tính đến tháng 4-2019 có 13 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.000 MW vận hành. Đến tháng 5 số dự án đã tăng lên con số 60 với tổng công suất 3.000 MW và dự kiến đến hết tháng 6 con số này sẽ còn tăng cao.
Bên cạnh đó, đã có 332 dự án đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 26.200 MW đến năm 2030. Trong đó, 121 dự án đã được duyệt với tổng cộng 9.400 MW, còn 211 dự án tổng 16.800 MW.
Dự kiến, tổng công suất điện mặt trời đạt được vào năm 2020 khoảng 6.500 MW, đến năm 2025 tăng lên 20.000 MW, năm 2030 khoảng 30.500 MW. Trong khi theo quy hoạch, công suất tương ứng là 850 MW năm 2020, 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.
"Công suất điện mặt trời được bổ sung quy hoạch cao hơn so với dự kiến trong quy hoạch điện VII điều chỉnh do có cơ chế khuyến khích từ Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ" – ông Lực nêu.
Theo thống kê của Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo, các dự án điện mặt trời thời gian qua tập trung ở miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk. Việc bổ ung quy hoạch tập trung ở một số tỉnh dẫn đến quá tải hệ thống truyền tải hiện có, cần phải đầu tư lưới điện 220-250 kV đồng bộ để giải tỏa công suất. Ngoài ra, điện mặt trời vận hành không ổn định do phụ thuộc thời tiết. Vì vậy, "cần tính toán kỹ lưỡng và có giải pháp phù hợp để bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định khi tích hợp lượng công suất lớn điện mặt trời vào hệ thống" - đơn vị này lưu ý.
Trước diễn biến các dự án điện mặt trời "chạy" tiến độ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức phát thông báo sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhiều dự án điện mặt trời vào vận hành tới đây.
Theo đó, EVN và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã và đang gấp rút tiến hành nghiệm thu và kiểm tra điều kiện để đóng điện, hòa lưới các dự án điện mặt trời. Đồng thời, tạo điều kiện để các chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời kịp hòa lưới vào vận hành chính thức trước 30-6 nhằm tận dụng chính sách ưu đãi theo Quyết định 11 của Chính phủ.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết Tập đoàn đã đề xuất với Chính phủ bổ sung phát triển các dự án lưới điện. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, thi công các công trình lưới điện liên quan, góp phần giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời.
Bình luận (0)