Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng 6 lần và giảm 5 lần. Tổng cộng, giá xăng đã tăng 6.052 đồng/lít và chỉ giảm 3.200 đồng/lít. Riêng từ đầu tháng 8 đến nay, xăng dầu đã 3 lần tăng giá với tổng mức tăng 2.650 đồng/lít (tăng hơn 12%). Mặc dù việc xăng tăng giá lần này không nhiều nhưng mức tăng quá “rát” trong điều kiện kinh tế chưa khởi sắc đã khiến doanh nghiệp (DN) khó khăn thêm.
Áp lực đè doanh nghiệp
các doanh nghiệp thép không thể tăng giá. Ảnh: HỒNG THÚY
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX TM Tân Quang Minh, cho hay: Sáng 29-8, các mối hợp đồng vận tải đã gửi văn bản đến công ty yêu cầu đàm phán lại hợp đồng về giá cả do giá xăng dầu tăng. Theo các DN vận tải, các lần tăng giá xăng dầu gần đây đã đẩy mức tăng lên 12%. Trong khi những lần tăng giá trước họ chưa điều chỉnh giá cước vận tải, nay họ yêu cầu tăng khoảng 5% thì phải chấp nhận...
Nhiều DN sản xuất cũng đang đau đầu tính toán có nên tăng giá hàng hóa hay không bởi “tăng cũng chết mà không tăng cũng chết”. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM & SX Thép Việt, cho biết chi phí xăng dầu trong sản xuất thép rất lớn, mới đây, các đơn vị vận tải đã tăng giá cước chuyên chở sắt thép lên 5% - 10% đặt DN thép vào thế phải tăng giá nhưng ngặt nỗi sức tiêu thụ sắt thép lại đang giảm mạnh nên không dám tăng giá bán sản phẩm.
Khẳng định đang gặp nhiều khó khăn do sức mua thấp, giá cả đầu vào tăng, chi phí sản xuất từ đầu tháng 8 đến nay bị ảnh hưởng theo giá xăng dầu nhưng hầu hết các DN trên địa bàn TPHCM đều cho biết chưa tăng giá hàng hóa vì lo ngại không bán được hàng.
Chưa “khoan sức dân”
Lý do tăng giá xăng dầu lần này được Bộ Tài chính đưa ra là do khách quan, không phải do lỗi cơ chế điều hành. Tuy nhiên, việc tăng thêm giá xăng dầu đã giáng thêm một đòn nặng nề lên “sức khỏe” của các DN.
Theo TS Nguyễn Quang A, việc tăng giá xăng dầu vừa qua là vi phạm Luật Cạnh tranh nhưng lại theo đúng Nghị định 84 của Chính phủ. Petrolimex chiếm hơn 50% thị phần, lẽ ra Nhà nước phải điều tiết giá nhưng nghị định đã nhân danh “phải theo cơ chế thị trường” và vẽ ra các công thức thủ tục để hợp pháp hóa việc tăng giá của họ. Đấy là lỗi của cơ chế điều hành.
Cũng theo TS Nguyễn Quang A, việc liên tục tăng giá xăng dầu trong bối cảnh Nhà nước đang ra tay “cứu” DN là đồng nghĩa với vô hiệu hóa việc “cứu” đó. Các chính sách mâu thuẫn nhau làm giảm lòng tin của các tác nhân kinh tế. Tuy trong ngắn hạn có thể chưa tác động lớn đến CPI nhưng sẽ ảnh hưởng CPI vào cuối năm và đầu năm sau.
Cần thị trường cạnh tranh Không thể có thị trường xăng dầu cạnh tranh khi vẫn còn độc quyền như hiện nay. Từ lâu, các chuyên gia đã đề xuất tách Petrolimex ra làm 2 và gộp một vài trong số 10-11 công ty nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu còn lại để có 3 công ty đầu mối. Lúc đó, mỗi công ty chiếm khoảng 30% thị phần và các công ty nhỏ khác chiếm phần còn lại. Như thế, các công ty sẽ cạnh tranh quyết liệt với nhau. Khi đó, Nhà nước có thể để cho cơ chế thị trường tự điều tiết và chỉ giám sát, thu thuế, ngăn chặn các công ty câu kết với nhau. |
Bình luận (0)