TP HCM phát hiện 3 trường hợp bán hàng rong mắc Covid-19 (một người bán bánh mì ở quận Gò Vấp và 2 mẹ con bán xôi ở chợ Thủ Đức, Hóc Môn) khiến người dân thêm lo lắng về khả năng dịch lây lan trong nhóm người kinh doanh ở kênh truyền thống.
Nguy cơ bùng dịch rất cao
Mới đây, ngành y tế quận 5 phát thông báo yêu cầu người nào từng đến khu vực xung quanh chợ Hòa Bình từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ trong thời gian từ ngày 6 đến 12-6 phải nhanh chóng liên hệ cơ quan y tế nơi cư trú để được hướng dẫn, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 vì liên quan ca F0 (nhiễm bệnh). Chợ Bình Trị Đông (quận Bình Tân) thì đã tạm đóng cửa vì liên quan một số ca F0 trong những ngày gần đây...
Trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, phạm vi lây lan rộng, hầu hết các chợ đã tăng cường công tác phòng chống. Tiểu thương và khách đi chợ cũng chủ động đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc để tự bảo vệ bản thân.
Tại chợ Tân Định (quận 1), theo ghi nhận của phóng viên chiều 13-6, dù sát Tết Đoan ngọ nhưng rất đìu hiu, tiểu thương nghỉ bán khá nhiều. Trong khu vực nhà lồng, bảo vệ đứng ở các cửa để đo thân nhiệt, sát khuẩn và hướng dẫn khai báo y tế cho thương nhân lẫn khách vào chợ.
Ông Nguyễn Văn Thái, nhân viên bảo vệ thuộc Ban Quản lý chợ Tân Định, cho biết toàn bộ 4 cửa chính và 4 cửa phụ vào chợ đều có chốt bảo vệ. "Chúng tôi khi vào ca đều phải thực hiện khai báo y tế, khách và thương nhân trong chợ chấp hành khá tốt. Hiện khách đi chợ mua hàng trực tiếp rất ít, chủ yếu giao dịch qua mạng. Khách chỉ ghé lấy hàng hoặc tài xế đến nhận hàng rồi đi ngay. Một số thương nhân ngành hàng không thiết yếu như vải, giày dép còn đóng cửa nghỉ nên nhóm bảo vệ cũng ít việc" - ông Thái nói.
3 chợ đầu mối đang là mắt xích chính trong chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành cũng là nơi tập trung, cung ứng đến 60%-70% lượng lương thực thực phẩm cho người dân TP HCM. Mối lo về nguy cơ xuất hiện ca F0 hoặc liên quan F0 tại chợ đầu mối luôn thường trực. Mới đây, một F1 là nhân viên bảo vệ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn được xác định nghi mắc Covid-19. Công tác phòng chống dịch tại các chợ đầu mối càng được siết chặt hơn bao giờ hết. Ngay từ cổng vào 3 chợ đầu mối, lực lượng chức năng đã lập trạm kiểm soát để đo thân nhiệt, khai báo y tế bắt buộc đối với thương nhân, khách hàng lẫn nhân viên ban quản lý làm việc tại chợ.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết công ty đã xây dựng các kịch bản ứng phó cho tình huống xấu nhất là xuất hiện ca F0, F1 trong nhà lồng chợ, nhằm giữ ổn định hoạt động của những khu vực khác để bảo đảm hàng hóa được lưu thông xuyên suốt.
Chợ đầu mối Thủ Đức đã chủ động mua máy và dung dịch khử khuẩn, tiến hành phun xịt hằng ngày. Chợ này còn lập khu vực riêng để xét nghiệm nhanh cho tất cả tài xế xe hàng đi từ phía Bắc vào. "Toàn bộ xe đi từ vùng dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương vào đều được khử khuẩn. Thương nhân tại chợ nhận hàng và giữ xe còn tài xế, phụ xế sẽ được "cách ly tạm thời" tại khách sạn, chờ bán hết hàng trên xe thì lái xe về" - ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết.
Từ ngày 27-5 đến nay, chợ đầu mối Thủ Đức đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho gần 1.000 người; bố trí cho gần 800 tài xế, phụ xế nghỉ ngơi, sinh hoạt tại khách sạn trong thời gian chờ xuống hàng. Theo ông Nhu, không riêng ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức mà ban quản lý 2 chợ đầu mối còn lại là Bình Điền và Hóc Môn cũng đều rất lo lắng. Chợ Thủ Đức trang bị máy phun khử khuẩn nhằm gia tăng mức độ phòng dịch, cố gắng tối đa để giữ cho môi trường buôn bán của thương nhân không bị ảnh hưởng. Kịch bản không mong muốn là nếu có ca F0 tại chợ thì sẽ phối hợp với cơ quan y tế thực hiện các bước cần thiết; bảo đảm duy trì hoạt động chợ.
