Chỉ số của sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm sâu tới 5,9% xuống 288,37 điểm và UPCoM-Index mất 3,4% xuống 90,53 điểm. Số cổ phiếu giảm giá trên cả 3 sàn chiếm áp đảo, tổng cộng hơn 800 mã, trong đó hơn 200 mã giảm kịch sàn. Thanh khoản toàn thị trường đạt 20.990 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với phiên cuối tuần trước, trong đó riêng sàn HoSE tăng 14% lên 17.766 tỉ đồng.
Các chuyên gia cho rằng thị trường đang gặp nhiều áp lực từ các thông tin tiêu cực trong và ngoài nước đã khiến nhà đầu tư lo sợ bán tháo. Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư của Mirae Asset Việt Nam, cho biết ngoài thông tin chứng khoán toàn cầu đang chao đảo vì lạm phát và Mỹ sắp tăng lãi suất thì ở trong nước cũng có nhiều thông tin bất lợi, đè lên thị trường, như giá xăng dầu tăng mạnh từ 800-2.600 đồng/lít gây áp lực lên nhiều loại hàng hóa, đời sống người dân và nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 13-6. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, tuần này bắt đầu chu kỳ đáo hạn phái sinh cũng như các quỹ FTSE và VanEck Vector sẽ thực hiện cơ cấu quỹ cũng ít nhiều ảnh hưởng tới biến động của thị trường chứng khoán.
Một thông tin khác cũng khiến các nhà đầu tư trong nước lo ngại là việc Bộ Tài chính Mỹ đưa 12 nền kinh tế vào danh sách giám sát, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mexico, Việt Nam và Đài Loan. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc này không đáng lo ngại, nó xuất phát từ lý do duy nhất là thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam vượt mức cho phép 15 tỉ USD và Việt Nam sẽ nhanh chóng khắc phục tình trạng này.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) cho rằng trong bối cảnh thị trường hiện tại, nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội giải ngân trong những phiên điều chỉnh, quan tâm nhóm cổ phiếu bảo hiểm, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, xây dựng hạ tầng, cổ phiếu khu công nghiệp.
Bình luận (0)