Hầu hết các chuyên gia đều không khẳng định chứng khoán Việt Nam tăng "nóng" nhưng thừa nhận đà tăng quá nhanh và mạnh của thị trường đã tạo ra áp lực lớn lên hệ thống và cơ quan quản lý cần có những ứng xử tương ứng về mặt xã hội và chính sách.
Nhà đầu tư nhỏ chịu thiệt
Trước tiên là tình trạng trục trặc kỹ thuật trên sàn chứng khoán TP HCM kéo dài suốt từ năm ngoái đến nay, chưa khắc phục được mà ngày càng trầm trọng không chỉ gây thiệt thòi cho nhà đầu tư cá nhân mà còn ảnh hưởng đến kênh huy động vốn của doanh nghiệp (DN).
TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), cho rằng việc chứng khoán Việt Nam liên tục đạt kỷ lục trong suốt bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát thực tế không khác nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ, Hàn Quốc đến Trung Quốc. Trong năm 2020, tỉ lệ tài sản đầu tư người Mỹ bỏ vào cổ phiếu tăng hơn 30% trong khi ở Trung Quốc ước tính mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới và số nhà đầu tư mới cả năm của Trung Quốc là khoảng 18 triệu người.
"Những con số đó cho thấy đây là một xu thế do dịch bệnh gây ra, nhiều người mất việc và bị giãn cách xã hội nên đã tìm đến những kênh đầu tư kiếm tiền, "chơi chứng khoán" là một trong số đó. Đây là một xu thế và cần những ứng xử tương ứng về mặt xã hội và chính sách" - TS Hồ Quốc Tuấn nhận định.
Thực tế, ở những thị trường lớn có lượng nhà đầu tư tăng kỷ lục thỉnh thoảng cũng có một vài trường hợp hệ thống giao dịch trục trặc do lượng giao dịch tăng quá đột biến. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó mọi việc đã được khắc phục. Còn ở Việt Nam, trục trặc kỹ thuật của sàn chứng khoán đã kéo dài suốt từ năm 2020 sang năm 2021, trong khi dự án đổi mới công nghệ đã được khởi động từ năm 2012 đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Quả bóng liên tục được đá về tương lai nhưng đến lúc này vẫn chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, sự bức xúc của nhà đầu tư là dễ hiểu. "Nhà đầu tư và công ty chứng khoán vẫn phải nộp các loại phí cho HoSE nhưng đổi lại, dịch vụ không như ý muốn. Nhà đầu tư cần biết trách nhiệm của ai và ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Họ cần có câu trả lời thỏa đáng" - TS Hồ Quốc Tuấn phân tích.
Kế đến là việc có hàng ngàn nhà đầu tư mới mở tài khoản chứng khoán mỗi ngày tạo ra làn sóng mua bán theo đám đông gia tăng không ngừng. Họ chủ yếu mua đi bán lại chứng khoán để hưởng chênh lệch giá, không quan tâm đến yếu tố cơ bản của DN, vô tình đẩy giá cổ phiếu vượt xa giá trị thực. Đây cũng là biểu hiện của thị trường đầu cơ, ngắn hạn và thiếu chuyên nghiệp, dễ dàng bị các đội, nhóm thao túng đẩy giá, đè giá.
Giám đốc một công ty chứng khoán thừa nhận đâu đó trên thị trường vẫn có những "chiêu trò" gây mất lòng tin cho nhà đầu tư. Như trường hợp cổ phiếu của một DN bất động sản gần đây tăng giá liên tục từ 24.000 đồng lên hơn 29.000 đồng chỉ trong thời gian ngắn, nhà đầu tư ồ ạt mua vào. Ngay sau đó, HĐQT DN thông qua kế hoạch trình đại hội cổ đông về việc phát hành thêm 207 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với giá đã chiết khấu 20% so với giá bình quân trong 20 ngày giao dịch gần nhất, ước tính chỉ 20.000 đồng và phát hành 7 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên với giá 0 đồng…
Kế hoạch phát hành này được các chuyên gia đánh giá sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông, bao gồm rủi ro pha loãng cũng như giá chào bán. Lập tức, giá cổ phiếu DN này rơi liên tục trong 3 ngày với mức giảm hơn 20%. Nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức nước ngoài đua nhau bán tháo. Tiếp sau đó, nhà đầu tư nhận được tin một lãnh đạo DN đã bán hàng trăm ngàn cổ phiếu này ngay trên đỉnh và trước thời điểm công bố quyết định quan trọng. "Lãnh đạo DN ra quyết định có thể đúng quy định pháp luật và thu được cái lợi trước mắt nhưng cái mất lớn hơn chính là niềm tin của nhà đầu tư vào DN" - giám đốc công ty chứng khoán này nói.
Hầu hết nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán thời gian gần đây đều mang tính đầu cơ, ít quan tâm đến nội tình doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Rủi ro ngày càng lớn
Ở góc độ quản lý, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, thừa nhận việc thị trường chứng khoán duy trì đà tăng mạnh và dài như trong thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức, áp lực hơn cho cả cơ quan quản lý và các thành viên thị trường. Chính vì vậy, bên cạnh những điểm tích cực, thị trường chứng khoán cũng đang đối diện không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện để đưa ra các giải pháp thích hợp.
Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt những nguy cơ lớn. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất. Vì vậy, diễn biến của thị trường chứng khoán về trung và dài hạn phụ thuộc khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro điều chỉnh rất lớn.
Một rủi ro lớn nữa đến từ dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán đã liên tục tăng trong thời gian qua. Tính tới thời điểm ngày 31-5, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112.100 tỉ đồng, tăng 31.200 tỉ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10.700 tỉ so với cuối quý I/2021. Một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu).
"Dù dư nợ margin hiện vẫn trong khả năng kiểm soát nhưng với việc tăng mạnh liên tục của thị trường và dự báo sẽ còn tăng nữa, chúng tôi nhận thấy cần tăng cường thanh tra, giám sát để bảo đảm việc cho vay margin là đúng pháp luật, an toàn cho cả công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường" - ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ thị trường chứng khoán có thể tăng nóng khiến nhà đầu tư, thị trường và nền kinh tế đối mặt với rủi ro, PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược, cho rằng nhà đầu tư cần phải nhận thức được cả cơ hội và rủi ro khi xác định đầu tư chứng khoán. Họ cần có kiến thức tài chính, quản trị tốt tài sản, đo lường rủi ro và đối mặt những mất mát có thể gặp phải. Khi thị trường tăng nóng, giá cổ phiếu lên cao quá so với giá trị thực sẽ có thể đến giai đoạn đổ vỡ về giá.
"Để nhận định về thị trường lúc này rất khó, không thể đoán trước lúc nào nó sẽ thoái trào. Vì thị trường phụ thuộc diễn biến dịch bệnh, kéo theo là hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực. Nếu mọi thứ còn khó khăn, tiền nhàn rỗi của người dân, DN chưa biết đổ vào đâu và mặt bằng lãi suất còn thấp thì sức nóng của thị trường chứng khoán chưa thể ngừng" - PGS-TS Phạm Thế Anh phân tích.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ngày ra 10-6
Bình luận (0)