Khách hàng phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi giao dịch tại chợ đầu mối Thủ Đức. Ảnh: THANH NHÂN
Bảo đảm lưu thông hàng hóa
Đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại các chợ, đặc biệt chợ đầu mối, là rất cao nên từ cuối tháng 5 đến nay, lãnh đạo TP HCM cùng các sở Công Thương, Y tế đã nhiều lần đến kiểm tra, nắm bắt tình hình.
Theo Sở Công Thương, chợ trên địa bàn TP HCM nhiều, đặc điểm là không gian mở, nhiều lối vào cộng với lượng người đến giao dịch, mua bán đông, trong đó nhiều người có lịch trình di chuyển phức tạp; xung quanh chợ, hoạt động buôn bán tự phát rất phức tạp nên càng gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát dịch tễ. Đối với các chợ đầu mối, nguy cơ càng cao hơn do quy mô rất lớn. Trung bình mỗi chợ tiếp nhận 5.000 xe chở hàng (gồm ba gác, xe tải, xe container) và 15.000 người đến giao dịch, cao điểm có thể lên đến 30.000 người, trong đó rất nhiều thương lái, tài xế đến từ khắp nơi trên cả nước, kể cả những địa phương đang có dịch.
"Sở Công Thương liên tục đôn đốc, nhắc nhở và hướng dẫn các chợ thực hiện triệt để những chỉ đạo của trung ương và TP HCM cũng như các quy định, hướng dẫn của ngành y tế trong phòng chống dịch. Thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch, qua đó kịp thời chấn chỉnh công tác phòng chống dịch. Cùng với đó là vận động thương nhân ưu tiên thực hiện phương thức giao dịch, bán hàng trực tuyến để vừa phòng chống dịch an toàn vừa bảo đảm việc lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân lẫn phát triển kinh tế" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhấn mạnh.
Hiện các chợ đã tăng cường tuyên truyền nhắc nhở, thực hiện nghiêm 5K, bố trí khu vực cách ly đúng quy định và xây dựng phương án, kịch bản xử lý các trường hợp lây nhiễm... Các chợ đầu mối cũng đã tổ chức phân luồng tiếp nhận, phân phối hàng hóa; có phương án xử lý trong trường hợp phải cách ly 1 phần hay toàn bộ chợ... để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động cung ứng hàng hóa.
"Dù đã triển khai rất nhiều giải pháp nhưng an toàn phòng dịch tại chợ vẫn là bài toán rất khó. Với lượng người giao dịch mỗi ngày quá lớn, người đến và đi từ rất nhiều nơi nên trường hợp có ca nhiễm thì sẽ rất khó truy vết. Một lo ngại khác là hầu hết thương nhân không chỉ bán hàng tại 1 chợ mà có ô vựa tại cả 3 chợ nên nguy cơ ảnh hưởng dây chuyền là rất cao" - ông Phương nêu thực trạng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin cho thương nhân và cán bộ, nhân viên, người lao động tại các chợ. Doanh nghiệp các ngành nghề khác, các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối sẵn sàng chi tiền để thực hiện tiêm ngừa để giảm thiểu rủi ro lẫn thiệt hại vì dịch Covid-19.
Quán xá, hàng rong cần cảnh giác hơn
Theo khảo sát của phóng viên, khá nhiều hàng quán tại TP HCM đã nghỉ kinh doanh do vắng khách. Các điểm tiếp tục bán mang đi thì cho hay số lượng bán ra giảm rất nhiều so với ngày thường. Các điểm bán hàng rong cũng vắng người mua. Do được lực lượng chức năng nhắc nhở thường xuyên nên phần lớn người bán hàng rong đều tuân thủ đeo khẩu trang.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho rằng với khả năng lây lan qua không khí, nguy cơ mầm bệnh Covid-19 hiện hữu nhiều nơi nên người dân phải hết sức cảnh giác và tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế. "Quán xá, hàng rong hiện nay chỉ được phép bán mang đi nên đã hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Đối với người bán, do phải tiếp xúc nhiều người nên cần cảnh giác hơn, trang bị đầy đủ khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay để tránh nguy cơ lây nhiễm. Người mua hàng cần tuân thủ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với người bán hoặc người giao hàng" - bà Lan nhấn mạnh.
Bình luận (0)