Chiều 16-11, lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng nhận hàng loạt câu hỏi về nhóm vấn đề tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD), giải quyết nợ xấu, lãi suất...
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định tỉ trọng tín dụng các dự án BOT chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ Ảnh: CHINHPHU.VN
Trả lời cho nhóm câu hỏi của các đại biểu (ĐB) về giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu nợ xấu trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn chế, ông Hưng cho hay NHNN đã chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện Quyết định 1058 về cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Ông Hưng đề cập 6 nhóm giải pháp tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Cụ thể, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy; trình QH sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD; tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, thanh - kiểm tra nội bộ của TCTD; tăng cường thanh tra, giám sát của NHNN gắn với giám sát từ xa để phòng ngừa, phát hiện sớm sai phạm...
Cũng trong nhóm vấn đề này, các ĐB đặc biệt quan tâm đến việc xử lý 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng. Thống đốc Hưng cho hay kết quả của việc mua lại ngân hàng 0 đồng là đã ổn định được tâm lý người gửi tiền, tránh đổ vỡ ngân hàng để từ đó "lây lan" đổ vỡ cả hệ thống. Các ngân hàng này đã có bước kiện toàn hoạt động; đưa cán bộ từ các ngân hàng quốc doanh sang quản lý, điều hành; bảo đảm an toàn, tiết giảm chi phí hoạt động, từ đó giảm lỗ. Ngoài ra, từng bước thu hồi nợ xấu và tài sản bảo đảm. "Lỗ lũy kế giảm dần nhưng ngân hàng còn khó khăn do tài sản không sinh lời còn cao, chi phí gia tăng" - Thống đốc thừa nhận.
Ông Hưng cũng cho hay vấn đề khó khăn hiện nay là chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ để xử lý các ngân hàng đã mua với giá 0 đồng.
Trước giải trình của Thống đốc, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) tiếp tục chỉ ra thực tế rằng các ngân hàng 0 đồng âm vốn chủ sở hữu lớn, không hoạt động được như một ngân hàng bình thường. Bà hỏi thẳng: "Nhà nước có phải chi ngân sách cho phục hồi hoạt động các ngân hàng này hay không?". ĐB Hoa cũng đề nghị Thống đốc trả lời có phải nguyên nhân gây thất thoát lớn ở một số ngân hàng là do kiểm tra, thanh tra của NHNN chưa tốt, chưa phát hiện kịp thời và giải pháp của vấn đề này là gì?
Các ĐB cũng đặt vấn đề dòng vốn có xu hướng đổ vào khu vực bất động sản và các dự án BOT, dẫn đến các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ... khó tiếp cận vốn. Mặt khác, lãi suất vay các dự án BOT khá cao (11%/năm) làm tăng thời gian thu hồi vốn, tăng phí.
Khẳng định giảm lãi suất cho vay để giảm chi phí cho doanh nghiệp là mục tiêu của hoạt động điều hành chính sách tiền tệ nói chung, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay thời gian qua, với sự điều hành của Chính phủ, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh. Trong giai đoạn 2011-2016, lãi suất huy động giảm 7%-10%, lãi suất cho vay giảm 10%-11%. Tuy một số lĩnh vực lãi suất còn cao nhưng nhìn chung, lãi suất cho vay ở khu vực ưu tiên chỉ 8%, các lĩnh vực bình thường là 9%-10%. Riêng một số ngân hàng cho vay dự án BOT theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã kiểm soát chặt chẽ, tránh rủi ro. Tỉ trọng tín dụng các dự án BOT chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ, tức là ở mức rất thấp.
Trả lời ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về các giải pháp liên quan thẻ ATM, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết qua lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, người dân về mức phí, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo biểu phí, cơ cấu phí để xem xét, phát hiện bất cập. Đồng thời, ban hành thông tư quy định mức phí với thẻ, trong đó quy định mức phí rút tiền tối đa là 3.000 đồng/giao dịch, không cho phép tăng phí dù chi phí tăng. Thông tư có quy định với một số đối tượng đặc biệt như công nhân, người lao động... phải tính phí hợp lý hơn, tùy điều kiện của ngân hàng.
Hôm nay, 17-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đăng đàn.
Bình luận (0)