Ngày 22-6, khảo sát các chợ tại TP HCM, cho thấy lượng khách đến các chợ truyền thống có phần thưa thớt. Nhiều chợ xếp sẵn bàn và có người trực để khách khai báo y tế, đo thân nhiệt, xịt nước rửa tay.
Giăng dây, cắm chốt, kiểm soát người ra vào chợ
Từ sáng sớm, Ban Quản lý chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP HCM) đã nhắc nhở, hướng dẫn các tiểu thương đang kinh doanh những mặt hàng không phải là lương thực - thực phẩm, nhu yếu phẩm tạm thời đóng cửa để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19. Trước cổng chợ, bảo vệ túc trực để đo thân nhiệt, yêu cầu người dân rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ. Hàng chục ki-ốt kinh doanh vải, quần áo tại chợ này đã ngưng hoạt động, để lại số điện thoại cho khách chủ động liên lạc khi cần. Vài ki-ốt mở hé cửa, tiểu thương khẩn trương đóng gói hàng hóa để shipper mang đi giao.
Vừa đóng xong kiện hàng với hàng chục bộ quần áo để giao cho khách, chị Na (tiểu thương tại chợ Tân Bình) cho biết ban quản lý chợ nhắc ngưng hoạt động nên chị không bày biện hàng hóa ra ngoài, chỉ mở cửa ki-ốt khi cần lấy hàng giao cho khách. "Khách cần mặt hàng gì thì báo trước để mình chuẩn bị sẵn, người ta chỉ việc ghé lấy mang đi, không tụ tập lâu tại chợ" - chị Na nói và cho biết kiện hàng vừa giao là sản phẩm do khách đặt trực tuyến, chị chụp hình mẫu quần áo và đăng trên trang thương mại điện tử, Zalo, Facebook... cho khách chọn.
Khách mua hàng tự do chạy xe máy vào chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP HCM) .Ảnh: NGUYỄN HẢI
Các ki-ốt phía ngoài chợ Tân Bình (TP HCM) đều đã đóng cửa sau Chỉ thị 10 của UBND TP .Ảnh: LÊ VĨNH
Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), hàng chục ki-ốt bán giày dép và các phụ kiện thời trang cũng đóng cửa từ sớm, chỉ còn khu vực bán lương thực - thực phẩm và nhu yếu phẩm hoạt động. Nhiều lối vào chợ đã giăng dây để hạn chế đi lại, khu bày bán hàng tự phát xung quanh chợ cũng được "dọn" sạch từ nhiều ngày trước, bảo vệ hướng dẫn khách vào nhà lồng chợ mua hàng. Các chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Thái Bình (quận 1)… đều có bàn và nhân viên trực ở các ngõ để kiểm soát người ra vào.
Tại chợ Tân Định (quận 1), cổng chính trên đường Hai Bà Trưng đã đóng cửa kèm thông báo tạm đóng cửa các ngành hàng không thiết yếu theo Chỉ thị 10 của UBND TP HCM. Hơn chục cửa hàng vải, may mặc trên đường Hai Bà Trưng phía đối diện chợ cũng đóng cửa, chỉ còn cửa hàng mới chuyển đổi sang kinh doanh thịt mát thì vẫn bán.
Cũng tại chợ này, theo ghi nhận của phóng viên, các ngành hàng thiết yếu vẫn kinh doanh bình thường, trước lối vào chợ có mã QR để người dân, thương nhân khai báo y tế và bảo vệ đo thân nhiệt cho từng người vào chợ. Trong khi đó, chợ Bến Thành (quận 1) chỉ mở cửa cổng chính và cổng vào các ngành hàng thiết yếu, mỗi cổng đều có 2-3 bảo vệ đo thân nhiệt và hướng dẫn khách khai báo y tế.
Khách đến chợ mua thực phẩm cũng rất ít, phần lớn là khách quen đặt hàng sẵn, người bán ra cổng giao cho khách hoặc nhân viên giao hàng mang đi. Ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành, cho biết hiện chỉ còn 30% cửa chợ mở cho khách ra vào mua lương thực - thực phẩm, nhu yếu phẩm. "Khu 1 và 2 đã đóng cửa 100% sạp, khu 3 và 4 còn khoảng 20%-30% sạp. Tính chung, chỉ còn khoảng 10% sạp hoạt động" - ông Thiện nói.
Cũng theo ông Thiện, tiểu thương lẫn khách hàng tại chợ có ý thức tự giác chấp hành Chỉ thị 10 rất cao. Tuy vậy, lượng khách đến chợ rất hạn chế bởi đa số mua thực phẩm, rau củ, trái cây, thịt cá… tại chợ Bến Thành là khách quen, đã chuyển sang đặt hàng qua điện thoại hoặc qua các ứng dụng mua hàng trên internet từ khi TP HCM tái bùng phát dịch.
