Tính đến 10 giờ 45 ngày 3-10, chỉ số VN-Index ở mức 1.135,19 điểm, giảm mạnh 20,04 điểm (-1,74%) so với phiên trước; HNX 231,97 điểm, giảm mạnh 4,75 điểm trong khi Upcom giảm 0,91 điểm, về 87,78 điểm.
Thị trường giảm với biên độ lớn khiến nhiều cổ phiếu dòng chứng khoán, bất động sản, dầu khí, ngân hàng… giảm mạnh 3-4%. Ngay cả các nhóm cổ phiếu đi lên những phiên trước như cảng biển, bán lẻ cũng không giữ được sắc xanh.
Áp lực bán các mã cổ phiếu trụ trong rổ VN30 rất lớn khiến VN30-Index giảm mạnh hơn cả VN-Index. Trong đó, các mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường là MGW, GAS, BID, VIC, HPG, VPB…
Nhiều nhà đầu tư cho biết bất ngờ khi thị trường tiếp tục dò đáy, thay vì phục hồi đi lên như kỳ vọng và dự báo của nhiều công ty chứng khoán trước đó.
Điểm tích cực là dòng tiền bắt đáy xuất hiện nhiều hơn khi thị trường và cổ phiếu đồng loạt lao dốc. Khối lượng giao dịch tại sàn HoSE đến 11 giờ đạt gần 330 triệu cổ phiếu, trị giá gần 7.000 tỉ đồng - cao gấp rưỡi so với cùng thời điểm phiên trước.
Điểm tiêu cực là nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng hơn 220 tỉ đồng trên sàn này.
Kết phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm sâu rồi đóng cửa ở mức 1.126,51 điểm, mất tới 28,74 điểm so với phiên trước (-2,49%).
Giới phân tích cho rằng tỉ giá USD/VNĐ tiếp tục đi lên trong bối cảnh chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế tăng tiếp vượt 107 điểm đã tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Thị trường chứng khoán tiếp tục dò đáy trong ngắn hạn
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về phiên giảm điểm mạnh của VN-Index trong sáng 3-10, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vinacapital, cho rằng thị trường trong ngắn hạn sẽ có những điều chỉnh với các phiên tăng - giảm điểm nhưng là diễn biến bình thường.
Bởi lẽ, nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 20% trước đợt điều chỉnh lần này. Tính chung tới nay, thị trường chứng khoán vẫn tăng khoảng 15%.
"Việc điều chỉnh sau giai đoạn tăng liên tục là cần thiết. Quan trọng là động lực cho thị trường đi lên là rất lớn vì chu kỳ kinh tế của Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển dài hạn. Trong ngắn hạn, tiềm năng tăng trưởng là các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi với mức lợi nhuận cho năm 2024 từ khoảng 25-30%" - bà Hoài Thu nhận xét.
Do đó, những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn không nên quá lo lắng. Nhưng với nhà đầu tư cá nhân, vốn đang chiếm khoảng 90% tỉ lệ giao dịch trên thị trường, thì khó tránh những biến động trong ngắn hạn.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cũng cho rằng trong tháng 10, kênh chứng khoán vẫn sẽ là lựa chọn ưu tiên hiện nay.
Nhà đầu tư có thể nắm bắt cơ hội xuất hiện từ nhịp điều chỉnh vừa qua. Chỉ số VN-Index được kỳ vọng hình thành vùng cân bằng để tích lũy trở lại. Xu hướng vận động tích lũy trong biên độ từ 1.130 - 1.210 điểm có thể sẽ là kịch bản cho thị trường trong tháng 10.
"Rủi ro của thị trường tập trung bởi 2 yếu tố áp lực tỉ giá nếu tiếp tục gia tăng sẽ gây sức ép lên chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Rủi ro giảm phát từ phía Trung Quốc và đặc biệt từ nhóm ngành bất động sản có thể làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư về nhóm ngành này. Các nhà đầu tư nên lưu ý với nhóm ngành nhạy cảm về lãi suất hạn chế các vị thế mua rủi ro" - ông Đinh Quang Hinh khuyến cáo.
Bình luận (0)