Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành. Trong đó, đường bay từ 1.280 km trở lên sẽ có mức giá hạng phổ thông cao nhất là 4 triệu đồng/lượt, tăng 6,67% so với hiện tại.
Không ảnh hưởng đến người tiêu dùng?
Theo Bộ GTVT, trần giá vé máy bay đối với các đường bay từ 500 km trở lên dự kiến tăng 2,27%-6,67%. Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có trần giá vé tăng từ mức 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/lượt; đường bay từ 1.280 km trở lên có mức tăng cao nhất, từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng/lượt... Với mức điều chỉnh này, đường bay nhộn nhịp với tần suất khai thác cao nhất là TP HCM - Hà Nội sẽ có mức trần 8 triệu đồng/lượt khứ hồi, chưa gồm thuế, phí.
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí. Tính đến tháng 12-2022, chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không đã tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng tới 80,9% so với tháng 9-2015. Trên cơ sở tác động của chi phí nhiên liệu và tỉ giá, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa trong quý II và III/2023. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa góp phần tăng CPI thêm khoảng 0,07 điểm %.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 26-3, TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Hàng không Việt Nam (VABA), cho biết với 6 hãng hàng không nội địa đang hoạt động, thị trường trong nước hiện phủ sóng ít nhất 2 hãng khai thác mỗi chặng. Như vậy, thị trường hàng không hiện nay có sức cạnh tranh cao, không còn độc quyền.
"Trần giá vé máy bay "đóng khung" 8 năm qua là bất hợp lý bởi mọi chi phí đầu vào như giá nhiên liệu bay, tỉ giá, lãi suất... gần đây đều tăng mạnh. Việc nâng giá trần các đường bay nội địa là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn giúp DN vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả. Việc này không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá và các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ" - TS Bùi Doãn Nề nêu quan điểm.
Lãnh đạo một hãng hàng không kiến nghị nhà nước cần xem xét giải pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế, có tính toán đến quyền lợi lâu dài của khách hàng và sự phát triển bền vững của DN; tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không trong nước.
Trước đó, các hãng hàng không đã nhiều lần đề xuất tăng trần giá vé máy bay ngắn hạn hoặc bỏ trần giá vé máy bay theo cơ chế thị trường. Theo đại diện hãng hàng không quốc gia
Vietnam Airlines, về dài hạn, cần sớm bỏ giá trần vé máy bay nội địa để đưa giá vé về cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nếu bỏ giá trần phải sửa quy định tại Luật Hàng không và Luật Giá, thời gian sửa có thể kéo dài trong khi các hãng cần được sớm gỡ khó để tồn tại tới hết năm 2024 khi thị trường phục hồi hoàn toàn.
Giá trần vé máy bay cao nhất dự kiến là 4 triệu đồng/lượt với hạng phổ thông. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Du lịch khó càng thêm khó
Nhiều ý kiến đặt vấn đề giá trần vé máy bay dự kiến tăng trong quý II và III/2023 liệu có đẩy giá vé máy bay dịp lễ 30-4 và dịp hè lên cao, từ đó tác động tới giá tour du lịch?
Theo phản ánh của một số hành khách, giá vé máy bay hiện nay đã khá cao, dù chưa phải mùa cao điểm hè hoặc lễ, Tết. Chị Ngọc Khanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết đang tìm hiểu giá vé máy bay chặng Nha Trang - TP HCM cho nhóm hơn 10 người, bay trong 2 tuần tới. Tham khảo giá vé của các hãng, chị vẫn chưa chốt được vì nếu chọn giờ bay từ chiều đến tối thì giá vẫn khá cao.
"Mức giá thấp nhất nếu bay vào buổi tối là khoảng 1,1 triệu đồng/lượt. Trong đó, giá vé hiển thị trên hệ thống chỉ 400.000-500.000 đồng/lượt nhưng thuế, phí lên đến hơn 700.000 đồng nên đẩy giá lên cao. Chúng tôi đang tính phương án có thể đi tàu" - chị Ngọc Khanh băn khoăn.
Các DN du lịch cũng lo lắng giá vé máy bay nội địa có thể tăng cao vào dịp lễ 30-4 và mùa hè tới sẽ khiến nhiều người đổ đi du lịch nước ngoài vì ngày càng có nhiều tour nước ngoài giá rẻ hơn.
Trong khi đó, đại diện một hãng hàng không cho rằng dù trần giá vé máy bay trong nước có thể tăng nhưng các hãng đều có dải giá vé đa dạng. Nếu khách mua sớm sẽ có giá tốt hơn với nhiều cơ hội lựa chọn hơn vì mỗi chuyến bay thường có lượng vé giá rẻ không nhiều. Tuy nhiên, theo quy luật thị trường, giá vé dịp lễ, Tết sẽ cao do cầu luôn vượt cung.
