Ngày 26-4, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, VCCI đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch nước đánh giá VCCI là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước. Trong chặng đường đó, VCCI đã tham gia phản biện chính sách, giám sát thực thi chính sách, khảo sát và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống VCCI
Theo Chủ tịch nước, với sự đóng góp của VCCI, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của nước ta sau gần 40 năm đổi mới đã có sự lớn mạnh vượt bậc với gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30.000 hợp tác xã... Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đông đảo, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, xuất hiện các doanh nhân thành đạt tầm quốc tế, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
"Sự nỗ lực của VCCI cùng với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần cho đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cho sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ rõ trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập về kiến thức, am hiểu pháp luật, năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh
Theo Chủ tịch nước, một bộ phận doanh nhân thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tuân thủ pháp luật, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, đã thỏa hiệp, thậm chí cấu kết với những phần tử thoái hoá, biến chất trong bộ máy Nhà nước, làm phát sinh thêm tiêu cực.
Chủ tịch nước nêu rõ xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh về số lượng, nâng cao chất lượng, có ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng là trăn trở, là nhiệm vụ ưu tiên của Đảng, nhà nước.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch nước nhấn mạnh Đảng, Nhà nước khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến hết năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, tỉ trọng đóng góp kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.
Theo Chủ tịch nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bao hàm khát vọng làm giàu chính đáng của mỗi người. Do đó, mỗi doanh nhân phải luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên để phát triển doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thời cơ, thách thức đan xen như hiện nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn vững chí lớn, có tầm nhìn chiến lược, coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cạnh tranh. Đặc biệt, coi đạo đức, văn hóa kinh doanh là yếu tố cốt lõi trong phát triển mỗi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi doanh nhân cần nhận thức rõ vai trò của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ pháp luật, Chủ tịch nước cho rằng mỗi doanh nhân, doanh nghiệp phải luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lợi ích cộng đồng, là điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững.
"Mỗi doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, điều gì đúng nên làm, phát huy, điều gì sai không nên làm. Dịp này, tôi muốn khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước rằng: Việc xử lý sai phạm đối với một số doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian qua chính là yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là việc bắt buộc phải làm, để môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp, để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra nó và xã hội. Đồng thời, để loại bỏ những phần tử thoái hoá, biến chất trong cơ quan nhà nước" - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, nhà nước đã và đang có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, hoàn thiện khung khổ pháp luật, cải cách hành chính, giữ nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh để các doanh nghiệp phát triển.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển
Tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết nhìn lại chặng đường phát triển 60 năm, VCCI tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa tiên phong của các thế hệ hội viên, cán bộ, nhân viên đối với công cuộc đổi mới, đối với sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, ông Phạm Tấn Công khẳng định VCCI sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chính sách, tham gia hoàn thiện môi trường thể chế để nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt trong giai đoạn mới cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, an ninh, an toàn để doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế an tâm phát triển.
Bên cạnh đó, VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với việc thúc đẩy phát triển số lượng, ông Phạm Tấn Công cho rằng cần vun đắp hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, những "sếu đầu đàn" dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.
Một trọng tâm lớn nữa mà VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới, đó là xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh.
Bình luận (0)