Vẫn còn nơi thực hiện qua loa
Dù phần lớn chợ truyền thống đã triển khai nghiêm hướng dẫn của TP HCM về việc thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị 10 nhưng có không ít chợ vẫn để khách vô ra thoải mái, không có sự kiểm soát, không khai báo y tế, không đo thân thiệt, không rửa tay. Chẳng hạn tại chợ Bình Khánh (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức), khách di chuyển bằng xe máy vòng quanh chợ mà không có chốt kiểm soát nào. Đường vào phía sau chợ có đặt rào giữa đường và kéo dây ngang nhưng nhiều xe máy vẫn tự do di chuyển ra vào.
Tương tự, tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), người vào chợ cũng không có bất cứ sự kiểm soát nào, xe máy vẫn chạy vào được; không có bàn kiểm soát đo thân nhiệt, khai báo y tế. Khu vực kinh doanh tự phát bên hông chợ đã được giải tán nhưng nhiều người vẫn "thập thò" buôn bán, hàng hóa cất trong nhà, còn người bán ngồi trước cửa mời chào khách. Còn ở khu vực phía sau chợ, một số người mời chào khách, sau khi thỏa thuận xong thì người bán đến chỗ khác lấy hàng về giao.
Tại một số chợ khu vực quận 8, huyện Bình Chánh như chợ Xóm Củi, Nhị Thiên Đường, Bình Hưng, tình hình cũng diễn ra tương tự. Mặc dù lực lượng chức năng dựng rào chắn, giăng dây giải tán các khu vực bán hàng tự phát nhưng việc kiểm soát khách ra vào chợ còn rất lơ là; đến gần cuối giờ sáng là "thả cửa". Đặc biệt, hầu như 100% tiểu thương ở chợ chưa áp dụng ghi nhật ký kinh doanh theo đúng yêu cầu về phòng chống dịch.
Chị Nguyễn Thị Thắng (ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) cho biết khu vực chị sinh sống đang có ổ dịch từ nhiều ngày nay. Chợ tự phát, chợ truyền thống xung quanh đều đóng cửa vì có ca F0. Mất chỗ kinh doanh, một số người bán dọn hàng ra dọc Tỉnh lộ 10, đường Trương Phước Phan, đường Ấp Chiến Lược, thậm chí dọn hàng tràn ra đường để bán, người mua tụ tập, đậu xe giữa lòng đường để lựa hàng… gây cảnh tượng bát nháo và tiềm ẩn rủi ro mất an toàn rất cao nhưng không ai xử lý.
Tương tự, nhiều người dân phường 9, quận 11 cũng hoang mang vì tình hình phòng chống dịch nơi đây. "Chợ dân sinh Chim Xanh (có trước năm 1970) ban đầu phát phiếu cho người đi chợ - thời hạn 1 tuần, sau thu phiếu lại, cấm bán buôn tại chợ từ ngày 20-6. Dù vậy, tiểu thương đổ ra bán lén ở các con đường xung quanh thì không thấy ai nhắc nhở hoặc giám sát việc thực hiện 5K" - anh Tùng, người dân tại đây, phản ánh.
Hàng nhiều, người mua ít
Theo ban quản lý các chợ loại 1, loại 2 trên địa bàn TP HCM, tính từ thời điểm TP áp dụng Chỉ thị 10 đến nay, lượng khách đến chợ mua thực phẩm tươi sống đã tăng 15%-20% so với những ngày áp dụng Chỉ thị 15. Nguyên nhân là do chợ tự phát, chợ tạm xung quanh các nhà lồng chợ chính hoặc ở các khu dân cư đã bị ngưng hoạt động, người dân chuyển sang đi chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1), cho biết chợ vắng bằng một nửa so với thời điểm không có dịch. Hàng hóa dồi dào, chỉ thiếu người mua nên giá cả hầu hết mặt hàng thực phẩm đang ổn định, tiểu thương không dám tăng giá vì lo ngại không bán được hàng. Ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), nhẩm tính lượng khách vào chợ chỉ bằng 30%-40% thời điểm bình thường và chưa có dấu hiệu bất thường về diễn biến giá cả.
Không chỉ các chợ truyền thống được yêu cầu thắt chặt biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mà chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng thực phẩm cũng đang triển khai thêm nhiều hoạt động nhằm tăng cường kiểm soát, nâng cao ý thức tự giác phòng chống dịch. Trong đó, chợ đầu mối được yêu cầu chú trọng việc khai báo điện tử, ghi nhật ký bán hàng... để phục vụ việc truy vết, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch khi cần thiết.
Do đã triển khai thuần thục từ đầu tháng 6 đến nay, việc phân luồng, kiểm soát xe chở hàng hóa lẫn khách hàng ra vào chợ đầu mối đã vào nếp, không ảnh hưởng nhiều đến việc nhập hàng, mua bán tại chợ. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, lượng nông sản về chợ đầu mối có xu hướng tăng nhẹ so với những ngày trước nên giá cả hàng hóa không xảy ra biến động. Tương tự, các siêu thị, cửa hàng cũng đầy ắp hàng; lượng khách đến mua sắm có xu hướng giảm trong khi lượng đặt hàng qua điện thoại, app, website, ứng dụng mua hàng... tăng gấp 2-3 lần.
Bình luận (0)