"Với thị trường nước ngoài, có nhiều hãng hàng không cạnh tranh, các hãng tăng tần suất bay nên nguồn cung giúp mặt bằng giá thấp. Những điểm đến hấp dẫn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, có chính sách hỗ trợ DN du lịch, chính sách visa thông thoáng" - đại diện hãng hàng không nêu trên so sánh.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết công ty đã đặt series booking (đặt trước số lượng lớn vé máy bay với các hãng) từ trước nhưng vừa nhận được thông báo giá vé sẽ tăng trong mùa hè tới.
"Nay Bộ GTVT lại dự kiến tăng trần giá vé máy bay trong quý II, III/2023 thì liệu giá vé có tiếp tục tăng? Nếu giá vé máy bay tăng, công ty có thể buộc phải tính phương án thương lượng với những đoàn khách đã ký hợp đồng trước đó vì không thể "gồng" được nữa" - ông Huy lo ngại.
Theo ông Huy, biên lợi nhuận của các công ty lữ hành vốn đã rất thấp. Mức điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa 2,27%-6,67% là gần tương đương mức lãi của DN lữ hành. Do đó, nếu không tăng giá tour, DN du lịch sẽ khó cầm cự.
"Chúng tôi đã chấp nhận mức lợi nhuận rất thấp và bù đắp bằng việc phục vụ nhiều đoàn khách hơn để vừa kích cầu vừa giữ chân du khách. Nếu tăng trần giá vé máy bay theo thị trường là việc bắt buộc phải làm thì DN mong muốn có lộ trình, công bố trước 6 tháng đến 1 năm để DN xoay xở, tránh bị động" - ông Huy kiến nghị.
Sẽ có nhiều mức giá rẻ hơn?
TS Bùi Doãn Nề giải thích việc nâng trần giá dịch vụ vận chuyển hàng không không đồng nghĩa với việc nâng toàn bộ giá vé máy bay nội địa. Cùng một chặng bay hoặc cùng một chuyến bay, giá vé có thể khác nhau tùy thuộc vào những dịch vụ, hàng hóa cụ thể mà hành khách chi trả.
"Một khi giá trần được nâng lên, hãng hàng không có cơ hội để thiết kế những mức giá khác nhau tương ứng với nhu cầu của khách hàng và dịch vụ cụ thể mà hãng cung cấp" - TS Bùi Doãn Nề nhìn nhận.
Chuẩn bị nối lại nhiều đường bay với Trung Quốc
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa vừa có chuyến công tác Trung Quốc, gặp và trao đổi với chủ tịch các hãng hàng không ở nước này nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam và Trung Quốc nối lại hoàn toàn từ ngày 15-3.
Trao đổi với ông Ma Xulun, Chủ tịch China Southern - hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc, ông Đặng Ngọc Hòa nêu rõ thị trường hàng không nội địa Việt Nam đã phục hồi ấn tượng. Mặc dù thị trường quốc tế phục hồi chậm hơn nhưng việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn với du lịch Việt Nam sẽ là tiền đề để khôi phục dung lượng vận chuyển giữa 2 nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy thị trường hàng không quốc tế của Việt Nam. Vietnam Airlines cũng đang triển khai các bước để khai thác tại sân bay Đại Hưng từ tháng 5-2023, nhằm tăng cường kết nối thủ đô Bắc Kinh với các thành phố của Việt Nam.
Đại diện Bamboo Airways cho biết thời gian qua đã tăng cường phối hợp với các đối tác chiến lược, gia tăng mức độ thâm nhập tại thị trường Trung Quốc. Hiện hãng khai thác các chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội với Thiên Tân. Bamboo Airways đặt kế hoạch khai thác 20-30 đường bay thường lệ, thuê chuyến đến Trung Quốc. Bên cạnh các sân bay cửa ngõ chính như Hà Nội, TP HCM, Bamboo Airways cũng lên kế hoạch mở rộng điểm bay từ Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Vân Đồn, Đà Lạt...
Trong khi đó, Vietjet, hãng hàng không khai thác nhiều đường bay kết nối Việt Nam - Trung Quốc, cho biết đã chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng nối lại nhanh chóng các đường bay du lịch giữa 2 nước. Dự kiến từ cuối tháng 3, đầu tháng 4-2023, hãng sẽ khai thác trở lại các đường bay đến Thiên Tân, Trương Gia Giới, Thành Đô. Vietjet dự kiến khôi phục thêm các đường bay khác ngay trước giai đoạn cao điểm hè để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và du khách.
Dương Ngọc
Bình luận (0)