Từ ngày 1-7, Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu cá nhân người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được sở hữu nhà ở lâu dài và có quyền như công dân Việt Nam.
Đây là tín hiệu tích cực, làm gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư và tốt cho thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, mức độ tích cực đến đâu còn tùy thuộc các văn bản dưới luật, hướng dẫn cho các đối tượng áp dụng thực thi dễ dàng nhất.
Thị trường háo hức
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho rằng việc cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam như một luồng gió mới thổi vào thị trường BĐS. Việc thị trường ổn định, phát triển khá tốt thời gian qua một phần nhờ thông tin này. “Thay vì đi xuất khẩu vật liệu xây dựng, chúng ta xây dựng nhà ở và bán cho người nước ngoài. Đây rõ ràng là một hình thức xuất khẩu tại chỗ, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều mang ngoại tệ về Việt Nam” - ông Châu nói.
Theo bà Hoàng Thị Giang (ngụ quận Tân Bình, TP HCM), khi nghe tin thị trường BĐS ở Việt Nam gần đây sôi động trở lại, nhóm bạn của bà ở Singapore liên tục nhờ tư vấn tìm dự án phù hợp để đầu tư, kiếm lợi nhuận. Đặc biệt, khi biết Việt Nam cho phép người nước ngoài được mua nhà từ ngày 1-7, họ càng háo hức, muốn mang tiền sang đây để mua nhà.
Cho phép người nước ngoài mua nhà được xem là cú hích cho thị trường bất động sản. Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Lê Hoàng Châu cho biết TP HCM hiện có khoảng 30.000 tổng giám đốc chuyên gia cấp cao là người nước ngoài đang làm việc, sinh sống. Chưa kể, hiện có khoảng 80.000 người Hàn Quốc đang sống và làm việc trên cả nước; 8.000 người Nhật và 1.200 người Đức… Họ là những đối tượng đã làm việc, sinh sống ở Việt Nam lâu năm mà chỉ thuê nhà để ở. Nếu đối tượng này được sở hữu nhà ở các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… sẽ giúp thị trường nhà đất ở những nơi này trở nên hấp dẫn hơn.
Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land Nguyễn Nam Hiền cho rằng: “Không thể kỳ vọng thị trường BĐS ồ ạt tăng giá khi có nhiều người nước ngoài hay Việt kiều về nước mua nhà nhưng cần nhận thấy một thực tế là khi luật có hiệu lực sẽ tạo tâm lý tốt cho người dân, nhà đầu tư. Họ tin rằng Chính phủ đã “thoáng” hơn, tích cực hỗ trợ các chính sách làm cho thị trường tốt hơn”.
Đừng quá vội mừng
Theo Luật Nhà ở 2014, người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn đối với nhà ở riêng lẻ trong 1 khu dân cư, tương đương 1 đơn vị hành chính cấp phường. Nói về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng quy định này lại “kẹt” cho một số dự án có vị trí tốt, thuận lợi nhưng người nước ngoài lại bị hạn chế mua. Thực tế, một số khu vực có dự án tốt, cao cấp, thu hút người nước ngoài như Phú Mỹ Hưng (quận 7), Thảo Điền (quận 2) luật lại cho phép mua quá ít… Vì vậy sắp tới, hiệp hội sẽ có kiến nghị cụ thể để “cởi trói” cho quy định này.
Ngoài ra, theo ông Châu, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển tiền mua bán căn hộ của người nước ngoài. Hay kể cả việc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ra văn bản hướng dẫn khu vực nào người nước ngoài không được phép mua, lưu trú, đi lại...
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư của Công ty Savills Việt Nam, cho rằng thực tế quy định cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam đã có từ trước nhưng chỉ áp dụng cho 4 đối tượng, đến nay chỉ có khoảng 200 trường hợp được mua. Luật Nhà ở mới đã mở rộng hơn về đối tượng tham gia là thông tin tích cực cho thị trường nhà đất.
Tại Savills gần đây cũng đã có nhiều khách hàng quan tâm, tìm hiểu về vấn đề này. Tuy nhiên, nói đây là thông tin có thể làm “nóng” thị trường hay không e rằng còn quá sớm để khẳng định vì phụ thuộc nhiều vào việc các văn bản dưới luật hay thông tư hướng dẫn có tạo điều kiện tốt cho người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà hay không.
“Điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý nhà nước có sẵn sàng giải đáp thông tin, hướng dẫn... giúp nhà đầu tư yên tâm, thuận lợi khi “rót” vốn vào Việt Nam để mua nhà hay không. Đặc biệt, các thông tin hướng dẫn phải đồng nhất, tránh trường hợp cơ quan này giải thích thế này, cơ quan khác lại hướng dẫn thế kia sẽ làm cho nhà đầu tư mất niềm tin” - ông Khương nói.
Ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, cũng cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là các văn bản hướng dẫn sẽ ra đời nhanh hay chậm, có tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, kiều bào mua nhà hay không. Nếu văn bản ra chậm hay không có hướng dẫn sẽ làm giảm giá trị hiệu lực của luật. Cơ quan chức năng cần nhận thấy điều này mà sớm tháo gỡ.
Việt kiều khó chứng minh nhân thân
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng theo Luật Nhà ở mới, Việt kiều rất khó chứng minh nguồn gốc nhân thân bởi có nhiều người đi ra nước ngoài trong giai đoạn trước, sau mốc 30-4-1975 và đã mất hết giấy tờ. “Người Việt quốc tịch Mỹ khi được chính phủ Mỹ chứng nhận đều có ghi nguồn gốc nơi sinh là Việt Nam, chúng ta có thể dựa vào đó. Hoặc khi sửa đổi Bộ Luật Dân sự có thể bổ sung cơ chế giao cho tòa án xác định nguồn gốc nhân thân người Việt theo cách làm trước đây là 2 nhân chứng tuyên thệ, xác nhận có khai sinh...” - ông Châu gợi ý.
Ph.Nhung
Bình luận (0)