Về tình trạng tồn tại quá nhiều hàng giả, hàng nhái trên chợ điện tử, hầu hết các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đều bày tỏ gặp nhiều khó khăn trong quản lý do nhiều đối tác bán hàng cố tình lách luật, dùng "chiêu" để qua mặt cả bộ lọc kỹ thuật lẫn sự kiểm duyệt của con người.
Rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ
Đại diện Lazada cho biết trong gần 7 năm hoạt động trên thị trường, sàn này đã xây dựng được hệ thống 3 lớp bảo mật chặt chẽ. Trong đó, áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và machine learning tự động quét liên tục nhiều điểm dữ liệu; kiểm tra thông tin và thông báo các tín hiệu cho thấy doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời ngăn chặn việc đăng bán các sản phẩm không đạt chất lượng bằng hệ thống từ khóa đã được cài đặt sẵn. Bên cạnh đó, hệ thống thực hiện đánh sao các nhà cung cấp để đề xuất sản phẩm có giá cả và chất lượng phù hợp nhất cho khách hàng. Tuy vậy, vẫn có tình trạng nhiều nhà bán hàng cố tình lách luật đăng bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cũng cho biết công ty đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm tra hoạt động đăng bán trên Shopee như sử dụng phần mềm, chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm, đội ngũ nhân sự kiểm duyệt, chế độ đánh giá người bán… và liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng cường thêm nhân viên chuyên trách nhưng việc kiểm soát còn nhiều khó khăn.
"Người đăng bán dùng nhiều cách thức để qua mặt bộ phận, hệ thống kiểm duyệt, như sử dụng từ khóa tên sản phẩm không đúng với mặt hàng đăng bán; đăng tải hình ảnh khác với nội dung sản phẩm đăng bán; gửi hàng giả, nhái, khác với mô tả trong đăng bán; dùng các từ hoặc cụm từ gần giống với nhãn hiệu nổi tiếng để qua mặt hệ thống kiểm duyệt…" - ông Tuấn Anh dẫn chứng và cho rằng với lượng người tham gia kinh doanh và số lượng mặt hàng lớn, việc xử lý hàng giả, hàng nhái một cách triệt để đòi hỏi phải có sự phối hợp của rất nhiều bên, đặc biệt là cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam nêu quan điểm không thể đòi hỏi quá cao trách nhiệm của chủ các nền tảng bán hàng trực tuyến, bởi họ chỉ có vai trò cung cấp và cải thiện hệ sinh thái để phục vụ người bán và người mua. Thay vào đó, cần khuyến khích các nền tảng TMĐT phát triển theo hướng cung cấp hàng chính hãng, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
"Trên thị trường đã có những sàn TMĐT ra đời sau nhưng định hình được nét riêng là đứng ra bảo đảm chất lượng hàng hóa cho khách hàng, chỉ làm việc trực tiếp với các thương hiệu và nhà phân phối chính thức, chỉ cung cấp sản phẩm được xác nhận chính hãng, khai thuế và ủy quyền hợp pháp trước khi đến tay khách hàng…" - đại diện hiệp hội nêu và cho rằng đó là những mô hình kinh doanh trực tuyến có thể học hỏi, phát triển thêm để vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa tạo được lợi nhuận gia tăng cho chủ sàn.
Bên cạnh sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và các sàn thương mại điện tử, việc thay đổi thói quen người tiêu dùng sẽ giúp cải thiện tình trạng hàng giả, hàng nhái trên mạng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Quản chặt xuất xứ hàng hóa
Trong khi đó, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT - Bộ Công Thương, nhấn mạnh trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái trên các sàn giao dịch TMĐT thuộc về cả cơ quan QLTT và Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương. Trong đó, quan trọng nhất là giải pháp rà soát, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. "Gần đây, Cục TMĐT và Kinh tế số đã tiến hành thanh tra sàn giao dịch TMĐT Lazada và phát hiện 11 hành vi vi phạm, dự kiến mức xử phạt gần 400 triệu đồng" - ông Linh thông tin.
Về mặt pháp lý, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng cần sửa đổi ngay các khung khổ pháp lý về quản lý sàn TMĐT theo hướng tăng trách nhiệm của các chủ sàn. "Các quy định hiện hành chưa gắn chặt trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với đối tác bán hàng trên sàn. Bộ Công Thương vừa thành lập Tổ soạn thảo để sửa đổi Thông tư số 47 quy định về quản lý website TMĐT theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các chủ chợ điện tử. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định số 52 về TMĐT trong năm 2020" - ông Linh cho biết thêm.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, nêu khó khăn hiện nay là chưa có quy định cụ thể về việc người bán hàng phải đăng tải thông tin cụ thể, chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Do đó sắp tới, cơ quan quản lý sẽ xây dựng thêm cơ sở pháp lý để bù đắp lỗ hổng này. "Thông tin xuất xứ hàng hóa phải được người bán hàng trên sàn thông báo và chủ sàn phải có trách nhiệm kiểm tra những thông tin này trước khi hàng hóa được đưa lên sàn bán. Nói cách khác là tăng trách nhiệm của sàn thay vì trước đây họ chỉ cung cấp không gian thương mại rồi bỏ mặc người bán và người mua giao dịch với nhau" - Cục trưởng Đặng Hoàng Hải giải thích.
Liên quan đến các trang web, trang cá nhân bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà không đăng ký với cơ quan chức năng, lãnh đạo Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết cần sự phối hợp của cơ quan QLTT xử lý trên "đơn hàng vật lý", gọi cách khác là hàng hóa hiện hữu. Bởi vì, chỉ khi tóm được hàng hóa và chứng minh được đó là hàng giả, cơ quan chức năng mới xử lý được chủ hàng bằng những biện pháp "gây thiệt hại đáng kể" để răn đe. "Chúng tôi đã có nhiều biện pháp xử lý với các trang bán hàng không phép như xóa tên miền nhưng biện pháp này không gây thiệt hại nhiều, không mang lại hiệu quả cao. Người bán hàng trái phép thật sự thiệt hại nặng về mặt tài chính mới khiến những người nhen nhóm hành vi trái phép khác phải suy tính rất nhiều, không dám làm liều. Từ đó, hy vọng tình trạng bán hàng giả, hàng nhái sẽ không còn tràn lan" - ông Hải cho biết.
Ngoài ra, phía cơ quan quản lý nhà nước còn cho rằng vấn đề mấu chốt nằm ở phía người tiêu dùng. Nếu không có người mua hàng giả sẽ không có người bán hàng giả. Thay đổi thói quen người tiêu dùng sẽ giúp phần nào cải thiện tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Phát hiện, ngăn chặn đều rất khó
Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho thấy việc bùng nổ kinh doanh của các cá nhân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo và trên các ứng dụng TMĐT với nhiều loại hàng hóa khác nhau khiến việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái gặp nhiều rào cản hơn.
"Việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại trên các phần mềm này khá phức tạp. Với đặc điểm rất linh hoạt trong việc đăng, gỡ bỏ quảng cáo, chủ hàng hóa hợp tác, giao dịch với nhà phát hành phần mềm TMĐT thông qua internet và thanh toán điện tử bằng nhiều hình thức nên việc phát hiện, ngăn chặn sai phạm rất khó khăn" - văn bản của Ban Chỉ đạo 389 chỉ rõ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-12
Bình luận (0)