Đây là bước đi tiếp theo của NH Nhà nước trong việc tái cơ cấu GPBank, đảm bảo mục tiêu an toàn và ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng…
Theo đó, NH Nhà nước đã mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại GPBank với giá 0 đồng. NH Nhà nước sẽ trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của GPBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu tại NH này. NH TMCP Công thương (Vietinbank) được giao tham gia quản trị, điều hành và kiện toàn lại các hoạt động tại GPBank thời gian tới.
“Toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại GPBank sẽ được đảm bảo” – NH Nhà nước khẳng định.
Trước đó, từ năm 2012, qua thanh tra NH Nhà nước đã phát hiện GPBank bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro và kết quả kinh doanh thua lỗ. Vốn chủ sở hữu bị âm và việc quản trị, điều hành NH kém hiệu quả.
Trong hơn 3 năm qua, NH Nhà nước đã để GPBank tự tìm kiếm đối tác gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi. Tuy nhiên, GPBank không đề xuất được phương án tái cơ cấu khả thi trong khi hoạt động NH tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, kinh doanh thua lỗ.
Do đó, để kiểm soát rủi ro và giảm thiểu tổn thất tài sản của NH, cũng như đảm bảo tiền gửi của người dân, NH Nhà nước đã đưa GPBank vào diện kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, NH này cũng được yêu cầu thuê tổ chức độc lập thực hiện kiểm soát và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ.
Sau 3 lần Đại hội cổ đông bất thường nhằm kêu gọi cổ đông của GPBank bổ sung vốn để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định đều không thành. NH này cũng không đề xuất được các giải pháp khả thi nhằm tăng vốn điều lệ theo yêu cầu, NH Nhà nước đã quyết định mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.
GPBank là NH thương mại cổ phần yếu kém tiếp theo, sau NH Xây dựng và Đại Dương bị NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và chuyển mô hình hoạt động.
Bình luận (0)