Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh việc nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) xin vận hành chính thức 21 năm khiến người dân lo ngại ô nhiễm môi trường, bà Vũ Thị Hồng Bích, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến (đơn vị tiếp quản, vận hành nhà máy sô đa Chu Lai), đã có những trao đổi về các vấn đề liên quan.
Bà Vũ Thị Hồng Bích, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến trao đổi với phóng viên
Theo bà Bích, nhà máy trên gặp sự cố môi trường nên dừng hoạt động từ năm 2016. Năm 2019, sau khi nghiên cứu, Công ty Tân Tiến vào đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị và xin vận hành thử nghiệm từ đầu năm 2022.
Tới thời điểm này, Công ty Tân Tiến đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng vào nhà máy sô đa Chu Lai. Qua đó, tiến hành thay mới gần như 60-70% thiết bị, vật liệu. "Trước kia hệ thống dây chuyền sản xuất của nhà máy chủ yếu sắt và gan, hiện nay đã thay thế bằng inox hết" – bà Bích chia sẻ.
Sản phẩm từ nhà máy sô đa Chu Lai hình thành sau quá trình vận hành thử nghiệm
Theo bà Bích, trước đây nhà máy không có hệ thống xử lý môi trường, nước thải từ nhà máy thải ra một hồ lắng sau đó xả trực tiếp ra sông. Hiện nay, Công ty Tân Tiến chia làm 2 hồ, một hồ dự phòng và hồ chứa lắng. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn mới xả ra môi trường. Đơn vị cũng đang cải tạo lại toàn bộ hồ chứa, trải bằng bạt polime, tường quay xung quanh hồ đổ bằng bê tông thay thế bờ đất để chống tràn, rò rỉ nước thải ra ngoài.
Bà Bích nói rằng trước đây, các chuyên gia Trung Quốc có hướng dẫn chủ đầu tư cũ sử dụng cao su đốt để tiết kiệm nguyên liệu nên mới gây ô nhiễm. Hiện nay, nhà máy sử dụng than thay thế nên sẽ không còn gây ô nhiễm.
Bà Bích cho rằng chất thải từ nhà máy không gây ô nhiễm môi trường
"Trong phản ứng dây chuyền của nhà máy, đầu vào là muối ăn và đá vôi, sau đó lấy khí CO2 và tổng hợp với men để đạt được sô đa. Sản phẩm sô đa phục vụ cho ngành thực phẩm như trong mì chính, trong một phần của xà phòng, một phần của kem đánh răng. Chất thải ra là Canxi Clorua, ở trong muối biển có. Phải khẳng định rằng các chất này là chất khử khuẩn, không gây ô nhiễm môi trường. Ngày xưa Bộ TN-MT có nghiên cứu và cho lắng xong xả trực tiếp ra môi trường là cũng có căn cứ chứ không phải không. Nguyên nhân ngày xưa người ta không phải đốt than mà đốt cao su mới gây ô nhiễm môi trường, thực tế nhà máy này không gây ô nhiễm" – bà Bích chia sẻ.
Theo bà Bích, đến thời điểm này, qua quá trình vận hành, hiệu chỉnh, nhà máy sô đa Chu Lai đã dần ổn định, hoạt động không còn gây tiếng ồn như trước đây, công suất vận hành đạt được 70-75%, chỉ phụ thuộc vào việc điện cấp có ổn định hay không. Hiện công ty đang trình hồ sơ xin Bộ TN-MT cấp phép về môi trường để cho vận hành chính thức.
Clip: Bên trong nhà máy sô đa Chu Lai
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, người dân sống gần nhà máy sô đa Chu Lai phản ánh nhà máy vận hành thử nghiệm ở một số thời điểm phát ra mùi hôi, tiếng ồn khiến họ lo lắng… Bà Trần Thị Thanh Mỹ, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, cho rằng tâm lý người dân nghe tới sô đa là sợ. Địa phương mong muốn các doanh nghiệp đến đầu tư, giải quyết lao động nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là không ảnh hưởng đến người dân.
Bình luận (0)