Sáng 14-6, tức mùng 5-5 âm lịch, là ngày Tết Đoan Ngọ hay Tết giết sâu bọ theo truyền thống dân gian nên người dân đi chợ sớm mua sắm nhiều hơn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên không khí kém sôi động hơn các năm, nhiều tiểu thương cũng lo ngại dịch bệnh nên chủ động lấy ít hàng.
Lượng bánh ú nước tro ra thị trường ít, giá tăng - Ảnh: Ng.Hải
Tại chợ Tân Định (quận 1), bánh ú nước tro có nhân được rao bán với giá 90.000 đồng/chục, không nhân là 60.000 đồng/chục, cao hơn năm ngoái 10.000 đồng/chục mỗi loại.
Còn tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), bánh ú nước tro có nhân bán lẻ 10.000 đồng/cái, bánh ú không nhân 5.000 đồng/cái. Ông Tới, kinh doanh mặt hàng này, cho biết giá bánh ú năm nay tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Đối với bánh ú có nhân 100.000 đồng/chục 12 cái được gói băng lá dong, còn gói bằng lá tre rẻ hơn, chỉ có 50.000 đồng/chục.
Cũng theo ông Tới, năm nay bánh ú loại nhỏ không thấy xuất hiện, nguyên nhân là do cấm tụ tập đông người nên không thể gói loại bánh nhỏ được vì cần rất nhiều người làm.
Bà Trần Thị Mai ngụ quận Bình Thạnh cho biết rất bất ngờ khi giá bánh ú ngoài chợ năm nay tăng cao quá. Năm ngoái tôi mua 1 chục chỉ 70.000 đồng năm nay lên 110.000 đồng/chục. Tôi trả 100.000 đồng/chục mà họ không bán nên đành bấm bụng mua để cúng.
Trong khi đó, bà Thảo ngụ TP Thủ Đức cho hay mới tuần trước bà mua bánh ú nước tro chỉ 20.000 đồng/chục về cho cả nhà ăn mà sáng nay đã tăng lên 70.000 đồng/chục. "Đang giãn cách xã hội, người đi chợ lẫn người bán đều ít nên không có thời gian lựa chọn hay trả giá, tôi tranh thủ mua một ít bánh và trái cây về cúng nhưng cũng thấy khó chịu" - bà Thảo nói.
Người gói bánh sợ dịch nên chủ động giảm lượng hàng - Ảnh: Ng.Ánh
Bà Lê Thị Em (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM), chủ một lò bánh ú nước tro truyền thống, cũng thừa nhận năm nay do lo ngại dịch bệnh nên ít người tham gia làm bánh.
"Người làm đã ít mà sản lượng từng nhà cũng giảm, như nhà tôi năm nay chỉ làm 20.000 bánh, bằng một nửa năm ngoái nhưng giá bán sỉ bỏ mối vẫn ổn định ở mức 60.000 đồng/chục 12 bánh có nhân loại lớn. Loại bánh này muốn ngon phải chuẩn bị nguyên liệu trước 3-4 ngày nên dù thấy thị trường hút cũng không thể gói thêm liền được" – bà Em nói.
Người dân TP HCM đi chợ sáng 14-6
Giá trái cây chợ lẻ khá cao - Ảnh: Ng.Hải
Mặt hàng cơm rượu nếp cũng tăng nhẹ so với năm ngoái. Theo đó, cơm rượu nếp trắng trộn nếp lứt hoặc nếp than, nếp Bắc, loại hộp lớn giá 30.000 đồng, hộp nhỏ 20.000 đồng. Các loại lá xông, xương rồng để treo cửa nhà có giá từ 10.000 – 15.000 đồng/bó.
Các loại trái cây phổ biến mùa này như vải thiều ở mức 35.000 – 40.000 đồng/kg (loại vận chuyển đường bộ) và 65.000 -70.000 đồng/kg (loại vận chuyển đường bay).
Những loại trái cây khác cũng có giá khá cao như: như quýt đường 60.000 đồng/kg, lê 100.000 đồng/kg, măng cụt 80.000 đồng/kg, cam Mỹ 100.000 đồng/kg, táo xanh 90.000 đồng/kg, chôm chôm 50.000 đồng/kg,…
Dịp này, mặt hàng heo quay cúng cũng rất hút hàng, các tiệm nổi tiếng thường có đông khách xếp hàng chờ mua.
Người dân xếp hàng mua heo quay sáng nay tại một tiệm trên đường Trần Quang Khải (quận 1) - Ảnh: Ng.Ánh
Chợ đầu mối hàng nhiều, giá không tăng
Theo phòng kinh doanh Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP HCM), lượng hàng về chợ phục vụ Tết Đoan Ngọ trong 2 ngày gần đây đạt từ 2.900 – 3.200 tấn, tăng so với dịp Tết Đoan Ngọ năm ngoái (2.800 tấn/ngày).
Riêng lượng trái cây về chợ đạt 884 tấn, trong đó, riêng vải thiều là 210 tấn, giá cả ổn định, không tăng do hàng về nhiều.
Bình luận (0)