Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Việc sửa đổi bổ sung thông tư nhằm ứng dụng các công nghệ mới để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ thanh toán mới, trong đó có dịch vụ thẻ ngân hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh trong đại dịch Covid-19.
Một trong những điểm mới của dự thảo thông tư lần này là Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định về việc các tổ chức phát hành thẻ quyết định việc miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ của thẻ tín dụng tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng do Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố bằng văn bản.
Chủ thẻ tín dụng sẽ được giảm lãi suất, phí, cơ cấu nợ nếu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
Việc miễn, giảm lãi suất áp dụng cho những khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng…
Theo Ngân hàng Nhà nước, với quy định mới tại dự thảo những khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ được xem xét miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
Vừa qua, một số ngân hàng cũng triển khai giảm lãi suất cho chủ thẻ tín dụng hoặc không thu phí quá hạn trong các kỳ sao kê từ tháng 6 đến tháng 9 để hỗ trợ khách hàng trong đại dịch. Lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng thường cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường, do đó, nếu bị quá hạn thanh toán khách hàng sẽ chịu áp lực trả lãi khá lớn.
Chị Ngọc Minh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết chị vừa phải trả lãi suất 28%/năm khi thẻ tín dụng của chị bị quá hạn thanh toán trong vài ngày.
"Thẻ tín dụng có lợi thế chi tiêu trước, trả nợ sau và miễn lãi trong khoảng từ 45-55 ngày nhưng nếu không thanh toán đúng hạn, khách hàng sẽ phải trả lãi suất rất cao. Do đó, việc có quy định rõ ràng của Ngân hàng Nhà nước về việc miễn giảm lãi suất cho chủ thẻ tín dụng gặp khó vì dịch Covid-19 cũng hỗ trợ khách hàng bớt áp lực trả lãi" – chị Ngọc Minh nói.
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết và thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên cần được xem xét cơ cấu nợ, giảm lãi suất…
Bình luận (0)