UBND TP HCM vừa phê duyệt dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TP HCM giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện đối với ngành hàng thịt heo của chợ Bến Thành (quận 1) và chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), sau đó mở rộng ra 12 chợ truyền thống. Việc triển khai mô hình này đối với tất cả chợ trên địa bàn TP sẽ được thực hiện sau năm 2020.
Chọn nơi có sức lan tỏa
Theo dự án, căn cứ để lựa chọn chợ đưa vào mô hình thí điểm là ưu tiên những nơi có quy mô lớn, phù hợp quy hoạch của TP, có sức lan tỏa mạnh và cơ sở vật chất, khu kinh doanh hàng thực phẩm được đầu tư cơ bản.
Chợ Bến Thành sẽ được thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm Ảnh: Tấn Thạnh
Chợ đầu mối Hóc Môn là nơi cung cấp lượng thịt heo lớn nhất cho TP với thị phần luôn chiếm 50% - 55%. Chợ có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng tương đối nhu cầu kinh doanh thực phẩm, có khu nhà lồng chuyên kinh doanh thịt heo. Còn chợ Bến Thành là biểu tượng đặc trưng của chợ truyền thống TP HCM, là chợ loại 1 trong quy hoạch, trung bình có trên 10.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm mỗi ngày. Chợ có khu kinh doanh ngành hàng thực phẩm riêng biệt, có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng tương đối nhu cầu kinh doanh thực phẩm.
Kinh phí thực hiện gồm nguồn vốn xã hội hóa, vốn tài trợ trong và ngoài nước và ngân sách từ kinh phí trung ương. Thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động để chuẩn bị cho dự án, trong đó tiêu biểu là đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Để bảo đảm chợ an toàn thực phẩm, đề án đưa ra 4 nhóm tiêu chí về nguồn thực phẩm kinh doanh tại chợ; điều kiện người trực tiếp kinh doanh; cơ sở vật chất - kỹ thuật; hoạt động thanh - kiểm tra với các quy định khá chặt chẽ. Nếu các tiêu chí này đạt thì người tiêu dùng có thể yên tâm mua thực phẩm tại chợ.
Cần nâng cấp chất lượng chợ
Là đơn vị chủ trì thực hiện đề án nhưng Sở Công Thương cho biết đến ngày 3-1 vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về việc đề án được phê duyệt. Trong thời gian tới, sở sẽ thực hiện các công việc được phân công và công bố chính thức.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, cho rằng chợ đã thực hiện trên 90% các tiêu chí đối với ngành thịt heo. Cụ thể, 100% thương nhân khu thịt đã có chứng nhận đủ kiến thức an toàn thực phẩm, 100% hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, 100% thương nhân chính khám sức khỏe định kỳ đúng quy định, cơ sở vật chất quầy sạp vững chắc, bảo đảm phù hợp với tính chất, quy chuẩn về kinh doanh ngành hàng thực phẩm. Về kinh doanh, thịt heo tươi khi nhập chợ được vận chuyển bằng xe bảo ôn chuyên dụng, có vòng niêm phong, vòng thông tin truy xuất nguồn gốc.
Đội quản lý an toàn thực phẩm tại chợ kiểm tra, sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn quy định của Ban Quản lý An toàn thực phẩm mới cho vào nhà lồng chợ. Tất cả xe chở thịt, cơ sở vật chất, nhà vựa hàng thịt luôn được làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng hằng ngày theo quy định của ngành thú y. Tất cả dụng cụ, trang thiết bị kinh doanh, chế biến của thương nhân đều được vệ sinh mỗi ngày. Thương nhân phải lưu trữ chứng từ, hóa đơn, giấy thông tin nguồn gốc và kiểm dịch thú y. Nhờ vậy, kết quả kiểm tra vi sinh tại chợ cải thiện qua từng năm, từ đạt 79% năm 2015 lên 86% năm 2016 và 99% năm 2017.
"Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là xác nhận thịt an toàn chưa thực hiện được bởi vẫn chưa có cơ quan nào thực hiện xác nhận này cũng như chưa có tiêu chí cụ thể. Hiện 100% thịt heo nhập chợ đã truy xuất được nguồn gốc theo đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo nhưng để xác nhận an toàn phải có thông tin thêm về quá trình nuôi. Một vấn đề khác là chợ cũng muốn triển khai thêm vấn đề an toàn đối với ngành rau củ quả nhưng các lô hàng trong nước không có giấy tờ cần thiết để xác định nguồn gốc do sản xuất nhỏ lẻ, nông dân không có hóa đơn để cung cấp cho bên mua" - ông Tiển băn khoăn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, ủng hộ dự án và cho rằng sẽ phối hợp thực hiện các nội dung được phân công. Hiện việc quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, ban vẫn đang thực hiện, như rà soát điều kiện kinh doanh để cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe cho người kinh doanh, kiểm tra nguồn hàng.
"Thực tế ghi nhận điều kiện kinh doanh tại chợ còn kém nên cần thực hiện những dự án thí điểm như dự án của TP để nâng cấp, cải thiện. Tôi cho rằng bản thân chợ, tiểu thương tại chợ cũng phải tự đầu tư nâng cấp, kiểm soát nguồn thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Gần đây, kênh phân phối hiện đại phát triển mạnh, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tốt hơn. Do đó, nếu kênh phân phối truyền thống không thay đổi sẽ mất khách" - bà Lan nhìn nhận.
Nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu
TP HCM có hơn 230 chợ kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức). Gần 70% nguồn hàng chợ lẻ tại TP HCM được lấy từ 3 chợ đầu mối. Nhiều chợ hình thành đã lâu, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Nhiều chợ chưa bố trí khu vực xử lý rác tập trung, chưa có bãi đậu xe cho khách, chưa có kho trữ thực phẩm. Vì vậy, cơ sở vật chất và hoạt động của hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn TP chưa đáp ứng yêu cầu về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bình luận (0)