Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra ngày 6-4 vừa qua, khi tham gia góp ý về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đề nghị bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa.
Theo ông Phạm Văn Hoà, hiện có tình trạng hãng hàng không đưa ra giá vé máy bay 0 đồng. Điều này dù có lợi cho người dân, song lại tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng hàng không.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam
Trước đề xuất này, ngày 9-4, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đã bày tỏ quan điểm không nên quy định giá sàn vé máy bay.
Lập luận cho quan điểm đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa lý giải giá sàn là mức giá tối thiểu do nhà nước áp đặt buộc người mua không thể trả tiền thấp hơn giá tối thiểu đó. "Đây là loại giá không tuân theo nguyên tắc giá cân bằng cung cầu, cạnh tranh" - ông Thỏa cho hay.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết khi định ra giá sàn, là nhà nước muốn bảo vệ lợi ích của người cung ứng hàng hóa có vị trí yếu thế trên thị trừờng, họ không có sức mạnh thị trường. Ông Thỏa lấy dẫn chứng như nông sản khi được mùa, giá xuống thấp hơn giá thành nông dân sản xuất.
Nhấn mạnh quan điểm không nên quy định giá sàn vé máy bay, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng ngành hàng không hiện đã hoạt động theo cơ chế thị trường với việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia, có cạnh tranh về cung ứng dịch vụ trên nhiều tuyến bay thì phải có giá cạnh tranh tuân thủ nguyên lý giá cân bằng cung cầu. "Đó là nguyên tắc của kinh tế thị trường" - ông Thỏa nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nêu rõ quy định giá sàn là bảo hộ cho lợi ích của ngành hàng không, phi thị trường theo nguyên tắc trên. Hệ quả, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng sẽ gây thiệt hại cho khách hàng bởi bị tước đi cơ hội được hưởng mức giá rẻ hợp lý do cạnh tranh mang lại. Bên cạnh đó, ông lo ngại còn tác động bất lợi sang ngành du lịch khi quy định giá sàn vé máy bay.
Trước một số ý kiến lo ngại không quy định giá sàn sẽ xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh nếu xảy ra tình trạng này, đã có Luật Cạnh tranh điều chỉnh.
Cũng liên quan đến giá vé máy bay, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết bộ dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến tháng 12-2022, chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không đã tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng tới 80,9% so với tháng 9-2015; chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí. Trên cơ sở tác động của chi phí nhiên liệu và tỉ giá, Bộ Giao thông vận tải dự kiến điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa trong quý II và III/2023.
Việc tăng trần giá vé máy bay nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong bối cảnh Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp phục hồi du lịch.
Bình luận (0)