Chưa kịp vui mừng vì mua được một vài mã cổ phiếu với giá tốt trong phiên "bùng nổ theo đà" hôm đầu tuần 20-2, chị Phương (ngụ thành phố Thủ Đức, TP HCM) đang khóc ròng chưa biết giải quyết thế nào khi cổ phiếu chưa về tới tài khoản nhưng mã nào cũng lỗ trên 6-7%, thậm chí có mã mất tới hơn 10%.
Trước đó, vào đợt sụt giảm đột ngột của thị trường hồi đầu tháng 2, chị Phương nghe lời nhân viên tư vấn bán hết danh mục để tránh rủi ro. "Thời điểm đó, chị lỗ mất hơn 50 triệu đồng nhưng sau đó thấy thị trường tiếp tục giảm sâu, VN-Index từ hơn 1.110 điểm rớt xuống chỉ xấp xỉ 1.030 điểm, nhiều cổ phiếu bất động sản, sắt thép, chứng khoán, thậm chỉ cả ngành ngân hàng cũng mất tới 20-30% giá trị, tôi thấy an ủi vì mình đã quyết định đúng, nếu không sẽ còn thua lỗ nặng hơn" - chị Phương kể.
Tuy vậy, từ giữa tháng 2, thị trường bất ngờ tăng điểm trở lại, nhiều cổ phiếu âm thầm đi lên từ mức đáy rất thấp, chị Phương và nhiều nhà đầu tư cầm tiền mặt khác hết sức sốt ruột vì bỏ qua cơ hội kiếm lời. Mãi đến ngày 20-2, khi thị trường tăng bùng nổ gần 28 điểm, kèm theo nhiều thông tin tích cực về các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, chị Phương tự tin mua vào dù giá các cổ phiếu đã tăng ít nhất 10-15% từ đáy, vì nghĩ thị trường đã ổn định trở lại. Nhưng ngay khi xong VN-Index đã đổ sập hơn 31 điểm trong 2 phiên vừa qua, xóa sạch thành quả tăng điểm trước đó.
Đáng chú ý, không chỉ chị Phương mà rất nhiều nhà đầu tư cá nhân khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Họ không hiểu những biến động bất thường vừa qua đến từ đâu, một vài người hoài nghi đây là chiêu đẩy giá của các tổ chức lớn để "thoát hàng" và dụ nhà đầu tư nhỏ lẻ nhảy vào "ôm" cổ phiếu ở mức giá cao.
Trong phiên giao dịch sáng 23-2, khối ngoại bán ròng hàng trăm tỉ đồng, góp phần kéo thị trường đi xuống
Phiên giao dịch sáng nay, 23-2, VN- Index tiếp tục diễn biến xấu và mất thêm gần 14 điểm khi lực bán vẫn chiếm chủ đạo trên sàn.
Thị trường thiếu lực đỡ, khi các cổ phiếu lớn thuộc nhóm VN30 cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm từ 0,4% -2,1%. Mã bị bán nhiều nhất gồm HPG với 15,6 triệu cổ phiếu, SSI gần 8,2 triệu cổ phiếu, STB hơn 6,4 triệu cổ phiếu… Cổ phiếu các nhóm ngành khác như vật liệu xây dựng giảm 1,7%, bán lẻ giảm 1,7%, chế biến thủy sản giảm 1,6%...
Kết thúc phiên sáng, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua vào 14 triệu cổ phiếu, giá trị 683 tỉ đồng. Ngược lại, họ lại bán ra 31 triệu cổ phiếu, trị giá 1.029 tỉ đồng, tính ra khối ngoại đã bán ròng 345 tỉ đồng, tập trung vào các mã vốn hóa lớn như HPG, SSI, VNM, VHM… khiến thị trường không có động lực để phục hồi.
Phiên ngày 22-2, khối ngoại cũng bán ròng 364 tỉ đồng khiến toàn thị trường có hơn 500 mã rớt giá.
Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng có thể nhà đầu tư nước ngoài đã tranh thủ việc Chính phủ đưa ra các giải pháp phục hồi thị trường bất động sản, lãi suất đi xuống… vào tuần trước để mua vào, kéo theo làn sóng mua theo của nhiều nhà đầu tư khác nhằm đẩy giá cổ phiếu trong giao dịch ngày 20-2 và đến các phiên tiếp theo họ bán ra thu về lợi nhuận.
Bình luận (0)