Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí, giá thành điện năm 2016, phương án giá điện năm 2017 và xử lý chênh lệch tỉ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có nguồn gốc ngoại tệ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, ngày 27-2 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp nói trên. Sau khi nghe báo cáo của EVN, ý kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo hướng dẫn EVN tiếp thu ý kiến của các cơ quan dự họp để hoàn thiện Báo cáo tổng thể tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí, giá thành và giá bán điện năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Từ đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 (trên các mặt lộ trình, mức độ điều chỉnh), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-3 tới.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần rà soát, cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các chi tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của ngành điện năm 2017 (tỉ lệ tổn thất điện năng, sản lượng điện sản xuất, điện thương phẩm nhất là nhiệt điện dầu trong kế hoạch vận hành năm 2017…), bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân và hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, rà soát kế hoạch đầu tư, phương thực huy động vốn để xác định nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động tính toán phương án chi phí, giá thành, giá bán điện năm 2017. Trong đó, phấn đấu giảm thêm tỉ lệ tổn thất điện năng để giảm chi phí, giá thành theo hướng giảm thiểu tối đa tổn thất thương mại và phấn đấu giảm tổn thất kỹ thuật; xác định lộ trình để phấn đấu cắt giảm 7,5%-10% chi phí thường xuyên của cả Tập đoàn.
Về giá điện, Phó Thủ tướng lưu ý các phương án xây dựng giá bán sẽ theo các kịch bản: giá than, giá khí điều chỉnh hoặc không điều chỉnh theo giá thị trường; khoản chênh lệch tỉ giá đánh giá các khoản mục tiều tệ có gốc ngoại tệ chưa phân bổ được xử lý theo cơ chế đặc thù hoặc theo đúng chế độ, chuẩn mực kế toán quy định.
Bộ Công thương cũng phải chỉ đạo EVN rà soát lại các hợp đồng mua bán điện, nhất là các hợp đồng mua bán điện với các nhà máy điện độc lập (IPP) hay BOT, bên ngoài, xác định các vấn đề còn bất cập để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất giải pháp xử lý trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5-2017.
Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ chủ trì và phối hợp với các bên liên quan và EVN nghiên cứu, đề xuất các đơn vị sử dụng than được nhập khẩu để nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch cho thị trường điện theo Thông báo số 62/TB-VPCP ngày 7-2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2017.
Chính phủ cho biết đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của EVN về việc xử lý chênh lệch tỉ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm 2016 đối với Tổng công ty phát điện 1 và Tổng công ty phát điện 3. Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn EVN thực hiện cụ thể vấn đề này.
Ngoài ra, Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn EVN thực hiện rà soát cơ chế tiền lương, chính sách chế độ với người lao động để có giải pháp tăng năng suất lao động của EVN phù hợp với đặc thù của ngành điện, xây dựng lộ trình sắp xếp, cơ cấu lại số lượng cán bộ nhân viên của cả Tập đoàn (nhất là các công ty truyền tải điện), đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Bình luận (0)