Thời gian gần đây, người đi đường ngang qua ngã 6 Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP HCM ) thấy xuất hiện nổi bật một thương hiệu bán hải sản tươi sống ngay góc đường Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Chí Thanh thay cho cửa hàng bán bình xăng con xe máy đã tồn tại nhiều năm. Đây là một trong những mặt bằng đắc địa đổi chủ trong mùa Covid-19.
"Xoay trục" để sống còn
Chủ mới tại đây là hệ thống siêu thị hải sản Hoàng Gia - chuyên hải sản tươi sống cao cấp. Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, cho hay mở chuỗi bán lẻ là cú "xoay trục" khi dịch bệnh ập đến. "Công ty có 18 năm chuyên nhập khẩu hải sản cao cấp bán sỉ cho khoảng 1.000 nhà hàng, khách sạn trong cả nước và chỉ có một cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Covid-19 đến, bán sỉ "đứng hình", công nợ không thu hồi được, DN vô cùng khó khăn. Để sống còn, DN quyết định phát triển mảng bán lẻ và gặp ngay lúc mặt bằng được trả rất nhiều, bao gồm những mặt bằng cực đẹp mà trước đó có tiền cũng không thuê được. Chỉ trong 6 tháng, tính từ tháng 3, DN khai trương 6 chi nhánh, tất cả đều ở vị trí giao lộ, thuận tiện mua bán. Mỗi cửa hàng có diện tích từ 100-200 m2, kinh doanh khoảng 50 mặt hàng hải sản tươi sống với bếp chế biến phục vụ mang đi. Cũng nhờ mở chuỗi bán lẻ mà DN đã tham gia giải cứu tôm hùm và cá mú cho ngư dân Việt Nam với số lượng rất lớn như vừa rồi. Trong tương lai, DN sẽ liên kết với ngư dân để ổn định đầu ra cho những loại hải sản cao cấp" - ông Trường thông tin, đồng thời tiết lộ kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ mở 2 điểm bán mới, hướng đến mỗi quận sẽ có một cửa hàng hải sản Hoàng Gia.
Cửa hàng hải sản có vị trí đắc địa ngay ngã 6 Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP HCM)
Chuỗi siêu thị mỹ phẩm AB Beauty World cũng tranh thủ "thời cơ vàng" để ra mắt sớm một năm so với kế hoạch. Siêu thị đầu tiên khai trương vào đầu tháng 10 vừa qua tại 117 Pasteur (quận 3, TP HCM) kinh doanh 15.000 mã hàng trên mặt bằng lên đến 600 m2. Theo ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH AB Beauty World, người được biết đến là "ông trùm nhà giá rẻ" với thương hiệu bất động sản Lê Thành - công ty dự định sẽ mở 20 siêu thị tại TP HCM, mỗi siêu thị có mặt bằng tối thiểu 500 m2, vốn đầu tư 1 triệu USD. "Đây là cơ hội vàng khi mặt bằng dễ kiếm với giá giảm, nhân sự dễ tuyển và đàm phán với nhà cung cấp dễ hơn. Về thị trường, đang có một bộ phận người tiêu dùng có tiền cần mua sắm nhưng không thể ra nước ngoài cần một nơi tin tưởng để mua hàng. Mở chuỗi là đầu tư dài hạn, trong năm đầu chủ yếu hoàn thiện hệ thống nên dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của chúng tôi. Dự kiến, tháng 6-2021, dịch Covid-19 sẽ cơ bản được kiểm soát nhờ vắc-xin, khi ấy hệ thống chúng tôi đã sẵn sàng để tập trung kinh doanh" - ông Nghĩa tiết lộ.
Mặt bằng đắc địa vẫn lợi thế
Giữa bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, vì sao các DN vẫn đổ tiền vào thuê những mặt bằng đắc địa? Theo ông Lê Hữu Nghĩa, đối với ngành mỹ phẩm, hiện nay hàng giả núp bóng hàng "xách tay" bán trên kênh online rất nhiều nên các thương hiệu sẽ không cung cấp hàng nếu hệ thống không mạnh ở kênh truyền thống. "Chúng tôi đang đầu tư mạnh để bán hàng online nhưng vẫn phải đầu tư bài bản cho hệ thống bán lẻ trực tiếp để người tiêu dùng nhận biết công ty chỉ bán hàng chính hãng" - ông Nghĩa giải thích. Tương tự, ông chủ chuỗi hải sản Hoàng Gia cho biết việc đầu tư mặt bằng vị trí thuận tiện sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết thương hiệu tốt hơn. Ngoài ra, các điểm bán hàng cũng chính là nơi tập kết hàng để giao cho khách online nhanh nhất. Trong 6 tháng qua, DN đã bán hơn 100.000 đơn hàng, trong đó bán hàng online tăng rất mạnh.
Cũng mở chuỗi cà phê The Bunny ngay mùa dịch, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T (sở hữu các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ), cho hay quán đầu tiên của chuỗi tọa lạc ở vị trí đẹp rất quan trọng. Theo ông Tùng, dịch bệnh là khó khăn của người này nhưng là cơ hội của người khác, nhất là người có nền tảng tốt. Với Vina T&T, quán cà phê đầu tiên đã ra mắt hồi đầu tháng 9 vừa qua trong khu đô thị Hà Đô (ngay góc đường Ba Tháng Hai - Cao Thắng) với mặt bằng 270 m2. Nhờ chọn vị trí tốt cùng với chất lượng cà phê, thức uống theo xu hướng tốt cho sức khỏe, dịch vụ chất lượng cao, quán đã thu hút rất đông khách, đặc biệt là những ngày cuối tuần. "Với đà kinh doanh này, DN có thể thu hồi vốn sau 2 năm thay vì 3 năm như kế hoạch. Hiện chúng tôi đang xúc tiến mở quán cà phê thứ 2 với yêu cầu mặt bằng tối thiểu 200 m2 ở quận trung tâm. Thời gian này đúng là cơ hội hiếm có khi người đi thuê có thể thuê được giá thấp hơn 40%-50% so với khi cao điểm, người thuê cũng có thể đàm phán cho thuê dài hạn hơn, kéo dài thời gian tăng giá định kỳ..." - ông Tùng phân tích.
Cần có nền tảng tốt
Theo bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, chuyên gia về nhượng quyền và bán lẻ quốc tế - thời điểm mặt bằng trả nhiều, giá hợp lý đúng là cơ hội "có một không hai" cho các chuỗi mở mới hay mở rộng. Thế nhưng, vận hành một chuỗi bán lẻ rất phức tạp, DN cần có nền tảng quản trị tốt thì mới thành công, nếu không sẽ dễ rơi vào khủng hoảng rất nhanh sau đó. "Những yếu tố cần phải có là hệ thống quản trị tài chính, hàng hóa, chăm sóc khách hàng và nhân sự được huấn luyện tốt, thạo nghề. Bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì quản trị nội bộ càng quan trọng. Xu hướng hiện nay là khi mở chi nhánh mới cần phải bảo đảm hiệu quả kinh doanh của chi nhánh đó. Trường hợp mở nhanh để chiếm chỗ, gây sự chú ý nhưng không tìm được người đủ kinh nghiệm quản trị để phát triển thì rất dễ rơi vào đổ vỡ" - bà Vân đánh giá.
Bình luận (0)